Chuẩn bị nhân lực có kỹ năng cho khôi phục kinh tế sau đại dịch

NDO -

Dịch Covid-19 tác động lớn tới thị trường lao động - việc làm Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn. Do đó, cần có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực nhằm khôi phục và phát triển thị trường lao động; đặc biệt việc tạo việc làm, xây dựng kỹ năng lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Vinh danh 2 thí sinh đạt Huy chương vàng cuộc thi trực tuyến nghề cơ điện tử năm 2021 (Ảnh: GDVT).
Vinh danh 2 thí sinh đạt Huy chương vàng cuộc thi trực tuyến nghề cơ điện tử năm 2021 (Ảnh: GDVT).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp

Chiều 4/10, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức “Hội thảo quốc tế về Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới”.

Chương trình nhằm kỷ niệm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10.

Chuẩn bị nhân lực có kỹ năng cho khôi phục kinh tế sau đại dịch -0
 Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến (Ảnh: GDVT).

Thông tin về thực trạng nguồn nhân lực hiện nay, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) Nguyễn Chí Trường cho biết, tính đến quý II/2021, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 51,1 triệu người, trong đó lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 26,1%.

Như vậy, số lao động chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ chưa được công nhận trình độ kỹ năng (kỹ năng, đào tạo) là 73,9%. Đồng thời, có sự thiếu kết nối giữa giáo dục đào tạo với doanh nghiệp, xã hội, thị trường lao động trước, trong và sau quá tình đào tạo, tham gia thị trường lao động.

Ông Nguyễn Chí Trường cho rằng, để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, phải đặt tầm nhìn nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước bằng sức mạnh của kỹ năng và năng lực hành nghề của người lao động. Phải đặt mục tiêu về trình độ kỹ năng nghề theo cơ cấu về bậc trình độ, ngành nghề, số lượng, chất lượng bảo đảm nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao nhân lực có kỹ năng và năng lực hành nghề phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới…

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, trong bối cảnh đất nước đang chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, thị trường lao động và việc làm có nhiều biến động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai các chương trình, hoạt động về phát triển kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vì vậy, cần tập trung phân tích, đánh giá kịp thời, chính xác và đầy đủ những tác động của đại dịch Covid-19 đối với lao động, việc làm và thị trường lao động Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn, cả trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự dịch chuyển đầu tư, công nghệ và lao động có kỹ năng trong quá trình hội nhập quốc tế. Rút ra bài học từ kinh nghiệm quốc tế trong ứng phó với dịch bệnh nhằm duy trì sản xuất, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và chuẩn bị nhân lực có kỹ năng cho khôi phục kinh tế sau đại dịch.

Cùng với đó, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để khắc phục khó khăn, nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực nhằm khôi phục và phát triển thị trường lao động. Đặc biệt là các giải pháp tạo việc làm cho người lao động và xây dựng kỹ năng lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Lao động có kỹ năng nghề tạo nên sức cạnh tranh của nền kinh tế

"Trước đại dịch Covid-19, làn sóng chuyển dịch đầu tư, Cách mạng công nghiệp 4.0, lao động Việt Nam đã đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức, cũng như việc tận dụng cơ hội mới" - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI)  Hoàng Quang Phòng khẳng định.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, kỹ năng nghề là nhân tố quan trọng, quyết định tăng trưởng nền kinh tế. Lực lượng lao động có kỹ năng nghề tạo nên sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng tốt làn sóng đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, lao động nước ta có những hạn chế về chuyên môn kỹ thuật, năng suất lao động còn thấp. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần có giải pháp chiến lược, nâng tầm kỹ năng lao động trong tình hình mới, đổi mới, nâng cao năng lực nguồn nhân lực nước nhà. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động cùng phát triển…

Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Abla Sair cũng đặt vấn đề làm thế nào để cho người sử dụng lao động tham gia trong việc nâng cao kỹ năng cho người lao động. Doanh nghiệp cần tham gia chủ động trong các hoạt động đào tạo kỹ năng cũng vì lợi ích của riêng họ.

Tuy vậy, sự tham gia của doanh nghiệp trong phát triển kỹ năng còn hạn chế so với những gì họ thực hiện. Khảo sát của WB cho thấy, 46% doanh nghiệp không có hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

WB cho rằng, cần thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp để phát triển kỹ năng cho người lao động. Hiện, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng mong muốn phối hợp doanh nghiệp nhưng cũng gặp phải nhiều rào cản trong việc kết nối như nhân sự, tài chính, thiếu chính sách hỗ trợ...

Đại diện lâm thời Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Nguyễn Hồng Hà cho rằng, phát triển kỹ năng cho người lao động luôn là ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là con đường để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, với 51,1 triệu người lao động, song tỷ lệ lực lượng lao động qua đào đạo rất thấp, con số này cho thấy nhu cầu đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho người lao động rất lớn, nhất là đại dịch Covid-19 cũng đang thách thức việc tiếp cận việc làm của người lao động khi thị trường lao động Việt Nam đang bị thu hẹp.

Theo chuyên gia đến từ ILO, triển vọng phục hồi việc làm là thách thức với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm, do vậy việc nâng cao kỹ năng cho người lao động là rất cần thiết. Vì vậy, xây dựng chính sách, chương trình đào tạo, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo việc làm cần đặt lên hàng đầu. Đồng thời, thúc đẩy các cơ hội cho người lao động dựa trên lợi thế kinh tế địa phương nhằm phát triển kỹ năng "học tập một lần là đủ" sang "học tập suốt đời", nâng cao năng lực cho người lao động, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

"Đặt người học làm trung tâm, đáp ứng được nhu cầu của người học. Phát triển kỹ năng bao trùm cho người lao động cần đặc biệt quan tâm tới người yếu thế", bà Nguyễn Hồng Hà chia sẻ.