Từ ngày 1-3/10, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường đại học Tây Nguyên tổ chức Chiến dịch truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới với chủ đề “Thanh niên dân tộc thiểu số tiên phong thay đổi định kiến giới vì khát vọng phát triển”.
Chiến dịch thu hút hơn 1.000 sinh viên Trường đại học Tây Nguyên và các trường đại học trong khu vực miền trung-Tây Nguyên tham gia lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa.
Thanh niên dân tộc thiểu số các trường đại học cùng lan tỏa các thông điệp ý nghĩa thúc đẩy bình đẳng giới. |
Chương trình thu hút hơn 200 đại biểu đại diện một số bộ, ngành và cơ quan Trung ương và đại diện các ban, sở, ngành tỉnh Đắk Lắk; đại diện lãnh đạo các trường đại học và 60 sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu đến từ các trường tại khu vực miền trung và Tây Nguyên… tham dự.
Chuỗi hoạt động tại Chiến dịch truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới với chủ đề “Thanh niên dân tộc thiểu số tiên phong thay đổi định kiến giới vì khát vọng phát triển” được tổ chức với các hoạt động cụ thể, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và sự tham gia của sinh viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong đó, các hoạt động đáng chú ý gồm: Hội thảo thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên dân tộc thiểu số trong thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới, với hai phiên: chia sẻ, thảo luận về thực trạng và giải pháp thúc đẩy vai trò của sinh viên dân tộc thiểu số tiên phong thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới; giao lưu chia sẻ với thanh niên, sinh viên tiêu biểu thông qua câu chuyện truyền cảm hứng của nhân vật.
Ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số, người phụ nữ vẫn chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới. |
Đặc biệt, chương trình có không gian trưng bày những hình ảnh, ấn phẩm, sản phẩm truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới và nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống đa dạng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực miền trung và Tây Nguyên; tổ chức chương trình giao lưu trình diễn sáng kiến truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho thanh niên dân tộc thiểu số giữa sinh viên các trường đại học tiêu biểu khu vực miền trung và Tây Nguyên.
Ở gia đình, người phụ nữ dân tộc thiểu luôn đảm nhận phần lớn công việc trong gia đình. |
Theo Ban Tổ chức, với gần 1.000 sinh viên, thanh niên, trong đó nhiều sinh viên là người dân tộc thiểu số đến từ các trường đại học tiêu biểu trong khu vực miền trung và Tây Nguyên sẽ cùng tham gia trao đổi, chia sẻ, thảo luận với các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, những người có tầm ảnh hưởng tại cộng đồng về những vấn đề đặt ra, kinh nghiệm và giải pháp nâng cao nhận thức, tăng cường hơn nữa vai trò, tiếng nói và sự tham gia của thanh niên, sinh viên dân tộc thiểu số trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ những phong tục, tập quán không còn phù hợp và tham gia vào các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội…
Đồng thời, thông qua hoạt động giao lưu trình diễn, những sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo, có tính ứng dụng cao trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên, sinh viên dân tộc thiểu số về bình đẳng giới, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, gìn giữ và phát huy những tập tục văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số sẽ được lan tỏa và nhân rộng, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên dân tộc thiểu số thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới. |
Một trong những hoạt động thu hút được sự quan tâm nhất trong chuỗi hoạt động tại Chiến dịch truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới là Hội thảo thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên dân tộc thiểu số thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường đại học Tây Nguyên tổ chức.
Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu đại diện các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các thầy cô giáo, sinh viên của các trường đại học khu vực miền trung-Tây Nguyên tham gia.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng chia sẻ, thảo luận, xác định, nhận diện rõ hơn những vấn đề như: bất bình đẳng giới đang đặt ra ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở khu vực miền trung-Tây Nguyên; những khuôn mẫu và định kiến giới là nguyên nhân gây nên những bất bình đẳng giới; những kinh nghiệm, giải pháp nâng cao nhận thức, phát huy hơn nữa vai trò, tiếng nói và sự tham gia của thanh niên, sinh viên dân tộc thiểu số trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và những tập tục còn lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số; tăng cường hơn nữa sự tham gia của thanh niên dân tộc thiểu số vào các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, hội thảo cũng cung cấp thêm những thông tin quan trọng liên quan tới phát triển nguồn nhân lực nữ dân tộc thiểu số cũng như vấn đề lồng ghép giới trong chương trình các bậc học góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.
Các thầy cô giáo, sinh viên của các trường đại học khu vực miền trung-Tây Nguyên tham dự hội thảo. |
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, hội thảo là cơ hội để tất cả đại biểu, sinh viên, thanh niên được trao đổi, chia sẻ, đồng thời lắng nghe, ghi nhận những thông tin cần thiết, ý nghĩa phục vụ cho công việc, cho sự phát triển của bản thân và cho mong muốn đóng góp cho cộng đồng của mỗi người.
Đối với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các ngành liên quan, đây cũng là cơ hội để nhìn nhận rõ hơn nữa vai trò của thanh niên, sinh viên trong tham gia thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số để có những cơ chế, chính sách phát huy sự đóng góp quan trọng của lực lượng này.
Sinh viên Triệu Thị Nhung, lớp 23SGC, Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng trình bày tham luận tại hội thảo. |
Sinh viên Triệu Thị Nhung, lớp 23SGC, Trường đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng chia sẻ, ngày nay, định kiến giới, khuôn mẫu giới là một trong những rào cản cản trở sự phát triển của thanh niên dân tộc thiểu số, tác động tiêu cực đến khả năng tiếp cận giáo dục, việc làm và phát triển cá nhân. Định kiến và khuôn mẫu giới không chỉ giới hạn thanh niên dân tộc thiểu số trong việc phát triển sự nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của họ. Việc bị ràng buộc bởi các quy định xã hội có thể dẫn đến áp lực tâm lý, thiếu tự tin và hạn chế khả năng phát huy tiềm năng của bản thân.
“Để thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố từ giáo dục, chính sách đến văn hóa xã hội. Em mong muốn các bộ, ngành cần quan tâm nhiều hơn các chính sách, đặc biệt tạo môi trường pháp lý và xã hội hỗ trợ thay đổi về giới; bảo đảm phụ nữ và nam giới có cơ hội tiếp cận như nhau đối với giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội...”, em Nhung chia sẻ.
Sinh viên dân tộc thiểu số Đại học Nha Trang chung tay gìn giữ và phát huy những tập tục văn hóa truyền thống tốt đẹp, thúc đẩy bình đẳng giới. |
Bà Hoàng Thị Hạnh, Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho biết, thanh niên dân tộc thiểu số mới hiểu thật sự về đồng bào, bản sắc văn hóa trong đời sống của dân tộc mình. Họ sẽ có phương pháp từng bước đẩy lùi, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới… tuy nhiên, đây không phải là việc một sớm, một chiều. Do đó, để xóa bỏ những định kiến này cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện, cỗ vũ cho thanh niên thực hiện khát vọng của mình.
“Thanh niên cần học tập nâng cao nhận thức, tổ chức các hoạt động truyền thông, truyền cảm hứng cho các thế hệ bằng việc sinh hoạt các câu lạc bộ văn hóa truyền thống, khát vọng tạo việc làm, bừng sáng bản làng, dân ca, dân vũ...”, bà Hoàng Thị Hạnh thông tin.