EU xây dựng thành phố thông minh

để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việc tiết kiệm và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng vừa giúp nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Chuyên đề “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - nền tảng phát triển bền vững” cung cấp thông tin thực tiễn từ áp dụng công nghệ mới cho tới chiến lược, kế hoạch tổng thể mà Việt Nam và một số quốc gia đi đầu trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả đã triển khai và gặt hái thành công.


Giá khí đốt tăng vọt. Giá than cũng tăng mạnh. Giá dầu dự báo có thể phá ngưỡng 100 USD/thùng. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang ngày một tồi tệ hơn. Để giải quyết bài toán khó này, mỗi quốc gia lựa chọn một hướng đi riêng. Xây dựng những “thành phố thông minh” là lựa chọn dài hạn của 27 quốc gia trong khối Liên minh châu Âu (EU) để không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân mà còn giảm thiểu việc tiêu thụ năng lượng, hướng tới sự phát triển bền vững.

Smart city

Thành phố thông minh là gì?


Đến nay, thế giới vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về Thành phố thông minh. Nhưng về cơ bản, đó là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

Nếu so sánh Đô thị thông minh như một cơ thể người thì Trí tuệ nhân tạo sẽ là bộ não, các Hệ thống cảm biến là các giác quan và Mạng viễn thông số là hệ dây thần kinh. Nói một cách ngắn gọn, Smart City là mô hình thành phố áp dụng công nghệ mới nhất để nâng cao chất lượng thành phố về mọi mặt.

Ảnh: DoiMoiSangTao.vn

Ảnh: DoiMoiSangTao.vn

Các yếu tố chính cần thiết tạo nên bộ khung đô thị thông minh tích hợp có ảnh hưởng hai chiều, tác động lẫn nhau, bao gồm:

Ảnh: DoiMoiSangTao.vn

Ảnh: DoiMoiSangTao.vn

Đã có nhiều thành phố trên thế giới đã và đang xây dựng thành phố thông minh. Đây là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển của xã hội loài người. Các thành phố thông minh được nhóm trong bốn khu vực bao gồm Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ Latinh. Châu Âu có nhiều thành phố thông minh nhất trên thế giới. Trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, các nước châu Âu hướng tới môi trường xanh, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các ứng dụng trong lĩnh vực giao thông thông minh.

Chính sách của EU

trong việc xây dựng đô thị thông minh


Theo Ủy ban châu Âu, thành phố thông minh là nơi mà các mạng lưới và các dịch vụ truyền thống được thực hiện hiệu quả hơn với việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật số vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Khái niệm “Thành phố thông minh” vượt ra ngoài việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số để sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và ít phát thải hơn. Điều này có nghĩa là mạng lưới giao thông đô thị thông minh hơn, các cơ sở cung cấp nước và xử lý chất thải được nâng cấp cũng như các cách hiệu quả hơn để chiếu sáng và sưởi ấm cho các tòa nhà. Nó cũng có nghĩa là một chính quyền thành phố tương tác và nhạy bén hơn, không gian công cộng an toàn hơn và đáp ứng nhu cầu của dân số già.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (EUROSTAT), khoảng 75% dân số châu Âu sống ở các thành phố - các khu vực đô thị của EU. Đây là yếu tố đóng góp quan trọng vào việc tiêu thụ năng lượng của EU và phát thải khí nhà kính, có tác động rất lớn đến biến đổi khí hậu. Đồng thời, các thành phố là động lực chính của nền kinh tế EU, mở ra con đường tăng trưởng và việc làm hiệu quả cho châu Âu.

Một số chính sách, đề xuất và sáng kiến của EU nhằm thúc đẩy việc xây dựng các thành phố thông minh:

1. Chiến lược liên minh năng lượng (COM/2015/080) đề ra mục tiêu và hành động để thay đổi hệ thống năng lượng châu Âu.
Được công bố vào ngày 25 tháng 2 năm 2015, chiến lược này nhằm mục đích xây dựng một liên minh năng lượng mang lại cho người tiêu dùng EU - hộ gia đình và doanh nghiệp nguồn năng lượng an toàn, bền vững, với giá cả phải chăng.

