Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Trong nhiều tháng gần đây, do tình hình khó khăn kinh tế trong nước và thế giới, không ít doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm đơn hàng khiến nhiều công nhân mất việc làm, giảm việc làm và không ít người trong số họ buộc phải trở về quê.
Điều đó đặt ra bài toán lớn cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp duy trì sự ổn định chuỗi cung ứng lao động, nhất là bảo đảm đời sống, việc làm cho người lao động trong bối cảnh Tết cổ truyền đang đến gần.
Với tình cảm, trách nhiệm với người lao động, với doanh nghiệp, với nền kinh tế đất nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam đang nỗ lực đồng hành với doanh nghiệp giữ chân người lao động.
Cùng với đó là hỗ trợ việc làm, thu nhập để người lao động chèo chống qua giai đoạn khó khăn này, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ từ 44 Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện có 500 nghìn người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42 nghìn lao động bị mất việc, tương đương 100 nghìn người bị ảnh hưởng. Trong số đó có 31 nghìn lao động nữ hơn 35 tuổi; 10 nghìn lao động nữ nuôi con nhỏ, đang mang thai.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phân tích, dù đại dịch Covid-19 đã được khống chế, thị trường lao động đã hoạt động trở lại nhưng khả năng hấp thụ không cao.
Hiện chỉ có tổng số 52 triệu lao động đang tham gia trên thị trường, trong khi trước khi dịch Covid-19 bùng phát con số này là 55 triệu lao động.
Theo bà Hương, đại dịch đã gây ảnh hưởng rất nặng nề đến cuộc sống của người lao động; chính sách dành cho lao động thì có nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, do đối tượng được thụ hưởng chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.
Do đó, thời gian tới, cần thực hiện cho bằng được những chính sách đã đưa ra cho người lao động (như hỗ trợ người lao động về các dịch vụ xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp…).
Ngoài ra, cần chính thức hóa các chính sách tạm thời (như hỗ trợ nhà ở cho người lao động), có thể bằng những văn bản ghi nhớ, hay đưa vào các thỏa ước lao động tập thể.
Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Đô đề xuất, cần đưa ra gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để tái cơ cấu sản xuất. Cùng với đó, trước Tết phải có gói hỗ trợ cấp thiết cho người lao động bị mất việc, hoãn hợp đồng lao động.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội xem xét hỗ trợ, để người lao động duy trì cuộc sống; xem xét gói hỗ trợ về nhà ở, thuê trọ cho người lao động; chỉ đạo ngành thuế xem xét giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…
Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng đề nghị Chính phủ có biện pháp đồng bộ nhằm tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao; các bộ, ngành liên quan tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tiếp tục thực hiện những chính sách đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Kết luận tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định: Tình trạng người lao động bị ảnh hưởng việc làm nếu không giải quyết tốt thì không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Hơn lúc nào hết phải có chính sách thỏa đáng, sát với thực tiễn đời sống để hỗ trợ đối với người lao động, vừa nuôi dưỡng nguồn lực lao động, cũng như để doanh nghiệp duy trì, tồn tại, có cơ hội tiếp tục phát triển.
Bên cạnh chính sách cấp bách, cần có chính sách lâu dài về bảo hiểm xã hội, thu hút đầu tư, việc làm…