Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội

Sáng 3/7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 đã khai mạc kỳ họp thứ 12 để xem xét tình hình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2023 và nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16. ( Ảnh: DUY LINH)
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16. ( Ảnh: DUY LINH)

Tới dự phiên khai mạc có đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Văn Cường, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu dự phiên khai mạc kỳ họp. (Ảnh: Duy Linh)

Kinh tế Thủ đô vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và tăng trưởng

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, sáu tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội Thủ đô đã đạt được kết quả khả quan. GRDP ước tăng 5,97% so cùng kỳ (cả nước tăng 3,72%). Tính chung, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 220,1 nghìn tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán, tăng 22,9% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,3% so với cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 369 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách du lịch đến Hà Nội gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,22%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của thành phố cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ và mục tiêu đề ra, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Cải cách hành chính được cải thiện tăng 7 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố nhưng các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giảm.

Một số vấn đề đặt ra những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị chưa được khắc phục triệt để như ùn tắc giao thông, úng ngập, xử lý rác thải, nước thải chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững; tình trạng vi phạm quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng; công tác quản lý tài sản công; việc triển khai các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp vẫn còn bất cập, chưa đồng bộ. Kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm, tạo điểm nghẽn, ách tắc, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận: Những kết quả của thành phố đạt được là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương; sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Trong đó có đóng góp quan trọng của Hội đồng nhân dân thành phố, đã tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, thực chất, hiệu quả, sát tình hình thực tiễn của Thủ đô.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ảnh 2

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục nâng cao vai trò, quyền hạn, trách nhiệm trong việc quyết định các nội dung quan trọng của thành phố. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Đề án số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy; Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng chí gợi mở một số nội dung để Hội đồng nhân dân thành phố tập trung thảo luận, phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, nhằm phát huy mọi nguồn lực của thành phố. Khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 và cả nhiệm kỳ, nhất là những chỉ tiêu, nhiệm vụ khó hoàn thành.

Trong đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Bám sát kế hoạch thực hiện 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy để tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố. Kịp thời khắc phục những hạn chế yếu kém, chậm trễ trong sáu tháng đầu năm để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và tiếp tục thu hút mọi nguồn lực và tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu hội đồng nhân dân cần thảo luận kỹ, đi sâu, làm rõ tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, khoa học và công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở. Tập trung lựa chọn các vấn đề quan trọng, nổi cộm được cử tri,nhân dân quan tâm để giám sát, chất vấn, giải trình, tăng cường việc rà soát, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát và những cam kết, tiến độ thực hiện của Ủy ban nhân dân thành phố để phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, ách tắc, điểm nghẽn trong quá trình phát triển của thành phố và bảo đảm nâng cao đời sống của cử tri, nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ảnh 3

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp. (Ảnh: Duy Linh)

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Kỳ họp dự kiến tổ chức trong 4 ngày để xem xét, thông qua 43 nội dung, gồm 21 báo cáo và 22 Nghị quyết. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng và cũng là kỳ thường lệ đầu tiên thực hiện theo Nội quy kỳ họp mới khoá 16 đã được thông qua. Trong đó nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận như: Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch năm 2023, định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2024; Phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương các dự án đầu tư công; Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố đến năm 2030; “Định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND Thành phố và tiếp tục tăng cường các biện pháp để tập trung đẩy nhanh việc xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai; Đề án thành lập Quận Đông Anh; miễn giảm phí, lệ phí; các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá thể thao và các nội dung quan trọng khác.

Kỳ họp sẽ dành thời gian một ngày để tái chất vấn việc thực hiện các cam kết, lời hứa của các thành viên Ủy ban nhân dân thành phố và lãnh đạo các cơ quan liên quan về một số nội dung, vấn đề đến hạn giải quyết đã được Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố quyết nghị, kết luận tại các phiên chất vấn, giải trình nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả. Chất vấn nhóm vấn đề công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố.