"Cầu phao" cho người lao động

Có một nghịch lý trong thời gian qua là tình trạng nơi thiếu lao động, nơi phải cắt giảm số lượng công nhân do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, diễn ra tại một số tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp. Các cơ quan, đơn vị đang tích cực kết nối, tổ chức phiên giao dịch việc làm, thực hiện chính sách căn cơ để người lao động ổn định cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ các phiên giao dịch, nhiều người lao động đã tìm được việc làm.
Nhờ các phiên giao dịch, nhiều người lao động đã tìm được việc làm.

Những cơ hội tạm thời

Theo đại diện Công ty Cường Thịnh, trụ sở tại quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), do mở rộng kinh doanh, đơn vị cần thêm 20 nhân sự, nhưng trong nhiều tháng đăng tuyển chỉ tìm được bốn người. Hay trong suốt sáu tháng qua, Công ty TNHH Rentokil Initial Việt Nam (chi nhánh Đồng Nai) không tuyển được người làm nhân viên kiểm soát, kho, kế toán nội bộ, kinh doanh, kỹ thuật. Bà Nguyễn Thị Vân, phụ trách tuyển dụng chia sẻ: "Chúng tôi đưa ra mức lương từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng và có nhiều chế độ khác nhưng vẫn không có nhiều ứng viên đến nộp hồ sơ".

Ngày 26/11 vừa qua, có 36 đơn vị tham gia Phiên Giao dịch việc làm lưu động tại quận Tây Hồ (Hà Nội), với tổng nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động là 1.650 chỉ tiêu, mức lương hấp dẫn. Đây là cơ hội thuận lợi dành cho người lao động nói chung và lao động bị nghỉ việc, giãn việc nói riêng, đặc biệt qua đây thanh niên, sinh viên được tiếp cận và tham gia vào thị trường lao động, được tiếp xúc trực tiếp với các nhà tuyển dụng để lựa chọn những công việc phù hợp. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng tuyển đủ chỉ tiêu và vẫn tiếp tục phương án tìm thêm người lao động.

Trong khi đó, theo báo cáo của 25 địa phương, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều về vấn đề đơn hàng là chế biến gỗ, dệt may, da giày và một số ít doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Có đến 485 doanh nghiệp với 631.329 lao động bị ảnh hưởng việc làm. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, vấn đề chỗ thừa, chỗ thiếu lao động đã xảy ra từ nhiều năm qua. Bởi thế rất cần bàn tay kết nối, giúp cho công nhân, người lao động đang cần việc làm có thể gặp được các đơn vị tuyển dụng để ổn định cuộc sống. "Cuối năm, nhiều doanh nghiệp thiếu lao động thời vụ, bởi thế nếu kết nối được để những người bị mất việc có thể tạm thời tiếp cận được công việc cũng là điều rất đáng mừng", ông Thịnh nhấn mạnh.

Cần chính sách đa tầng

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các đơn vị chuyên môn đang nắm tình hình từ 63 địa phương để hình dung được bức tranh chung về lao động việc làm và xây dựng chính sách phù hợp. Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết: Các trung tâm dịch vụ việc làm cần đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm cho lao động mất việc. Việc đẩy mạnh đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia... cũng sẽ tạo nhiều công ăn, việc làm cho người lao động.

Cũng theo lãnh đạo Cục Việc làm, đơn vị đang đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện giải ngân nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong dự kiến kế hoạch năm 2023 là 3.000 tỷ đồng để thực hiện ngay trong năm 2022.

Nhận định về thị trường lao động dịp cuối năm, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: "Thời gian cuối năm tập trung những ngày lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nên thị trường lao động trở nên sôi động, tập trung công việc bán thời gian, dịch vụ, thương mại. Đơn vị sẽ tăng cường kết nối phiên giao dịch việc làm với các địa phương để tăng cơ hội có việc làm. Hiện chúng tôi tích cực nắm bắt thông tin thị trường, tăng cường kết nối cung cầu trên thị trường lao động để có tư vấn kịp thời cho người lao động khi đến tìm hiểu thông tin tại Sàn giao dịch việc làm và điểm sàn vệ tinh".

Tại Bình Dương, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm online và trực tiếp; tiếp tục thực hiện kết nối phỏng vấn cho doanh nghiệp và lao động… để thu hút lao động về Bình Dương làm việc.

Trước diễn biến về tình hình lao động việc làm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể: phối hợp chặt chẽ các địa phương theo dõi sát tình hình lao động-việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; tham vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, thực hiện giám sát việc tham gia xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động; Giám sát doanh nghiệp việc thực hiện đầy đủ các cam kết với người lao động; Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung-cầu lao động, đặc biệt các địa bàn có doanh nghiệp sắp xếp lại lao động để nhanh chóng tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp và tổ chức cho người lao động gặp gỡ phỏng vấn; Thực hiện giám sát tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp sớm ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động; phối hợp thực hiện chương trình chăm lo Tết cho công nhân lao động.

Về lâu dài, nhiều chuyên gia kiến nghị, các cơ quan chức năng cần thực hiện hiệu quả hơn chính sách về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để kịp thời hỗ trợ người lao động, bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống do bị mất việc làm. Đồng thời, đào tạo thêm nhân lực phục vụ cho những ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động trong Cách mạng công nghiệp 4.0.