Cùng suy ngẫm

Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức

Bạo lực gia đình vẫn luôn là vấn đề nhức nhối và nan giải trong xã hội, gây nên những tổn thương cả về thể chất và tinh thần đối với người bị bạo lực cũng như các thành viên khác trong gia đình. Vấn đề này còn ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, làm giảm tiến độ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn dân vũ hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới năm2023. (Ảnh: MINH THÚY)
Biểu diễn dân vũ hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới năm2023. (Ảnh: MINH THÚY)

Mặc dù ở nước ta, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, nhưng theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2023, cả nước vẫn còn 3.122 hộ gia đình có vấn đề về bạo lực gia đình; trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. Rõ ràng, bạo lực gia đình đã gây những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, nhất là với phụ nữ.

Phần lớn các vụ việc bạo lực gia đình chỉ được báo cáo hoặc nạn nhân tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng khi hậu quả trở nên nghiêm trọng, hành vi bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân.

Ở Việt Nam, cứ bốn phụ nữ từng bị chồng bạo hành thể chất thì có một người cho biết họ phải chịu đựng những vết thương trên cơ thể và hơn một nửa trong số này cho biết bị thương tích nhiều lần. So với những phụ nữ chưa từng bị bạo hành, những người từng bị chồng bạo hành có nhiều khả năng bị bệnh tật và sức khỏe kém hơn gần hai lần và khả năng nghĩ đến tiêu cực, thậm chí là tự tử nhiều hơn gấp ba lần.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trong đó, chính người bị bạo lực còn có tâm lý cam chịu, sợ bị kỳ thị cho nên không tố cáo với cơ quan chức năng.

Phần lớn các vụ việc bạo lực gia đình chỉ được báo cáo hoặc nạn nhân tìm đến sự hỗ trợ của cơ quan chức năng khi hậu quả trở nên nghiêm trọng, hành vi bạo lực xảy ra trong thời gian dài hoặc có thể dẫn đến chấm dứt hôn nhân.

Điều dễ nhận thấy là chúng ta còn thiếu chính sách hỗ trợ hiệu quả với người bị bạo lực gia đình. Nhiều nạn nhân đã rất đơn độc trong và sau khi bị bạo lực. Không ít nhân chứng đã không tố cáo hành vi, vụ việc đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan liên quan. Chính vì vậy, bạo lực gia đình vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức.

Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 được Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 4 ngày 14/11/2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023) là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em, những thành phần rất dễ trở thành đối tượng, nạn nhân của bạo lực gia đình.

Để luật đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự chung tay của cộng đồng xã hội; bởi phòng chống bạo lực gia đình không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức độc lập mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Vì vậy, sự kết hợp hài hòa, đồng bộ các biện pháp, sự phối hợp của các cơ quan và cả hệ thống chính trị mới mang lại hiệu quả thiết thực.