Truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới

Chiến dịch truyền thông với chủ đề "Thanh niên dân tộc thiểu số tiên phong thay đổi định kiến giới vì khát vọng phát triển" nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và sự tham gia của sinh viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được tổ chức tại Thái Nguyên trong hai ngày 24 và 25/9.
0:00 / 0:00
0:00
Chiến dịch truyền thông với chủ đề "Thanh niên dân tộc thiểu số tiên phong thay đổi định kiến giới vì khát vọng phát triển" có nhiều hoạt động ý nghĩa.
Chiến dịch truyền thông với chủ đề "Thanh niên dân tộc thiểu số tiên phong thay đổi định kiến giới vì khát vọng phát triển" có nhiều hoạt động ý nghĩa.

Đây là chuỗi hoạt động được tổ chức nằm trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên tổ chức.

Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và sự tham gia của sinh viên, thanh niên là người dân tộc thiểu số trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dự và chủ trì chương trình.

Tại chương trình, gần 300 cán bộ, đại biểu, giảng viên, sinh viên dân tộc thiểu số tại 8 trường đại học, học viện tham dự Hội thảo “Thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên dân tộc thiểu số thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới”, với 2 phiên: “Chia sẻ, thảo luận về thực trạng và giải pháp thúc đẩy vai trò của sinh viên dân tộc thiểu số tiên phong thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới” và “Giao lưu chia sẻ với nam, nữ thanh niên, sinh viên tiêu biểu thông qua câu chuyện truyền cảm hứng của nhân vật”.

Những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, phát huy khả năng sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.

Đồng thời thanh niên, sinh viên dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh và đấu tranh xóa bỏ những phong tục, tập quán không còn phù hợp và thúc đẩy bình đẳng giới… Qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm đối tượng thanh niên.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay thanh niên dân tộc thiểu số vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn về cơ hội phát triển toàn diện, tiếp cận công nghệ thông tin, các hoạt động tư vấn hỗ trợ thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tạo việc làm tại chỗ.

Bên cạnh đó là sự tồn tại những rào cản liên quan đến thói quen, tập tục lạc hậu, những định kiến giới, khuôn mẫu giới và bất bình đẳng về cơ hội, điều kiện phát triển, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí.. ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh niên, trong đó có thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Từ những thực trạng này, các đại biểu chia sẻ, thảo luận về những vấn đề đặt ra, kinh nghiệm và giải pháp nâng cao nhận thức, tăng cường hơn nữa vai trò, tiếng nói và sự tham gia của thanh niên, sinh viên dân tộc thiểu số trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ những phong tục, tập quán không còn phù hợp và tham gia vào các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội.

Qua đó, tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò của sinh viên dân tộc thiểu số là những hạt nhân tích cực trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, tiên phong thay đổi những định kiến giới, khuôn mẫu giới và xóa bỏ những tập tục có hại trong đời sống; có thêm những sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo góp phần thúc đẩy hơn nữa vấn đề bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các ngành liên quan rà soát, xác định những vấn đề cấp thiết đối với thanh niên, sinh viên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần tiếp tục được quan tâm trong thời gian tới, làm cơ sở quan trọng đề xuất nội dung, giải pháp cụ thể cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, qua các hoạt động này, giúp các cấp, các ngành chức năng có thêm kinh nghiệm hay, bài học quý từ thực tiễn để thúc đẩy việc tiếp tục tổ chức triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đạt kết quả thiết thực.