Bài 3: Cần nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả

Chống ma túy và tội phạm ma túy - cuộc chiến không ngừng nghỉ

Lợi nhuận mà ma túy mang lại khiến cho tội phạm "mờ" mắt, như thiêu thân lao vào buôn bán, vận chuyển "cái chết trắng" gây hại cho bao gia đình. Không chỉ khiến cho người nghiện "thân tàn ma dại, tan cửa nát nhà", tội phạm ma túy còn trang bị và sử dụng vũ khí, sẵn sàng liều chết để chống đối lực lượng chức năng. Trong "cuộc chiến" này, không ít cán bộ, chiến sĩ công an, biên phòng…đã đổ mồ hôi, máu, thậm chí cả tính mạng để góp phần mang lại bình yên cho nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang tuyên truyền, vận động người dân huyện Mèo Vạc không mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép ma túy. (Ảnh XUÂN MINH)
Cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang tuyên truyền, vận động người dân huyện Mèo Vạc không mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép ma túy. (Ảnh XUÂN MINH)

Ngăn chặn từ xa, quản lý chặt "nguồn cầu"

Thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho thấy, ngoài heroin, tội phạm ma túy tập trung nhiều vào buôn bán, vận chuyển các loại thuốc lắc, ma túy dạng đá, cỏ… Chỉ hơn nửa đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cả nước đã đấu tranh thành công 16.302 vụ, 24.096 đối tượng, thu giữ hơn 500kg heroin, 1 tấn và 3 triệu viên ma túy tổng hợp, 175kg cần sa. Trong đó, nổi lên địa bàn khu vực Tây Bắc, Tây Nam và bắc miền trung - Tây Nguyên có dấu hiệu "nóng" trở lại.

Thực tế cho thấy, phần lớn tội phạm ma túy đều sử dụng hình thức, thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Ðiển hình như vụ việc đăng bán ma túy trên mạng internet được phát hiện ở Hà Nội; pha chế ma túy vào thực phẩm, đồ uống khiến hàng chục học sinh ở Hoành Bồ (Quảng Ninh) bị ngộ độc do sử dụng kẹo chứa ma túy; vụ phát hiện nước xoài chứa ma túy ở TP Hồ Chí Minh…

Chính vì vậy, các biện pháp đấu tranh từ xa, từ tuyến biên giới và các điểm nóng về ma túy ngoại biên để ngăn chặn ma túy thẩm lậu về Việt Nam được lực lượng chức năng đặc biệt coi trọng. Ba tấm lá chắn "thép" là Hải quan, Công an và Bộ đội Biên phòng (BÐBP) đã sử dụng rất nhiều biện pháp đồng bộ để phát hiện sớm các đối tượng vận chuyển ma túy vào nội địa…

Lực lượng chức năng luôn phải cập nhật, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để đấu tranh có hiệu quả đối với vỏ bọc tinh vi của tội phạm ma túy. Ngày nay, tội phạm ma túy không chỉ liều lĩnh, manh động mà còn rất tinh vi, khôn khéo tìm mọi cách để "qua mặt" lực lượng chức năng, kể cả lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội…

Thiếu tướng Nguyễn Ðức Thính

Phó Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an,

Ðại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT và TP), Bộ Tư lệnh BÐBP cho rằng, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên các tuyến biên giới, vùng biển thời gian qua vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Ðặc biệt là tuyến biên giới Việt Nam-Lào, lượng ma túy tồn đọng ở địa bàn ngoại biên chưa tiêu thụ vẫn rất lớn. Ðối với tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, do tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, việc xuất nhập cảnh không bị hạn chế là cơ hội hoạt động mạnh trở lại của tội phạm vận chuyển trái phép ma túy từ bên kia biên giới vào Việt Nam…

Theo Phó Cục trưởng Ðiều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Vũ Quang Toàn: Tình hình tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng hải quan đã chủ động, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, đẩy mạnh phối hợp nghiệp vụ với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy trong nước và khai thác tối đa nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài.

