Những năm qua, tỉnh Sơn La là một trong những địa phương “nóng” nhất cả nước về ma túy và tội phạm ma túy… Ðấu tranh với các loại tội phạm này, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều đợt cao điểm, mở nhiều chuyên án, triệt phá nhiều vụ buôn bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép ma túy. Dù vậy, tội phạm ma túy giống như con bạch tuộc, không ngừng sục sạo, gieo rắc cái chết “trắng” khắp nơi.
Là một tỉnh miền núi vùng cao, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Trong đó, có hơn 270km đường biên giới trải dài qua 69 bản thuộc 17 xã của Sơn La và tiếp giáp với năm huyện biên giới của hai tỉnh bên kia biên giới, rất gần khu vực “tam giác vàng”, một trong những trung tâm sản xuất, buôn bán ma túy lớn nhất thế giới. Do vậy, tuyến biên giới của Sơn La có vị trí thuận lợi để các đối tượng lợi dụng vận chuyển các chất ma túy vào nội địa tỉnh Sơn La, sau đó được các đối tượng móc nối mua bán, trung chuyển ma túy từ một số tỉnh Tây Bắc về Hà Nội và các tỉnh khác.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động
Thực tế cho thấy, tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian qua có giảm về số vụ việc, nhưng tính chất hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, manh động. Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Sơn La cho biết: Tình hình hoạt động của tội phạm ma túy khu vực ngoại biên diễn biến rất phức tạp.
Các loại ma túy chủ yếu là heroin, ma túy tổng hợp, ma túy dạng đá và thuốc phiện, phần lớn được vận chuyển về từ khu vực tam giác vàng. Tại đây, ma túy được các đối tượng tiến hành trao đổi, mua bán hoặc pha trộn thêm phụ gia, đóng ép thành bánh chờ thời cơ mang đi tiêu thụ. Ðáng chú ý, tội phạm ma túy hình thành các đường dây khép kín từ bên kia biên giới móc nối với các đối tượng trong nước để tổ chức vận chuyển ma túy vào Việt Nam hoặc sang nước thứ ba…
Theo Trung tá Hà Văn Chinh, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La: Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy thời gian gần đây có sự thay đổi khi các đối tượng lợi dụng các mạng xã hội để lập nhóm kín hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy. Sau khi các đối tượng vận chuyển ma túy từ bên kia biên giới về Việt Nam sẽ được ngụy trang thành các kiện hàng hóa, rồi thuê người vận chuyển ra bưu điện, bến xe để gửi theo đường bưu phẩm hoặc qua xe khách.
Quá trình vận chuyển ma túy đều có sự chỉ đạo từ xa qua điện thoại cho người vận chuyển, thậm chí người vận chuyển không biết bên trong là ma túy và người thuê là ai, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình bắt giữ và điều tra mở rộng vụ án. Ðiển hình như các chuyên án SL322.2, SL522P và A1-622 do Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La và Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xác lập, đấu tranh các đối tượng trong đường dây đều ngụy trang ma túy dưới dạng hàng hóa rồi thuê người vận chuyển ra các bến đỗ xe đường dài để gửi xe khách cho đầu mối ở các địa phương.
Thực tế cho thấy, tội phạm ma túy là loại tội phạm vô cùng liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng bằng vũ khí “nóng” khi bị phát hiện, vây bắt. Trong khi hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp và không theo quy luật nhất định, gây rất nhiều khó khăn cho việc điều tra, truy bắt…
Những chiến công thầm lặng
Những năm qua, các lực lượng phòng, chống ma túy của tỉnh Sơn La đã chủ động tham mưu với các cấp của tỉnh ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc huy động cả hệ thống chính trị tập trung, tăng cường thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, góp phần giảm lượng ma túy từ phía bên kia biên giới vận chuyển vào phía Việt Nam.