Liên minh năng lượng xây dựng năm khía cạnh liên quan chặt chẽ và tương hỗ:
● An ninh, đoàn kết và tin cậy: đa dạng hóa các nguồn năng lượng của châu Âu và bảo đảm an ninh năng lượng thông qua sự đoàn kết và hợp tác giữa các nước EU;
● Một thị trường năng lượng nội bộ được tích hợp hoàn toàn: cho phép dòng chảy tự do của năng lượng qua EU thông qua cơ sở hạ tầng đầy đủ và không có rào cản kỹ thuật hoặc quy định;
● Hiệu quả năng lượng: năng lượng tái tạo sẽ giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, giảm lượng khí thải, thúc đẩy việc làm và tăng trưởng;
● Hành động vì khí hậu, khử cacbon trong nền kinh tế: EU cam kết nhanh chóng phê chuẩn Thỏa thuận Paris và duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo;
● Nghiên cứu, đổi mới và khả năng cạnh tranh: hỗ trợ đột phá trong công nghệ năng lượng sạch và carbon thấp bằng cách ưu tiên nghiên cứu và đổi mới để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh.

2. Chương trình nghị sự Đô thị của EU giải quyết các vấn đề mà các thành phố đang phải đối mặt bằng cách thiết lập quan hệ đối tác giữa Ủy ban, các tổ chức EU, chính quyền quốc gia, chính quyền thành phố và các bên liên quan khác như các tổ chức phi chính phủ. Họ cùng nhau phát triển các kế hoạch hành động để:

● Cải thiện quy định hiện hành liên quan đến khu vực đô thị và các thách thức đô thị;
● Hỗ trợ các nguồn tài trợ sáng tạo và thân thiện với người dùng cho khu vực đô thị;
● Chia sẻ và phát triển kiến thức (dữ liệu, nghiên cứu, thực tiễn).

Các chủ đề ưu tiên của Chương trình Nghị sự Đô thị cho các thành phố là: chất lượng không khí, nền kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, văn hóa và di sản văn hóa, chuyển đổi kỹ thuật số, chuyển đổi năng lượng, nhà ở, người di cư và người tị nạn, chi tiêu công, việc làm, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, sự dịch chuyển đô thị, an ninh…

Các chủ đề này được đặt ra trong Hiệp ước Amsterdam, được các bộ trưởng chính sách đô thị từ các nước thành viên EU phê chuẩn vào tháng 5 năm 2016 và trong Tuyên bố năm 2019 của các bộ trưởng “Hướng tới một khuôn khổ chung cho phát triển đô thị ở Liên minh châu Âu”.

Hiến chương Leipzig Mới về Sức mạnh chuyển đổi của các thành phố vì lợi ích chung đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Không chính thức được tổ chức vào ngày 30 tháng 11 năm 2020. Hội nghị đưa ra một khuôn khổ và nguyên tắc chung hướng tới phát triển đô thị bền vững. Hiến chương Leipzig Mới cũng được kèm theo một tài liệu Thực hiện nhằm hướng dẫn giai đoạn tiếp theo của Chương trình Nghị sự Đô thị cho EU theo các thông số mới.

3. Các chỉ thị về hiệu suất năng lượng của tòa nhà. Lĩnh vực xây dựng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu về năng lượng và môi trường của EU. Đồng thời, các tòa nhà tốt hơn và tiết kiệm năng lượng hơn sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đồng thời mang lại lợi ích bổ sung cho nền kinh tế và xã hội.

Để tăng cường hiệu suất năng lượng của các tòa nhà, EU đã thiết lập một khung pháp lý bao gồm Chỉ thị về Hiệu suất Năng lượng của Tòa nhà 2010/31/EU (EPBD) và Chỉ thị về Hiệu quả Năng lượng 2012/27/EU.

