Thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số

Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nỗ lực phối hợp các cấp chính quyền, các ngành liên quan thực hiện và đạt được kết quả bước đầu về các chỉ tiêu cốt lõi của dự án. Các mô hình, hoạt động được người dân đón nhận, ủng hộ, được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
0:00 / 0:00
0:00
Tổ phụ nữ làm hương truyền thống (thôn Há Chế, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) tập huấn kỹ thuật làm hương. (Ảnh KHÁNH TOÀN)
Tổ phụ nữ làm hương truyền thống (thôn Há Chế, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) tập huấn kỹ thuật làm hương. (Ảnh KHÁNH TOÀN)

"Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" là dự án số 8 trong 10 dự án thành phần giai đoạn I (2021-2025) của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Từng bước thay đổi nhận thức của người dân

Dự án nêu trên nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới, hỗ trợ chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại Quảng Bình, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức thực hiện điểm Dự án 8 với hoạt động đầu tiên là thành lập tổ truyền thông cộng đồng ở ba thôn, bản tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Cũng tại xã biên giới này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ra mắt các mô hình địa chỉ tin cậy, tập huấn về bình đẳng giới tại hai thôn và mô hình Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trường Sơn; đồng thời, ở cấp xã cũng thành lập thêm sáu tổ truyền thông cộng đồng ở sáu bản.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn Nguyễn Thị Mỹ Duyên cho biết, các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân tại địa bàn. Đặc biệt, thông qua hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng, bà con dân tộc Bru-Vân Kiều đã được tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức, như: Luật Bình đẳng giới; khuôn mẫu giới trong việc nhà; phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Sau khi thành lập các địa chỉ tin cậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tích cực truyền thông, giới thiệu cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng nắm vững thông tin, kỹ năng cần thiết nhằm giúp đỡ kịp thời những nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Chị Hồ Thị Mai, sinh năm 1991, là Chi hội trưởng phụ nữ bản Đá Chát, xã Trường Sơn cho biết, trước kia, để thuyết phục chồng cho chị tham gia các hoạt động xã hội là điều không hề đơn giản. Tuy nhiên, từ khi có các hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng, chồng chị có nhiều thay đổi rõ rệt trong tư tưởng và hành động. Anh đã biết chia sẻ công việc gia đình để chị có thêm thời gian làm các công tác xã hội ở bản.

Không chỉ chị Mai mà nhiều phụ nữ khác ở xã Trường Sơn cũng chia sẻ, sau khi tham gia các buổi truyền thông của tổ truyền thông cộng đồng tại bản, nhiều người chồng đã có sự thay đổi, biết san sẻ công việc lâu nay tưởng chừng như chỉ gắn liền với phụ nữ. Nhiều thói quen cổ hủ dần được xóa bỏ, mang lại sự bình yên cho gia đình và bản làng.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình, Đỗ Thị Bích Thủy nhấn mạnh, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 32 tổ truyền thông cộng đồng, sáu câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi và 19 địa chỉ tin cậy. Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Bình chú trọng công tác tuyên truyền về Dự án 8 trên các nhóm Zalo, fanpage và trang thông tin điện tử của Hội để cập nhật, chia sẻ thông tin đến cán bộ, hội viên trên địa bàn.

Hội đã tăng cường công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội cấp xã và cốt cán các thôn, bản ở địa bàn thực hiện các nội dung trong Dự án 8 như: việc hỗ trợ sinh kế, tổ vay vốn tiết kiệm phụ nữ thôn, hỗ trợ bà mẹ sinh đẻ an toàn. Việc tổ chức các mô hình cần đi đôi với quan tâm hỗ trợ kinh phí hợp lý để duy trì hoạt động qua từng năm và suốt cả giai đoạn.

Những mô hình hay cần nhân rộng

Tại Hà Giang, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và của tỉnh về triển khai Dự án 8 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn thực hiện.

Đơn vị đã triển khai đồng bộ các nội dung hoạt động của dự án, như: xây dựng và nhân rộng các mô hình, thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm". Công tác này đã góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những hủ tục; bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện…

Người dân tộc Dao thôn Há Chế, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có nghề làm hương truyền thống, chuyên cung cấp hương cho đồng bào các dân tộc H’Mông, Dao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số hộ gia đình làm hương truyền thống ngày càng ít, chỉ còn một vài hộ gia đình làm nhỏ lẻ.

Thực hiện thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đầu năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã khảo sát và quyết định xây dựng mô hình phát triển nghề làm hương truyền thống dân tộc Dao tại thôn Há Chế, với mục tiêu ban đầu là khôi phục lại nghề truyền thống, tiến tới nâng cao thu nhập cho hội viên.