Qua đó, các lực lượng chức năng của tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều chuyên án ma túy, phá những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn. Từ tháng 12/2020 đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 241 vụ với 268 đối tượng, thu giữ gần 30kg heroin, hơn 49kg ma túy tổng hợp, 6kg ma túy đá, 14 khẩu súng, hai lựu đạn cùng nhiều tang vật khác.
Ðiển hình như thực hiện Kế hoạch đấu tranh chuyên án SL720, Bộ đội Biên phòng cùng các lực lượng phối hợp đã bắt quả tang đối tượng Giàng A Vừ, trú tại bản Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, vận chuyển trái phép 41 bánh heroin. Hay như chuyên án SL820, lực lượng Bộ đội Biên phòng Sơn La đã chủ trì, phối hợp bắt quả tang bốn đối tượng người bên kia biên giới vận chuyển trái phép 10 bánh heroin cùng nhiều tang vật liên quan…
Từ năm 2019 đến nay, lực lượng phòng, chống ma túy của Công an tỉnh Sơn La đã phát hiện, bắt giữ hơn 4.000 vụ với 5.317 đối tượng, thu giữ lượng lớn ma túy các loại cùng các loại súng quân dụng, công cụ hỗ trợ và súng tự chế. Riêng trong tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6/2022), đã phát hiện, bắt giữ 193 vụ với 223 đối tượng, tăng 62 vụ, 49 đối tượng so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 51 vụ, 56 đối tượng so với tháng 5/2022.
Trong tháng 7/2022 đã tổ chức truy bắt được bảy đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội phạm ma túy, vận động được một đối tượng truy nã, thu giữ năm khẩu súng quân dụng, năm khẩu súng tự chế cùng nhiều vật chứng liên quan khác. Ðiển hình như chuyên án truy xét, truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Hờ A Nủ, trú tại bản Pa Kha, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ. Khi bị bắt giữ, trên người đối tượng có hai khẩu súng ngắn đạn đã lên nòng, hai hộp tiếp đạn, 53 viên đạn. Tiến hành khám xét nơi ở của đối tượng tiếp tục thu giữ thêm một khẩu súng AK, hai hộp tiếp đạn, 139 viên đạn và hai khẩu súng tự chế…
Theo thống kê của Công an tỉnh, địa bàn Sơn La hiện có gần 7.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và có xu hướng gia tăng. Nhiều loại ma túy mới xuất hiện, nhất là ma túy tổng hợp với nhiều biến thể, chủng loại rất thịnh hành trong giới trẻ hiện nay. Bên cạnh đó, tính chất, đặc điểm địa bàn rừng núi ở Sơn La hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đường biên giới dài, rất khó khăn cho công tác kiểm soát. Ðối tượng tàng trữ nhiều loại vũ khí quân dụng, tự chế có độ sát thương cao, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị truy bắt…
Ðể đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm về ma túy, cần có sự chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của cấp ủy, chính quyền; kiên quyết của lực lượng chức năng; đồng lòng của nhân dân; bên cạnh đó là các giải pháp về công tác quản lý người nghiện, cai nghiện; phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhất là các địa bàn trọng điểm về ma túy…
(Còn nữa)
Nếu thực hiện tốt công tác cai nghiện và quản lý tốt số người nghiện ma túy tại các địa phương; quyết liệt thực hiện song song việc đấu tranh với tội phạm ma túy và ngăn chặn việc sử dụng ma túy thì sẽ hạn chế được tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các chất ma túy ở nước ta.
Ðại tá NGUYỄN VĂN HIỆP
Phó Cục trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
Thời gian tới, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm ma túy tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tăng cường tấn công truy quét mạnh loại tội phạm ma túy, không cho chúng có cơ hội vận chuyển ma túy vào nội địa. Cùng với đó là phải kiên quyết đấu tranh, triệt xóa, không để phát sinh những “điểm nóng” phức tạp về ma túy và tội phạm ma túy, đưa người nghiện đi cai nghiện, từng bước làm trong sạch địa bàn.
Thượng tá LÊ NGỌC AN
Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Sơn La