Các chỉ thị này đã thúc đẩy các chính sách hướng tới việc xây dựng khử cacbon và đạt hiệu quả năng lượng cao vào năm 2050, tạo môi trường ổn định cho các quyết định đầu tư, cho phép người tiêu dùng và doanh nghiệp đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn để tiết kiệm năng lượng và tiền bạc.

Sau khi đưa ra các quy tắc về hiệu suất năng lượng trong quy chuẩn xây dựng quốc gia, các tòa nhà ngày nay chỉ tiêu thụ năng lượng bằng một nửa so với các tòa nhà điển hình từ những năm 1980.

4. Hiệp ước Thị trưởng EU về Khí hậu & Năng lượng tập hợp hàng nghìn chính quyền địa phương tự nguyện cam kết thực hiện các mục tiêu về khí hậu và năng lượng của EU.

Hiệp ước được phát động vào năm 2008 tại châu Âu với tham vọng tập hợp các chính quyền địa phương tự nguyện cam kết đạt và vượt các mục tiêu về khí hậu và năng lượng của EU.

Sáng kiến này không chỉ đưa ra phương pháp tiếp cận từ dưới lên đầu tiên đối với hành động năng lượng và khí hậu, mà thành công của nó còn nhanh chóng vượt ngoài mong đợi.

Sáng kiến hiện quy tụ hơn 9.000 chính quyền địa phương và khu vực trên 57 quốc gia dựa trên thế mạnh của phong trào đa phương trên toàn thế giới và sự hỗ trợ kỹ thuật và phương pháp do các văn phòng chuyên trách cung cấp.

5. Kế hoạch Công nghệ Năng lượng Chiến lược châu Âu (Kế hoạch SET) là bước đệm quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng tới một hệ thống năng lượng trung hòa với khí hậu thông qua việc phát triển các công nghệ carbon thấp một cách nhanh chóng và cạnh tranh về chi phí.

Bằng cách cải tiến các công nghệ mới và giảm chi phí thông qua các nỗ lực phối hợp nghiên cứu quốc gia, Kế hoạch Công nghệ Năng lượng Chiến lược châu Âu giúp thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia EU, các công ty và cơ quan nghiên cứu, đồng thời thực hiện các mục tiêu chính của liên minh năng lượng.

Kế hoạch Công nghệ Năng lượng Chiến lược châu Âu bao gồm Nhóm chỉ đạo kế hoạch này, Nền tảng Công nghệ và Đổi mới châu Âu (ETIP), Liên minh Nghiên cứu Năng lượng châu Âu (EERA) và Hệ thống Thông tin Kế hoạch Công nghệ Năng lượng Chiến lược châu Âu (SETIS).

Các Kế hoạch Công nghệ Năng lượng Chiến lược châu Âu tích hợp xác định 10 hành động cho việc nghiên cứu và đổi mới:
• Tích hợp công nghệ tái tạo trong hệ thống năng lượng;
• Giảm chi phí công nghệ;
• Công nghệ và dịch vụ mới cho người tiêu dùng;
• Khả năng phục hồi và an ninh của hệ thống năng lượng;
• Vật liệu và công nghệ mới cho các tòa nhà;
• Hiệu quả năng lượng cho ngành công nghiệp;
• Khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực pin toàn cầu và di động điện tử;
• Nhiên liệu tái tạo và năng lượng sinh học;
• Thu giữ và lưu trữ carbon;
• An toàn hạt nhân.

6. Thị trường thành phố thông minh được tạo ra bằng cách hợp nhất hai dự án trước đây của Ủy ban có tên là “Thị trường của Đối tác đổi mới châu Âu về thành phố và cộng đồng thông minh” (EIP-SCC)“Hệ thống thông tin thành phố thông minh” (SCIS) trong một nền tảng. Đây là một hoạt động kinh doanh lớn đang thay đổi thị trường và nhằm mục đích tập hợp các thành phố, ngành công nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà đầu tư, nhà nghiên cứu về thành phố thông minh lại với nhau.

Thị trường thành phố thông minh có hàng nghìn người đăng ký từ khắp châu Âu và hơn thế nữa, nhiều người trong số họ đã tham gia với tư cách là thành viên. Các mục tiêu chung của họ là cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, tăng khả năng cạnh tranh của các thành phố và doanh nghiệp châu Âu và đạt được các mục tiêu về năng lượng và khí hậu của châu Âu.

Các mô hình thành phố thông minh

của EU trong lĩnh vực năng lượng


Tại các quốc gia châu Âu, ý tưởng xây dựng một đô thị thông minh đã và đang được chính quyền các thành phố triển khai. Trong những năm qua, các dự án xây dựng đô thị thông minh đi kèm với hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và tự động hóa các hệ thống quản lý đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Mục đích chính của các dự án này là nâng cao mức độ tiện nghi và chất lượng sống trong các thành phố thông qua số hóa các quy trình, tiết kiệm nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Mỗi thành phố, mỗi quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu có những chiến lược riêng của mình, tùy thuộc vào bối cảnh và điều kiện phát triển của từng khu vực.

Trong số hơn 80 dự án được triển khai trong khối EU, có tới 8 dự án có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: City-Zen, Ready, RemoUrban, Sinfonia, Triangulum, Smarter Together (đã hoàn tất), và Sharing Cities, Match Up (đang trong quá trình thực hiện).

City-zen (từ tháng 3/2014 đến 11/2020) là một dự án chung của Amsterdam (Hà Lan), Grenoble (Pháp) và 28 đối tác khác với tổng số vốn đầu tư là 42.874.939 EUR, trong đó 25.189.520 EUR từ sự tài trợ của EU.

Dự án đạt được nhiều kết quả như: 76.000 m2 nhà ở được cải tạo, 10.000 hộ gia đình được kết nối với mạng lưới điện thông minh, thiết lập một mạng lưới thoát nước tập thể cho các máy bơm nhiệt nước ngầm hiệu suất lớn, góp phần giảm thiểu 35.000 tấn CO2 phát thải mỗi năm...

Ready (từ tháng 12/2014 đến 11/2019) nhằm mục đích chỉ ra rằng lượng khí thải CO2 và nhu cầu về năng lượng, đặc biệt là nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch, có thể giảm đáng kể xuống gần bằng “không”, mở ra những hướng đi bền vững cho các thành phố khác ở châu Âu.

Với tổng số vốn đầu tư 33.340.203 EUR, trong đó Liên minh châu Âu đóng góp 19,213,448 EUR, dự án được triển khai tại Aarhus (Đan Mạch) và Växjö (Thụy Điển). Kaunas (Lithuania) tham gia với tư cách là thành phố quan sát học hỏi kinh nghiệm.

RemoUrban (từ tháng 1/2015 đến 12/2019) là một dự án hàng đầu với mục tiêu cuối cùng là thiết kế mô hình tái tạo đô thị ở các thành phố Nottingham (Anh), Valladolid (Tây Ban Nha) và Tepebasi/Eskisehir (Thổ Nhĩ Kỳ), tiếp theo là hai thị trấn Seraing (Bỉ) và Miskolc (Hungary). Mô hình này đã giúp tối ưu hóa sự hội tụ giữa năng lượng, điện và công nghệ thông tin - truyền thông nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sự đồng thuận của xã hội và trao quyền cho người dân.

Với kinh phí 23.790.405 EUR, trong đó 21.541.949 do Liên minh châu Âu đóng góp, RemoUrban đã thử nghiệm một loạt các đổi mới và giải pháp kỹ thuật cũng như các mô hình kinh doanh mới để cải tiến đô thị và các chiến lược nhằm giải quyết lần lượt các rào cản phi kỹ thuật.

Sinfonia là một dự án kéo dài 5 năm kể từ tháng 6/2014, nhằm triển khai các giải pháp năng lượng quy mô lớn, tích hợp và có khả năng mở rộng tại các thành phố quy mô vừa của châu Âu. Trọng tâm của sáng kiến là sự hợp tác giữa Bolzano (Italia) và Innsbruck (Áo) để đạt được mức tiết kiệm năng lượng bình thường từ 40% đến 50% và tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% trong mỗi thành phố tiên phong trên.

