Cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ từ chỉ số PAPI

PAPI là Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam nhằm đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương.
0:00 / 0:00
0:00

Năm 2022, tại Hà Nội, Ban tổ chức đã khảo sát hơn 1.000 người dân ở 24 thôn, tổ dân phố thuộc 12 xã, phường, thị trấn của sáu quận, huyện, thị xã gồm: Hoàn Kiếm, Ðống Ða, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Phúc Thọ và lấy kết quả đánh giá cho toàn thành phố.

So với năm 2021, Chỉ số tổng hợp PAPI năm 2022 của Hà Nội đạt 43,90/80 điểm, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu (nhóm 1), nhưng giảm 0,55 điểm; giảm ba bậc về thứ hạng và có 5/8 chỉ số thành phần giảm. Nguyên nhân là do người dân đánh giá việc tiếp nhận thông tin chính sách, pháp luật từ chính quyền chưa kịp thời, hữu ích, tin cậy, một số trường hợp phải mất chi phí để lấy thông tin. Nhiều ý kiến cho rằng, người dân chưa được biết, chưa được tham gia ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa biết nơi công khai bảng giá đất, chưa biết mục đích thu hồi đất. Theo đánh giá của người dân được khảo sát, tình trạng, mức độ tham nhũng của cán bộ, công chức tại địa phương tăng lên ở các lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng...

Theo Sở Nội vụ, tháng 8/2021, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 179/KH-UBND "Về cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025". Trong đó khẳng định quyết tâm cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền đối với người dân, doanh nghiệp, cũng như phân công rõ nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp tới các đơn vị. Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần bám sát những giải pháp, nhiệm vụ, chỉ tiêu được xác định tại Kế hoạch 179/KH-UBND để tiếp tục thực hiện. Sở Nội vụ sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI năm 2023 bảo đảm khả thi, hiệu quả.

Thực tế khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, phần lớn nội dung Chỉ số PAPI nghiên cứu và công bố liên quan những vấn đề rất cụ thể, gắn với đời sống người dân ở cơ sở; trong đó có tới hơn 75% nội dung liên quan đến với trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn. Do đó, muốn cải thiện Chỉ số PAPI của thành phố, trước hết cần cải thiện từ chính chất lượng hoạt động của chính quyền cấp xã. Các cán bộ cấp xã cần nhận thức sâu sắc hơn về Chỉ số PAPI, đánh giá các nội dung đã làm được, chưa làm được và đề ra những giải pháp thiết thực. Từ ngày 1/7/2023, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chính thức có hiệu lực sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa chủ trương của Ðảng về bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và hiện thực hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Việc thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ góp phần quan trọng để các địa phương của Hà Nội cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI.