Bài 2: “Đặc khu” hồ Thác Bà - nơi bình yên và làm lại cuộc đời

Chống ma túy và tội phạm ma túy - cuộc chiến không ngừng nghỉ

Nằm biệt lập ở hai trong số hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ giữa lòng hồ Thác Bà (huyện Yên Bình, Yên Bái), Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái hiện quản lý 729 học viên là người nghiện ma túy. Dù đã tiếp nhận số người vượt quá quy mô hoạt động, nhưng nơi đây mới chỉ đáp ứng được chưa đầy một phần ba tổng số người nghiện có hồ sơ trên địa bàn tỉnh...
0:00 / 0:00
0:00
Học viên cơ sở cai nghiện Thác Bà lao động trong thời gian cai nghiện.
Học viên cơ sở cai nghiện Thác Bà lao động trong thời gian cai nghiện.

“Đặc khu” giữa lòng hồ

Từ khu hành chính của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái (Cơ sở), chúng tôi đi thuyền máy vượt hồ Thác Bà để đến Đảo Lau, “đặc khu” quản lý học viên cai nghiện. Ngồi thu mình giữa lòng thuyền, Giám đốc Cơ sở Lê Công Huấn cố giấu gương mặt đăm chiêu phóng tầm mắt bao quát khắp vùng lòng hồ xanh ngăn ngắt. Như đọc được suy nghĩ của mọi người, bác sĩ Lê Hồng Thủy, Phó Giám đốc Cơ sở vội giải thích, tiếng anh nói át cả tiếng máy thuyền ầm ào trên sóng nước mênh mông: “Cơ sở mới tiếp nhận thêm gần 200 học viên, tổng số học viên hiện giờ đã vượt quá quy mô và nhân lực hiện có của chúng tôi. Lo đầy đủ chế độ hằng ngày cho họ không bạc cả đầu mới là lạ”.

“Đặc khu” hồ Thác Bà, như cách nói vui của Giám đốc Lê Công Huấn được chia làm hai khu: khu A có chức năng chính là tiếp nhận, phân loại, cắt cơn, điều trị các bệnh phát sinh thông thường, tiếp nhận học viên từ các khu khác chuyển về điều trị, học viên tự nguyện và học viên nữ; khu B tổ chức các hoạt động trị liệu phục hồi, lao động, hướng nghiệp dạy nghề và tư vấn hòa nhập cộng đồng. Trong tổng số học viên đang cai nghiện tại đây, có đến 721 người thuộc diện bắt buộc cai nghiện, hầu hết đều là nam giới từ 18 tuổi trở lên. Thống kê của Cơ sở cho thấy, có 11% số học viên là đối tượng có tiền án; 73% có tiền sự; 8% nhiễm HIV; số người tái nghiện chiếm 22,1%; nhiều người mắc các bệnh xã hội. Theo lời kể của những cán bộ Cơ sở, trước khi “nhập khẩu” vào “đặc khu” Thác Bà, cuộc đời của mỗi một học viên là những câu chuyện bi hài, thấm đẫm nước mắt và nỗi ân hận muộn màng.

Nguyễn Văn H (sinh năm 2000), ở phường Đồng Tâm (TP Yên Bái) “dính” vào ma túy khi vừa rời ghế nhà trường. Thời gian đầu bố mẹ còn chu cấp cho tiền ăn tiêu. Sau này nguồn đó bị cắt do bố mẹ yêu cầu H tự phải đi làm kiếm tiền. Hết tiền, nhưng H không dám phạm tội mà vật vờ xin ăn khắp nơi. Đến lúc tưởng như nằm chết ở góc nhà hoang nào đó thì H được phát hiện và đưa về đây. May là còn chưa dính vào HIV hay tệ nạn xã hội khác. Mới vào được hơn 3 tháng, mà H dường như được lột xác. Cậu rụt rè kể: “Năm đó em không vào được đại học. Buồn quá nên nghe mấy người bạn hút thử. Xong rồi nghiện lúc nào không biết. Bố mẹ khi biết em nghiện thì ngất lên ngất xuống. Em không chịu nổi bỏ đi lang thang. Được một thời gian thì được đưa về đây. Ở đây dễ chịu, các thầy nhiệt tình và trách nhiệm lắm. Em hứa sẽ cố gắng cai nghiện sớm và học được nghề để ra ngoài làm lại cuộc đời”.

Sinh hoạt ở “đặc khu” Thác Bà không chỉ có những đối tượng nghiện ma túy thụ động mà còn có rất nhiều người chủ động nghiện. Đó là hàng trăm người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng cao biết và nghiện hút thuốc phiện từ nhỏ. Vì nhiều lý do, nhất là do diện tích trồng cây anh túc bị cơ quan chức năng triệt phá quyết liệt cho nên họ không còn đường nào khác là phải đi... cai nghiện. Có nhà đi cai cả hai vợ chồng như trường hợp Vàng A C và Thò Vàng X (sinh năm 1990) ở huyện Trạm Tấu. Cũng có trường hợp “xin” được đi cai như Hà Văn T (sinh năm 1993), ở thị xã Nghĩa Lộ.