Mục tiêu này đạt được một phần nhờ vào gói giải pháp nâng cấp hơn 100.000 m² không gian sống, tối ưu hóa lưới điện và các giải pháp sưởi ấm và làm mát trong khu vực. Mô hình này cũng được áp dụng một cách hiệu quả với năm thành phố khác, cụ thể Pafos (Síp), La Rochelle (Pháp), Rosenheim (Đức), Seville (Tây Ban Nha) và Borås (Thụy Điển).

Dự án được triển khai với số vốn là 43.147.381 EUR và 27.451.972 EUR trong số đó được đóng góp bởi Liên minh châu Âu.

Triangulum là một trong những dự án hàng đầu của châu Âu cho các thành phố và cộng đồng thông minh, với mục đích là chứng minh, phổ biến và nhân rộng các giải pháp và khuôn khổ cho các thành phố thông minh trong tương lai của châu lục này.

Dự án được triển khai từ tháng 2/2015 đến 1/2020 tại các thành phố Manchester (Anh), Eindhoven (Hà Lan) và Stavanger (Na Uy), với kinh phí lên đến 25.420.602 EUR, Liên minh châu Âu đóng góp tới 29.621.431 EUR, tập trung vào di chuyển bền vững, năng lượng, công nghệ thông tin - truyền thông và các cơ hội kinh doanh.

Sau đó, Triangulum cũng được ứng dụng tại ba thành phố khác - Leipzig (Đức), Prague (Cộng hòa Séc) và Sabadell (Tây Ban Nha).

Smarter Together ban đầu được triển khai tại ba thành phố hàng đầu châu Âu là Vienna (Áo), Munich (Đức) và Lyon (Pháp), tiếp theo đó là Santiago de Compostela (Tây Ban Nha), Sofia (Bulgaria) và Venice (Ý), bên cạnh các thành phố quan sát viên Kiev (Ukraine) và Yokohama (Nhật Bản).

Dự án được thực hiện  trong vòng 5 năm, từ tháng 2/2016 đến tháng 1/2021, với tổng số vốn đầu tư là 29.119.448 EUR, trong đó Liên minh châu Âu đóng góp tới 24.742.979 EUR.

Sharing Cities được triển khai từ đầu năm 2016 và sẽ hoàn thành kế hoạch vào cuối năm nay với tổng số kinh phí là 28.045.835 EUR, trong đó 24.753.945 EUR được đóng góp từ Liên minh châu Âu.

Thông qua chương trình này, Lisbon (Bồ Đào Nha), London (Vương quốc Anh) và Milan (Ý) cùng nhau chia sẻ đường truyền dẫn điện chung và lắp đặt hệ thống quản lý năng lượng, trụ đèn thông minh và nền tảng chia sẻ đô thị thông qua sự tương tác với người dân.

Các thành phố khác như Bordeaux (Pháp), Burgas (Bulgaria) và Warsaw (Ba Lan) cũng sẽ được ứng dụng mô hình này.

Match Up hướng tới mục tiêu chuyển đổi các thành phố thông qua các giải pháp và công nghệ sáng tạo để phục vụ cộng đồng địa phương. Dựa trên cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, các giải pháp Match Up trong lĩnh vực năng lượng, di động và công nghệ thông tin và truyền thông sẽ thúc đẩy nền kinh tế địa phương và chất lượng cuộc sống của công dân.

Dự án này được triển khai với quy mô lớn tại ba thành phố Valencia (Tây Ban Nha), Dresden (Đức) và Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), đồng thời hỗ trợ phát triển kế hoạch nhân rộng tại bốn thành phố khác, cụ thể Ostend (Bỉ), Herzliya (Israel), Skopje (Cộng hòa Macedonia) và Kerava (Phần Lan).

