Chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng của EU

Xây dựng chiến lược an ninh năng lượng là một trong những vấn đề đang được các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga. Đây cũng là chủ đề nóng được thảo luận tại Hội nghị cấp cao EU diễn ra ở Brussels (Bỉ) trong hai ngày 24 và 25/3, trong bối cảnh giá năng lượng không ngừng leo thang.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom (Nga) sang châu Âu. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom (Nga) sang châu Âu. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Giá dầu tiếp tục lên cao, do lo ngại về nguồn cung dầu mỏ bị thu hẹp sau khi Nga cảnh báo rằng hoạt động sửa chữa tại một cơ sở gần một cảng ở Biển Đen sẽ mất tới 2 tháng, có thể khiến lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga giảm 1 triệu thùng/ngày. Giá khí đốt cũng tăng mạnh sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Moskva sẽ chỉ chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble đối với “những đối tác không thân thiện” nhập khẩu khí đốt từ Nga, trong đó có EU. 

Những diễn biến địa chính trị tác động mạnh thị trường “vàng đen” và buộc các nước EU vốn phụ thuộc nguồn cung năng lượng của Nga đứng trước “bài toán khó” nhằm bảo đảm an ninh năng lượng. Tại cuộc họp không chính thức ở Versailles (Pháp) mới đây, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí từ bỏ dần sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu và than nhập khẩu của Nga càng sớm càng tốt. 

Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận về giá năng lượng tăng cao liên tục và tác động của chúng đối với người dân và doanh nghiệp. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cung cấp cơ sở cho cuộc thảo luận bằng cách đề xuất các cách thức làm cho giá năng lượng ở mức hợp lý và bảo đảm an ninh nguồn cung. Một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay của EU là giảm sự phụ thuộc chiến lược trong các mặt hàng và lĩnh vực nhạy cảm, như nguyên liệu thô quan trọng, chất bán dẫn, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và kỹ thuật số.

Ủy viên EU phụ trách năng lượng thừa nhận, thị trường năng lượng toàn cầu và châu Âu đang trong thời kỳ hỗn loạn, đặc biệt là kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine. Vì vậy, châu Âu cần nhanh chóng hành động để bảo đảm nguồn cung năng lượng cho mùa đông tới và giảm bớt áp lực của “hóa đơn năng lượng” đối với người dân và doanh nghiệp. EC đã đề xuất lấp đầy kho dự trữ khí đốt trước mùa đông tới. Theo đó, mức dự trữ khí đốt tối thiểu 80% sẽ được áp dụng vào tháng 11 tới và mức này sẽ được nâng lên 90% sau đó. Một nhóm công tác đặc biệt được thành lập chịu trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với các quốc gia và những nhân tố chính trong lĩnh vực này nhằm điều hành việc mua khí đốt và xác nhận việc lưu trữ. Sự phối hợp này sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung của EU. 

Để chuẩn bị cho các kế hoạch giảm phụ thuộc nguồn cung của Nga, EC cũng đã thảo luận với các nước sản xuất khí đốt lớn, như Na Uy, Mỹ, Qatar và Algeria. Chủ tịch EC cũng đã gặp các lãnh đạo tập đoàn năng lượng lớn ở châu Âu, như E.ON, Shell, Vattenfall, Eni... Dự kiến vào tháng 5 tới, EC sẽ công bố kế hoạch chi tiết về việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027. Trong khi đó, các quốc gia thành viên đang nỗ lực nhanh chóng khống chế hóa đơn năng lượng tăng vọt và tìm kiếm lựa chọn thay thế trong trường hợp nguồn cung từ Nga gián đoạn. 

Khuyến nghị các nước thành viên có thể cùng mua khí đốt để tăng nguồn cung, song EU cảnh báo rằng việc tìm cách giới hạn giá bán buôn có thể làm suy yếu nỗ lực chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh. EC xem xét các lựa chọn khác, như giới hạn giá điện và sử dụng máy phát điện để giải quyết sự chênh lệch giữa mức giá trần và giá thị trường. Tuy nhiên, EC cảnh báo, việc giới hạn giá điện cũng có thể làm suy yếu tới hoạt động đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo mới. 

Với thực tế châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung của Nga, vốn chiếm tới 40% tổng lượng tiêu thụ khí đốt ở lục địa già, nhiều quốc gia trong khu vực tuyên bố trong ngắn hạn chưa thể từ bỏ nhập khẩu khí đốt của Nga. Việc loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ “xứ Bạch dương” cần có thời gian, không thể hoàn tất trong “một sớm một chiều”. Một chiến lược nhằm bảo đảm an ninh năng lượng tiếp tục là bài toán khiến EU đau đầu tìm lời giải.