Ngày chúng tôi về thăm Cơ sở cũng là ngày Thào Thị M (sinh năm 1990) ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải được về nhà sau khi cai nghiện thành công. M chia sẻ: “Do nghèo đói, thiếu hiểu biết mà tôi hút ma túy. Tưởng là hút vào sẽ bớt khổ ai ngờ còn khổ hơn nhiều. Những ngày ở đây được các thầy chia sẻ, động viên rất nhiều nên quyết tâm cai nghiện được. Tôi cũng được học nghề làm tóc, mi giả, về nhà là có thể làm để có thể thêm thu nhập nuôi con...”.

Làm lại cuộc đời

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái (trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) được thành lập năm 1992 trên hai đảo có tổng diện tích 22,6ha giữa lòng hồ. Tròn 30 năm hoạt động, nơi đây đã tiếp nhận và điều trị cai nghiện cho hơn 10.000 người. Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ, Giám đốc Cơ sở Lê Công Huấn cùng tập thể cán bộ, nhân viên đã xây dựng Cơ sở cai nghiện thành một ốc đảo yên bình đúng nghĩa. Ngoài thời gian chữa bệnh ở khu cách ly, học viên được học tập, sinh hoạt, lao động, vui chơi trong một không gian xanh, không hề có bóng dáng của tường rào ngăn cách...

Ít ai biết rằng, dù Cơ sở được giao 51 chỉ tiêu biên chế, nhưng hiện chỉ có 44 lao động (41 biên chế thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh). Để hoàn thành công việc được giao quản lý 600 học viên như chỉ tiêu ban đầu đã khó, huống hồ số người học tập, chữa bệnh ở cơ sở hiện đã lên tới 729 người. Mỗi ngày, cán bộ, nhân viên của Cơ sở phải chuẩn bị đầy đủ thuốc men, ăn uống, ngủ nghỉ cho từng đó người. Hơn nữa, để quản lý sao cho học viên không xảy ra mâu thuẫn, “nhảy rào” trốn trại và phòng, chống ma túy thẩm lậu là nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Chia sẻ những khó khăn mà Cơ sở đang phải đối mặt, Giám đốc Lê Công Huấn cho biết: Hiện nay, số lượng học viên tăng cao, vượt quá quy mô thiết kế; trang thiết bị dành cho công tác cai nghiện và phục hồi sau cai nghiện còn thiếu; một số văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, nhân sự quản lý chưa được kiện toàn. Đặc biệt, tính chất phức tạp, nguy hiểm của công tác quản lý người nghiện ma túy, nhất là những người nhiễm HIV, có tiền án, tiền sự... khiến Cơ sở gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Cơ sở còn tổ chức và phối hợp dạy nghề, hướng nghiệp, tư vấn hòa nhập cộng đồng và giới thiệu việc làm cho học viên. Tính từ năm 2020, đã có 375 học viên được học nghề; 67 người được giới thiệu việc làm sau khi cai nghiện thành công. Nhiều người trở về nhà đã đoạn tuyệt được ma túy, xây dựng sự nghiệp và sống cuộc sống ý nghĩa. Tiêu biểu như trường hợp anh Lê Trung Tuấn, sau khi cai nghiện trở thành một chủ doanh nghiệp có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Tuấn nhiều lần trở lại thăm Cơ sở để hoàn thành cuốn tự truyện “Nẻo về” đầy ý nghĩa.

Theo bác sĩ Lê Hồng Thủy, khó khăn nhất trong việc cai nghiện là giai đoạn cắt cơn. Khi đó người bệnh phải chịu đựng sự dày vò khủng khiếp do ma túy mang lại. Nhưng khi vượt qua giai đoạn này, quá trình điều trị khoa học kết hợp giữa dùng thuốc và chế độ ăn uống, vận động, sức khỏe người bệnh sẽ nhanh chóng hồi phục. Lúc này, việc cai nghiện sớm hay muộn phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm của học viên.

Thế nhưng, tái hòa nhập cộng đồng và vượt qua cám dỗ của ma túy để không tái nghiện là điều không đơn giản. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Yên Bái hiện có 148 trong số 173 xã, phường có tệ nạn ma túy. Thực tế cho thấy, môi trường không ma túy là rất quan trọng đối với người sau cai nghiện, cho nên con số 22,1% số người tái nghiện quay lại “đặc khu” Thác Bà có lẽ chưa nói hết được những khó khăn mà người sau cai nghiện phải đối mặt. Bên cạnh các biện pháp quyết liệt nhằm chặt đứt cái “vòi bạch tuộc” ma túy từ bên ngoài tiếp cận; tăng cường công tác quản lý của chính quyền và cơ quan chức năng, cần có sự chung tay của cộng đồng giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập, giảm kỳ thị, dạy nghề, tạo việc làm ổn định cuộc sống...