Được cấp một nguồn vốn 17.418.339 EUR, trong đó Liên minh châu Âu đóng góp 19.472.388 EUR, dự án 5 năm này sẽ hoàn thành kế hoạch vào tháng 9/2022, hướng tới giảm thiểu hơn 4.000 tấn khí thải carbon mỗi năm, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng lên đến hơn 45% và hơn 30% năng lượng tiêu thụ sẽ đến từ các nguồn tái tạo.

MỘT SỐ THÀNH PHỐ THÔNG MINH

TIÊU BIỂU CỦA EU


HÀ LAN

Ở phía nam Hà Lan, thành phố Eindhoven đã thực hiện một số dự án thông qua sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học, với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống. Hệ thống Wifi bao phủ toàn thành phố nhờ được lắp đặt trên cột đèn. Hàng chục máy quay video và micro được thử nghiệm trên tuyến đường Stratumseind nhằm phát hiện các hành vi gây rối trật tự hay có dấu hiệu bất hợp pháp.

Chính quyền địa phương cũng đã thay đổi ánh sáng trên đường phố để thử nghiệm tác động đến tâm trạng của đám đông và thậm chí tạo hương thơm, như mùi cam, trong các không gian công cộng.

Đại học Công nghệ Eindhoven cũng đã nghiên cứu về ý tưởng ngôi nhà bê tông được xây dựng bằng công nghệ in 3D, cho phép tiết kiệm năng lượng nhiều hơn so với những ngôi nhà truyền thống.

Bên cạnh đó, thành phố Woensdrecht, một cái tên mới trong loạt dự án xây dựng đô thị thông minh, cũng đã triển khai lắp đặt 65 đèn LED thông minh trên đường, có nhiệm vụ tự động bật khi xe hơi hoặc xe đạp đến gần nhằm thích ứng với hiện tượng bị khuất tầm nhìn trong mùa đông.

ĐAN MẠCH

Dự báo, thành phố Copenhagen sẽ phải đón những đợt nóng của mùa hè với mức nhiệt tăng đến 3% vào năm 2050, do đó nhu cầu sử dụng điều hòa cũng có chiều hướng tăng theo.

Trong nỗ lực tạo ra cách làm mát với mức phát thải carbon thấp, thành phố Copenhagen đã xây dựng hai mạng lưới làm mát theo khu vực, bằng cách phân phối nước lạnh qua các đường ống ngầm cách nhiệt, dẫn tới công trình và làm mát không khí trong nhà. Dự án này kỳ vọng giảm được 14.000 tấn carbon mỗi năm.

Hơn nữa, trong mùa đông, với một ngôi nhà rộng 130 m2, hệ thống cấp nhiệt theo khu vực mới này sẽ có chi phí rẻ hơn sử dụng dầu lửa khoảng 45% và khí thiên nhiên 50%. Đặc biệt, để giảm hơn nữa sự phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu hóa thạch, rác thải và nhiên liệu có khả năng tái tạo như sinh khối sẽ được ưu tiên trong việc sản xuất năng lượng.

Aarhus, một thành phố thông minh khác của Đan Mạch, đã biến các nhà máy xử lý nước thải thành nhà máy điện. Nhà máy xử lý nước thải Marselisborg đã tạo ra 2,5 GW nhiệt phục vụ cho người dân toàn thành phố vào mùa đông.

Aarhus cũng đã thay thế 29.000 bóng đèn thủy ngân thành các bóng đèn LED, qua đó giảm được 35% tổng điện năng tiêu thụ cho chiếu sáng nơi công cộng. Ngoài ra, thành phố cũng cải tiến về năng lượng ở những công trình cũ, giúp giảm 30% phát thải CO2 và tiết kiệm được 25% năng lượng sử dụng.

THỤY ĐIỂN

Đất nước Thụy Điển đã trở thành một tấm gương mẫu mực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, với những nỗ lực đáng nể nhằm hướng tới sản xuất 100% năng lượng tái tạo vào năm 2040 và chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Thụy Điển đã triển khai thử nghiệm chung cư tự sản xuất năng lượng mặt trời ở quận Vallastaden, thành phố Linköping tại miền nam nước này.

Toàn bộ vận hành trong tòa nhà đều chỉ phải sử dụng năng lượng từ những tấm pin quang điện trên mái nhà, mà không cần tới lưới điện quốc gia. Thậm chí, lượng điện do toà nhà sản xuất ra còn “đủ sức” để cung cấp cho lưới điện công cộng.

Bên cạnh đó, 172 căn hộ (tương đương 6 khu nhà) trong khu phức hợp nhà ở Vårgårda tại phía tây Thuỵ Điển chạy hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời và năng lượng hydro.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2017-2019, chính phủ Thụy Điển đã chi thêm gần 60 triệu USD vào việc phát triển công nghệ năng lượng mặt trời, gấp 8 lần nguồn ngân sách tại thời điểm ra quyết định, với mục tiêu phát triển lưới điện thông minh,  công nghệ dự trữ năng lượng tái tạo, xe buýt điện, hỗ trợ thuế đối với phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu và cải tạo hiệu quả năng lượng của các tòa nhà dân cư.

THỤY SĨ

Năm 2019, Thụy Sĩ nằm trong top 3 nước hàng đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng, bên cạnh Thụy Điển và Na Uy.

Thụy Sĩ cũng là quốc gia có các ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm. Tính đến nay, quốc gia này đã có hơn 400 thành phố được công nhận là “Thành phố năng lượng”.

NA UY

Powerhouse Brattørkaia là tòa nhà nằm ở thành phố Trondheim, nơi đã được công nhận là một trong những thành phố công nghệ tiên tiến nhất của Na Uy, hứa hẹn tạo ra nhiều năng lượng hơn so với mức tiêu thụ trong suốt vòng đời.

Năm 2018, chính quyền Na Uy đã công bố bản quy hoạch xây dựng thành phố Oslo Airport City hoàn toàn sử dụng nguồn năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.

Oslo Airport City sẽ có diện tích xây dựng lên tới gần 1 triệu m2, với khoảng 35.000 dân cư và sẽ đạt số dân hơn 50.000 người vào năm 2050. Rất nhiều phương án xanh đã được triển khai từng bước như xe tự lái, đèn chiếu sáng tự động,và khuyến khích xe điện lưu hành trong thành phố.


Việt Nam tích cực
xây dựng

thành phố thông minh


Không nằm ngoài guồng quay của thế giới, Việt Nam cũng đang phấn đấu xây dựng một số thành phố theo mô hình Smart City.

Chính phủ Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy xây dựng và phát triển các đô thị thông minh như: Quyết định 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030, Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”...

Bên cạnh các văn bản pháp lý, trong thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực tham gia vào các mạng lưới thành phố thông minh trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, trong khu vực, Việt Nam đang là quốc gia tích cực xây dựng thành phố thông minh với 3 trong số 26 thành phố thuộc mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN từ năm 2018 và hiện nay gần 40 địa phương tại Việt Nam đang triển khai xây dựng các mô hình thành phố thông minh.

Một số dự án xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam:

Năm 2012 : Đà Nẵng là đô thị đầu tiên định hướng xây dựng Smart City, ký hợp tác với tập đoàn công nghệ IBM, sau này đơn vị thực hiện là tập đoàn Viettel.
Năm 2015: Bình Dương đã lựa chọn hợp tác với tập đoàn Brainport của Hà Lan.
Năm 2016: TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt (Lâm Đồng), Phú Quốc (Kiên Giang) ký kết hợp tác với VNPT.
Năm 2017: Mỹ Tho (Tiền Giang) cũng ký kết với VNPT.
Ngoài ra, nhiều thành phố khác đang trong quá trình khảo sát như: Hà Nội, Hạ Long, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Cà Mau… 
Toàn cảnh TP Đà Nẵng. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Trong những năm qua, Liên minh châu Âu, thông qua Phái đoàn EU tại Việt Nam đã tích cực hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong định hướng, quy hoạch và xây dựng các thành phố thông minh. Qua các cuộc làm việc, tiếp xúc song phương, lãnh đạo Phái đoàn EU và lãnh đạo các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã khẳng định xây dựng thành phố thông minh là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác song phương thời gian tới.