Bên cạnh công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy từ xa, nhiệm vụ quản lý, ngăn chặn hoạt động mua bán nhỏ lẻ, sử dụng trái phép ma túy trong nội địa cũng cần được thắt chặt. Theo thống kê, hiện cả nước có 388 điểm và 34 tụ điểm ma túy phức tạp, 3.808 cơ sở kinh doanh có nghi vấn và biểu hiện hoạt động tội phạm ma túy. Có 59.537 người có tiền sử sử dụng trái phép ma túy, 189.963 người nghiện ma túy, 27.096 người bị quản lý sau cai nghiện.

Tăng cường phối hợp, hiện đại hóa trang bị, phương tiện

Ðể nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất là tăng cường phối hợp, hiện đại hóa trang bị, phương tiện cho các lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm ma túy.

Trên tuyến đầu ngăn chặn ma túy thẩm lậu từ biên giới, lực lượng PCMT và TP, BÐBP tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng; các kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy theo từng giai đoạn của BÐBP. Chủ động nắm tình hình từ xa, từ ngoài biên giới và trên biển; phân tích, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình tội phạm trên từng tuyến biên giới; kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm về ma túy để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đạt hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng trong nước và các nước bạn trong phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm về ma túy. Tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh-trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn biên giới...

Hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như tác hại của ma túy đến từng khu dân cư, doanh nghiệp, trường học chưa được quan tâm đúng mức. Công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ và quản lý người sau cai nghiện, người chấp hành xong hình phạt tù liên quan ma túy về địa phương sinh sống còn hạn chế… Ngoài ra, để xử lý nghiêm đối tượng phạm tội, các cơ quan có thẩm quyền nên sửa đổi, bổ sung Ðiều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 theo hướng tăng thời gian cai nghiện tập trung đến 36 tháng hoặc hơn tùy theo hiệu quả cai nghiện của từng đối tượng.

Luật sư Phạm Viết Luân

(Văn phòng Luật sư Phúc Thọ, Ðoàn Luật sư TP Hà Nội)

Trên trận tuyến phòng, chống ma túy, lực lượng công an và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp cấp thiết. Các đơn vị tăng cường phối hợp lực lượng BÐBP, hải quan, quản lý thị trường… chủ động kiểm tra, phát hiện sớm, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc núp dưới bóng các loại thực phẩm, đồ uống. Vận động, hướng dẫn nhân dân tố giác tội phạm; đẩy mạnh việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường nguồn lực cho lực lượng phục vụ công tác xác định tình trạng nghiện và công tác cai nghiện. Tập trung thực hiện tốt các giải pháp đấu tranh mạnh với tội phạm ma túy lợi dụng tuyến hàng không, bưu điện để hoạt động phạm tội. Tăng cường công tác trao đổi thông tin với các nước có chung đường biên giới với nước ta trong công tác phòng, chống ma túy…

Hiện đại hóa trang bị, phương tiện là ưu tiên hàng đầu của lực lượng Hải quan cửa khẩu bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ hải quan nhằm phát hiện sớm ma túy. Tiếp tục tham gia, thể hiện vai trò thành viên tích cực trong các dự án hợp tác quốc tế phạm vi khu vực và toàn cầu về PCMT. Ðẩy mạnh hợp tác, trao đổi thông tin với hải quan các nước để cập nhật, cung cấp, tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin về ma túy…

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần chú trọng tăng cường quản lý các đối tượng nổi cộm tại địa phương; đối tượng sử dụng ma túy và người sau cai nghiện. Kiểm soát tốt hoạt động của các cơ sở nhạy cảm có khả năng cao xảy ra hoạt động mua bán, sử dụng ma túy. Xử lý mạnh và nghiêm các đối tượng tội phạm ma túy và liên quan. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở cai nghiện…