Chú trọng các biện pháp bảo đảm an toàn lao động

Thời gian qua, mặc dù các ngành, các địa phương, đơn vị đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp nhưng tình hình vi phạm an toàn lao động dẫn tới số vụ tai nạn lao động vẫn ở mức cao và có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các khu vực công trường xây dựng, hầm mỏ, khai trường vật liệu xây dựng.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu biển Oriental Glory đang neo đậu, sửa chữa tại hầm số 5, Công ty cổ phần sửa chữa tàu biển Nosco ShipYard, ở thôn 4, xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra cháy nổ khiến 8 công nhân bị thương. (Ảnh: ÁNH TUYẾT)
Tàu biển Oriental Glory đang neo đậu, sửa chữa tại hầm số 5, Công ty cổ phần sửa chữa tàu biển Nosco ShipYard, ở thôn 4, xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra cháy nổ khiến 8 công nhân bị thương. (Ảnh: ÁNH TUYẾT)

Ngày 20/3/2023, tại mỏ đá của Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Hòa Bình xảy ra vụ tai nạn lao động. Theo cơ quan chức năng, trong lúc đến gần băng chuyền ở trên núi cao để tra dầu mỡ, một công nhân khai thác đá ở xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình bị ngã xuống đất tử vong. Trước đó, ngày 9/1/2023, đã xảy ra một vụ tai nạn lao động gây hậu quả chết người tại xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Thông tin từ UBND xã Cốc Mỳ cho biết, vụ việc xảy ra vào khoảng 11 giờ 30 phút, chị Ðào Thị N. (sinh năm 1980, trú tại thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng) đang làm việc trên công trường cải tạo tỉnh lộ 156, khi thấy xe ô-tô phía đường ngược chiều đi tới gần, chị giật mình ngã vào phần đường xe lu đang lu đường. Hậu quả khiến chị N. tử vong tại chỗ.

Số liệu thống kê cho thấy thời gian qua, số vụ tai nạn lao động vẫn tiếp tục có dấu hiệu gia tăng. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong năm 2022 xảy ra 73 vụ, làm chết 73 người, bị thương 6 người, tăng 33 vụ so với năm 2021. Còn tại tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 619 vụ tai nạn lao động, làm chết 32 người, bị thương nặng 417 người.

Theo cơ quan chức năng, có ba nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động, gồm: nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân đến từ môi trường làm việc. Nguyên nhân khách quan do yếu tố bên ngoài mà con người không quyết định được, có thể không nhìn thấy, không lường trước được. Nguyên nhân này thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 3%. Thường là do các yếu tố thiết bị đã sử dụng lâu ngày không được bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến hư hỏng hoặc quá hạn sử dụng. Ðiều cần thiết là ban quản lý, chủ sử dụng lao động cần yêu cầu bộ phận cơ sở vật chất kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị. Nguyên nhân chủ quan lại chiếm phần lớn trong số các nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, lên tới 73%.

Những nguyên nhân này bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, sơ sài. Vốn có thể khắc phục những nguyên nhân chủ quan này để không xảy ra những sự việc đáng tiếc, như: người lao động không đeo khẩu trang, không mặc đồ bảo hộ lao động; sử dụng bật lửa, thuốc lá hoặc chất dễ bén lửa trong quá trình làm việc; máy móc không được hoàn chỉnh, thiết bị có sự hư hỏng trong quá trình hoạt động lâu dài mà không được sửa chữa kịp thời, mất đi sự an toàn lao động do làm việc quá tính năng. Không có các thiết bị cảnh báo, thiếu ánh sáng; không thiết kế rào chắn bao chung quanh nơi làm việc. Bên cạnh đó, các yếu tố về môi trường làm việc cũng là nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn lao động như môi trường khói bụi, độc hại, nguy hiểm…

Ðể giảm đến mức thấp nhất các vụ tai nạn xảy ra cũng như hạn chế sự thương tổn đối với sức khỏe con người, các đơn vị sử dụng lao động, các nhà thầu, chủ đầu tư cần kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các loại máy móc, trang thiết bị tại cơ sở. Kịp thời sửa chữa những máy móc bị hư hỏng bảo đảm an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc. Ðào tạo chuyên môn, cung cấp đầy đủ các kỹ năng vận hành máy móc cho người lao động trước khi sử dụng. Tránh trường hợp người lao động chưa biết sử dụng mà vẫn cố khởi động dẫn đến những tai nạn bất ngờ.

Tổ chức các buổi huấn luyện, tập luyện nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cũng như xử lý nhanh các tình huống nhằm giảm bớt các hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Sử dụng lưới bảo hộ, hàng rào che chắn ở những địa điểm diễn ra việc thi công công trình; đồng thời có các biển cảnh báo, biển phát quang để người dân dễ dàng nhận biết. Ngoài ra hằng năm, người sử dụng lao động cần lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh và các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động. Cần đưa người lao động đi khám định kỳ hằng năm tại các cơ sở y tế và có chế độ chăm sóc sức khỏe phù hợp.