Ngày 12/6/2017, Liên minh châu Âu khởi động dự án mang tên “Các thành phố Thế giới tại Việt Nam” nhằm mục đích thúc đẩy sự trao đổi kinh nghiệm và những thực tiễn tối ưu về các chính sách phát triển đô thị và khu vực. Hai thành phố Việt Nam là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ được ghép cặp với hai thành phố châu Âu – Milan (Italia) và Košice (Slovakia).

“Các thành phố Thế giới” là một dự án của EU, với trị giá 700.000 EUR do Tổng cục về Chính sách Đô thị và Khu vực (DG REGIO) thuộc Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ quản lý. Dự án này bắt nguồn từ một Hành động Chuẩn bị của Nghị viện châu Âu nhằm thúc đẩy sự trao đổi kinh nghiệm và những thực tiễn tốt nhất giữa Liên minh châu Âu và các quốc gia không thuộc EU về chủ đề phát triển lãnh thổ với trọng tâm là sự phát triển đô thị bền vững.

Dự án này tạo thuận lợi cho sự trao đổi thông tin và những thực tiễn tốt về các vấn đề chính sách phát triển đô thị và khu vực. Sự hợp tác sẽ dựa trên việc xác định những thành phố thí điểm và xây dựng các hành động cụ thể đối với việc thực thi trong ngắn hạn các lĩnh vực bao gồm sáng tạo cho đô thị (thành phố thông minh) và các công nghệ xanh (sử dụng năng lượng hiệu quả, sự phát triển với carbon thấp). Các lĩnh vực cần triển khai sẽ do các thành phố/khu vực tham gia dự án quyết định với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía đội ngũ cán bộ dự án, và trên cơ sở phối hợp với Ủy ban EU (DG REGIO), các Phái đoàn EU tại các nước tham gia và các cơ quan quốc gia liên quan nếu cần thiết.

Tháng 2/2020, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam kêu gọi Đề xuất Dự án năm 2020 “Hợp tác vì Các thành phố Bền vững”.

Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy phát triển các đô thị tích hợp thông qua xây dựng quan hệ đối tác giữa chính quyền địa phương của các quốc gia thành viên EU và các quốc gia đối tác (trong đó có Việt Nam). Chương trình tập trung hỗ trợ tăng cường quản trị đô thị, đồng thời bảo đảm tính toàn diện xã hội của các thành phố, cải thiện khả năng phục hồi và phủ xanh của các thành phố, tăng cường thịnh vượng và đổi mới sáng tạo


Thành phố Stavanger (Na Uy) được chọn để triển khai dự án Triangulum. Ảnh: Smart-Cities-Marketplace.ec.europa.eu.

Thành phố Stavanger (Na Uy) được chọn để triển khai dự án Triangulum. Ảnh: Smart-Cities-Marketplace.ec.europa.eu.

Mùa Đông năm nay, châu Âu sẽ phải đương đầu với tình trạng thiếu hụt khí đốt trầm trọng. Tại nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Italy, giá bán buôn các loại khí đốt tăng lên mức cao kỷ lục, khiến hóa đơn các loại năng lượng của nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp cũng tăng đột biến.

Nhằm giải quyết khủng hoảng năng lượng, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí đưa ra các biện pháp khẩn cấp, bao gồm cắt giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho các hộ gia đình khó khăn. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, việc chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia này. Xây dựng đô thị thông minh là một trong những giải pháp được lựa chọn cho phát triển bền vững./.


Ngày xuất bản: 13/11/2021
Tổ chức sản xuất:
TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: BIỆN DIỆU, MINH DUY, PHAN ANH, HỒNG VÂN

Nội dung tham khảo: Ủy ban châu Âu, MOIT, ADB, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, TTXVN, Đảng bộ TP Hồ Chí Minh.
Ảnh: Reuters, DoiMoiSangTao.vn, GettyImages, Invest.gov, Smart-Cities-Marketplace.ec.europa.eu.