Chị Hoàng Ngọc Bích, Trưởng ban Gia đình Xã hội-Kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang cho biết: "Phụ nữ trong thôn xác định đây là nghề truyền thống và cũng là việc làm trong những ngày nông nhàn để tăng thu nhập. Bước đầu, hội đã thành lập tổ phụ nữ làm nghề truyền thống và tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho các thành viên tham gia".

Những ngày đầu tháng 7, hơn 20 hội viên phụ nữ người dân tộc Dao, thôn Há Chế đã tham gia lớp tập huấn kỹ thuật làm hương truyền thống do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Với hình thức đào tạo "cầm tay, chỉ việc", sau một tuần tập huấn, các hội viên đã nắm rõ kỹ thuật làm hương truyền thống do bà Phàn Thị Mẩy, người còn lưu giữ kinh nghiệm làm hương của người Dao truyền dạy.

Chị Phùng Mẩy Khé, thôn Há Chế cho biết: "Tôi về làm dâu ở thôn Há Chế được gần chục năm mà vẫn chưa biết cách làm hương truyền thống. Quan niệm của người Dao là con dâu người Dao phải biết làm hương cho nên khi được cán bộ phụ nữ vận động, tôi đã tình nguyện tham gia học nghề để tăng thêm thu nhập".

Ngoài mô hình phát triển nghề làm hương truyền thống dân tộc Dao tại thôn Há Chế, từ đầu năm đến nay Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang đã khảo sát và xây dựng chín mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Trong đó, có sáu mô hình nông nghiệp, ba mô hình phục hồi nghề truyền thống, với hơn 250 hội viên phụ nữ tham gia. Hầu hết các mô hình đang trong giai đoạn bước đầu triển khai, thành lập tổ, nhóm và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật.

Tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ

Bên cạnh hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thì việc tuyên truyền, vận động cho hội viên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ những kiến thức cơ bản về sinh đẻ an toàn, các gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và cách chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được các cấp Hội phụ nữ tỉnh Hà Giang rất quan tâm.

Trong những tháng đầu năm 2023, đã tổ chức hơn 150 cuộc truyền thông lớn thu hút hơn 8.000 lượt phụ nữ tham gia. Các cấp Hội bám nắm địa bàn, rà soát các đối tượng sinh con để hỗ trợ kinh phí sinh đẻ an toàn tại cơ sở y tế. Đến cuối tháng 6, đã có 168 trường hợp phụ nữ được hỗ trợ tiền ăn, đi lại, chăm sóc sinh đẻ tại cơ sở y tế; hỗ trợ lương thực, dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con trong sáu tháng đầu.

Bà Lù Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang cho biết, khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong triển khai Dự án 8 là các địa phương nằm trong vùng triển khai dự án đều thuộc xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số địa phương có các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, các làng nghề nổi tiếng đều đã được các huyện, xã lựa chọn để đầu tư xây dựng các sản phẩm OCOP trong những năm vừa qua.

Do đó, để lựa chọn được các điểm xây dựng mô hình kinh tế của tổ, nhóm phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Hội bước đầu rà soát, lựa chọn, vận động hội viên tham gia các mô hình kinh tế; triển khai các lớp đào tạo, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ nhóm. Sau khi các mô hình ổn định, có sản phẩm, có thị trường, sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ để các mô hình phát triển lâu dài, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên.

Qua kết quả thực hiện bước đầu có thể thấy, các hoạt động của Dự án 8 được thiết kế và triển khai bám sát yêu cầu định hướng của dự án, vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, mang lại quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em trên các địa bàn được triển khai, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Tuy nhiên, đây là dự án mới cho nên việc triển khai đối với các cấp Hội Phụ nữ, nhất là ở cơ sở còn nhiều vướng mắc. Mặt khác, công tác thành lập các tổ truyền thông tại các thôn, bản chỉ mới bước đầu, việc duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động gặp khó do không có nguồn kinh phí.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tôn Ngọc Hạnh cho biết, tại một số địa phương, nhiều nội dung hoạt động và chỉ tiêu dự án đặt ra trong năm chưa thực hiện được. Việc hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số xây dựng mô hình sinh kế, phát triển kinh tế, đặc biệt là sinh kế gắn với ứng dụng khoa học-công nghệ còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn vùng sâu vùng xa, đi lại không thuận lợi, một bộ phận người dân vẫn quen tập quán sản xuất lạc hậu, manh mún.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp từ Trung ương đến địa phương. Chúng tôi sẽ tổ chức hội thi, liên hoan chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình sáng tạo, hiệu quả góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tại các cấp và nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, người có uy tín", bà Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh.