Chính sách bảo hiểm xã hội một lần, nhìn từ thực tiễn

Vấn đề tăng tuổi lao động dẫn đến tăng tuổi nghỉ hưu tương ứng đang đặt ra áp lực lớn cho bộ phận lao động trực tiếp, lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), Chính phủ trình Quốc hội có một số nội dung thay đổi lớn. Trong đó, có quy định về việc giảm số năm tối thiểu đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm, đang được dư luận xã hội, nhất là lực lượng công nhân lao động, đối tượng thụ hưởng chính sách trực tiếp quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Khám sức khỏe cho lao động nữ tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh).
Khám sức khỏe cho lao động nữ tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh).

Bài 1: Ngăn tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

Không thể tiếp tục tham gia vào thị trường lao động khu vực chính thức, khó khăn về kinh tế, cần tiền để lo cho gia đình, chưa có đầy đủ thông tin nên thiếu tin tưởng vào chính sách, lo lắng về sự an toàn của Quỹ BHXH... đang là những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng người lao động ồ ạt rút BHXH một lần.

Theo khảo sát nhanh vào tháng 4/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động dự kiến chi tiêu số tiền rút BHXH một lần để tập trung vào các khoản: tiêu dùng cho cuộc sống bản thân, gia đình (42,4%), dùng để trả nợ 44,7%. Việc tính toán của người lao động cho thấy nó chỉ giải quyết được nhu cầu ngắn hạn, thậm chí, với số tiền đó sử dụng không hiệu quả, hết trong khoảng thời gian ngắn, không có lợi cho tương lai lâu dài.

Đồng tiền đi liền khúc ruột

Theo Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách BHXH một lần đối với người lao động, giai đoạn từ 2016-2022, có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Trong số này, gần 1,3 triệu người quay lại tiếp tục tham gia BHXH. Như vậy, ước tính có khoảng 3,5 triệu người hưởng BHXH một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống BHXH, chiếm tỷ lệ hơn 70% số lượt người hưởng BHXH một lần.

Còn báo cáo từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 72% số người rút BHXH một lần nằm ở khu vực phía nam, miền trung là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đại bộ phận rút là công nhân, điều này cho thấy thực tế người lao động rút bảo hiểm do thật sự khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Thắng, công nhân bộ phận kiểm định chất lượng Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh), là một trong 2.500 lao động bị sa thải khi cái Tết Nguyên đán năm 2023 cận kề. Đến tháng 3/2023, chị Thắng nhận được một khoản hỗ trợ từ công ty, đồng thời quyết định từ bỏ đời công nhân may sau hơn chục năm gắn bó, chuyển sang giúp việc gia đình.

Chị Thắng cho biết, hiện chị đang chờ đến tháng 3/2024, khi đủ thời hạn một năm kể từ ngày nghỉ việc, ngưng đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm thủ tục rút BHXH một lần. Số tiền nhận được ước tính khoảng 160 triệu đồng, tôi dự định mở một cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà, sẽ giải quyết được nhiều bức bách của gia đình.

Chị Vũ Thị Hồng Nhung, 39 tuổi, quê Phú Thọ, trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, công nhân một nhà máy dệt tại Đà Nẵng khi làm đơn xin nghỉ việc, cũng là lúc chị làm đơn xin nhận bảo hiểm xã hội một lần. Việc nhận BHXH không gây trở ngại gì đối với chị Nhung do công ty đóng đầy đủ cho công nhân.

Nguyên do từ giữa năm 2022, công ty gặp quá nhiều khó khăn do đơn hàng khan hiếm, công xưởng giảm giờ làm liên tục, buộc chị Nhung phải nghỉ việc. Đắn đo mãi, từ tháng 8, chị quyết định đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Hơn một tháng bạc mặt ngoài thời tiết nắng nóng mưu sinh, vất vả vô cùng nhưng nếu vẫn tiếp tục làm công nhân, tiền lương chỉ xấp xỉ bốn triệu đồng/tháng, tôi không thể nào xoay xở trả được tiền thuê trọ và nuôi hai đứa con ăn học.

Là công nhân, chúng tôi biết rút BHXH một lần là thiệt thòi cho chính bản thân mình, cho tương lai khi về già. Nhưng hiện tại, công việc gián đoạn, số năm đóng BHXH của bản thân chưa đủ để có thể chờ nhận lương hưu theo quy định cho nên đành phải làm như vậy thôi.

Chị Nhung ngậm ngùi nói

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, thành phố Thủ Đức) Lưu Kim Hồng cho rằng, việc Chính phủ làm dồn dập hai việc: tăng tuổi nghỉ hưu và giảm số năm đóng để hưởng lương hưu mà không tuyên truyền đầy đủ cho người dân cho nên trên thực tế đã có một số phản ứng trái chiều về việc này. Bên cạnh đó, việc sửa đổi chính sách khi chưa đưa ra được đầy đủ sự so sánh ưu/khuyết của dự thảo Luật, hay việc những thông tin dày đặc về khả năng vỡ Quỹ BHXH khiến người dân, người lao động hoang mang, lo lắng.

Ông Hồng cho rằng, người lao động chỉ đang hiểu đơn giản việc BHXH một lần để gửi tiết kiệm hoặc có vốn xoay xở, thay đổi sinh kế. Bên cạnh đó là tâm lý “đồng tiền đi liền khúc ruột”, khi tiền nắm chắc trong tay mình sẽ an tâm hơn là việc chờ đợi vào lương hưu mà không biết các thông tin khác việc đóng BHXH đến khi đủ điều kiện về hưu sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí trọn đời, con cái dưới 18 tuổi được chu cấp nếu chẳng may người đang hưởng hưu qua đời.

Trong khi đó, nếu nhận BHXH một lần, số tiền nhận về thấp hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH; mất đi lương hưu hằng tháng - “của để dành”… Để tránh hiện tượng nêu trên, Nhà nước cần minh bạch cách tính tiền lương hưu, cũng như thay đổi cách thức tuyên truyền các chính sách, luật, quy định để người dân dễ tiếp cận và lựa chọn suy nghĩ kỹ trước khi quyết định mà không tự tước đi quyền an sinh cơ bản của bản thân.

Rút bảo hiểm để “chạy” Luật sửa đổi

Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động, cán bộ công đoàn phản ánh có tình trạng người lao động ồ ạt rút BHXH một lần để chạy luật. Nhiều lao động cho rằng, không được nhận trợ cấp một lần, tiền cũng bị giảm khi Luật BHXH sửa đổi hiệu lực cho nên chủ động nghỉ việc để hưởng quyền lợi.

Bà Ngô Thị Mỹ Kha, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Lạc Tỷ (Thành phố Hồ Chí Minh) tỏ ra lo lắng khi nhiều công nhân công ty đang “rục rịch” lên phương án nghỉ việc chờ rút BHXH một lần. Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động, trong khi đơn hàng dần phục hồi trở lại tại doanh nghiệp.

Theo bà Kha, việc sửa đổi Luật BHXH được người lao động rất quan tâm, nhất là các quy định liên quan đến BHXH một lần. Công nhân xem thông tin trên mạng xã hội và tin rằng từ ngày 1/1/2025, khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực sẽ chấm dứt giải quyết chế độ BHXH một lần. Do vậy, dẫn tới hiện tượng ồ ạt rút BHXH một lần, “chạy” Luật.

Theo cơ quan BHXH thành phố Hải Phòng, địa bàn chưa phải là “điểm nóng” của cả nước, giai đoạn 2016-2022, đơn vị tiếp nhận, giải quyết thanh toán đối với hơn 87 nghìn người rút BHXH một lần. Năm 2022 - thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, hồ sơ hưởng BHXH một lần, tăng gần 6.000 hồ sơ so với năm 2016.

Đại diện cơ quan này cho biết, các trường hợp xin rút tập trung ở các đối tượng: định cư hoặc đi lao động ở nước ngoài; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp do chính sách thay đổi về tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động khiến nhiều người không đủ kiên nhẫn để chờ đến tuổi nghỉ hưu.

Trưởng phòng chế độ BHXH thành phố Hải Phòng Phạm Thị Thanh Vân, cho biết: Đơn vị đã có nhiều giải pháp, trong đó chủ động tăng cường các giải pháp truyền thông, đối thoại với doanh nghiệp, người lao động nhằm tư vấn, hướng dẫn, giải thích về chế độ, chính sách ưu việt khi tham gia BHXH. Nhất là, tại bộ phận một cửa của các BHXH quận, huyện - nơi người lao động đến làm thủ tục rút BHXH một lần, công tác tư vấn, giải thích chế độ, chính sách được quan tâm chú trọng hơn cả.

Tại đây, các cán bộ BHXH nhiệt tình tư vấn cho người lao động về những thiệt thòi khi thanh toán BHXH một lần đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội hưởng lương hưu khi về già và sẽ phụ thuộc nhiều vào con cháu, xã hội; mất đi cơ hội tự chủ, tự quyết về tài chính và cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, khi tuổi cao, sức yếu, không may mắc bệnh sẽ không có thẻ bảo hiểm y tế và phải đối mặt với nguy cơ không thể chi trả nếu bệnh tình kéo dài…

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh, phân tích: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hơn nửa triệu công nhân, lao động tại 1,5 nghìn doanh nghiệp trên cả nước bị ảnh hưởng việc làm. Trong đó, có khoảng hơn 42 nghìn công nhân mất việc. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy: trong các giai đoạn khó khăn, làn sóng rút BHXH một lần đều xảy ra dù cơ quan quản lý không muốn, công đoàn tích cực tuyên truyền công nhân gắn bó sản xuất. Với tình trạng thiếu đơn hàng, sản xuất tiếp tục khó khăn, làn sóng này có thể gia tăng.