EU với lộ trình chuyển đổi sang năng lượng sạch

Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC), các nước châu Âu đã lần lượt công bố “hạn chót” cấm bán ô-tô sử dụng động cơ đốt trong, theo hướng đáp ứng mục tiêu cấm bán ra thị trường ô-tô sử dụng nhiên liệu truyền thống từ năm 2035 hoặc sớm hơn. 

Nhiều nước châu Âu lên lộ trình cấm lưu hành ô-tô sử dụng động cơ đốt trong. Ảnh: THE GUARDIAN
Nhiều nước châu Âu lên lộ trình cấm lưu hành ô-tô sử dụng động cơ đốt trong. Ảnh: THE GUARDIAN

“Cái chết” đến sớm?

Trong một tuyên bố được đưa ra cuối cuộc họp lần thứ tư của Ủy ban Liên bộ về chuyển đổi sinh thái hôm 10/12 vừa qua, Bộ Chuyển đổi sinh thái Italy thông báo thực hiện việc cấm bán ô-tô sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2035, gia hạn đến năm 2040 đối với xe tải và xe vận tải thương mại hạng nhẹ. Như vậy, Italy trở thành nước mới nhất công bố lộ trình để hướng tới mục tiêu chuyển dịch sang các phương tiện sử dụng năng lượng sạch.

Trước đó, ngày 24/11/2021, đảng Xanh, đảng Dân chủ xã hội (SPD) và đảng Dân chủ tự do (FDP) tại Đức đã công bố thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh, trong đó có một điểm đáng chú ý là cam kết chấm dứt việc bán xe ô-tô chạy bằng xăng và dầu trước thời hạn đề xuất vào năm 2035 của Liên minh châu Âu (EU). Thỏa thuận nhấn mạnh: “Theo đề xuất của EC, chỉ các phương tiện trung hòa carbon mới được phép hoạt động trong lĩnh vực giao thông ở châu Âu vào năm 2035, nhưng việc này sẽ có hiệu lực sớm hơn ở Đức”. Thỏa thuận cũng đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là có ít nhất 15 triệu ô-tô điện lưu thông ở Đức vào cuối thập kỷ này.

Tờ Politco nhận định rằng, thỏa thuận trên đồng nghĩa với việc chính phủ tiếp theo của Đức đã gióng lên “hồi chuông báo tử” đối với ô-tô sử dụng động cơ đốt trong ở nước này. Các thông báo của Italy và Đức được đưa ra sau khi vào giữa tháng 7 vừa qua, EC đã công bố kế hoạch chi tiết cùng một gói các dự luật về khí hậu và năng lượng nhằm mục đích giảm 55% lượng phát thải carbon vào năm 2030 và đặt ra lộ trình để đạt được mức phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050. “Giao thông vận tải hiện là nguồn phát thải 29% tổng lượng phát thải khí nhà kính của EU. Vào năm 2050, chúng ta cần phải cắt giảm 90% lượng khí này”, bà Adina Valean - Ủy viên châu Âu phụ trách vận tải cho hay.

Theo các đề xuất của EC, việc bán ô-tô và xe tải mới có phát thải sẽ bị cấm từ năm 2035. Các quy định mới sẽ giúp EU chuyển dịch sâu hơn sang xe điện, trong đó, EC kỳ vọng “gần như 100%” ô-tô lưu thông trên đường vào năm 2050 sẽ là xe không gây ô nhiễm, chạy hoàn toàn bằng điện hay khí hydro. 

Theo đề xuất của EC, để bảo đảm tiến độ đề ra, báo cáo về tiến độ triển khai mục tiêu sẽ được thực hiện hai năm một lần và EC có quyền đưa ra những biện pháp mới trong trường hợp nhận thấy các mục tiêu có nguy cơ không đạt được. Việc xem xét lại toàn bộ kế hoạch sẽ được thực hiện vào năm 2028, tức giữa quãng đường từ nay cho đến khi có lệnh cấm bán các phương tiện gây ô nhiễm được đề xuất có hiệu lực. 

Cùng với đó, EC cũng đề xuất loại bỏ ưu đãi đối với phương tiện phát thải thấp và phương tiện không gây ô nhiễm vào năm 2030, với lý do phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch sẽ không còn phải cạnh tranh với xe chạy bằng động cơ xăng và diesel, nên không còn cần tới sự hỗ trợ của chính phủ. Ngoài ra, EC cho hay sẽ hỗ trợ việc nâng cao kỹ năng và đào tạo lại cho những người có khả năng bị mất việc làm do sự sụt giảm về nhu cầu trong các ngành liên quan đến sản xuất phương tiện sử dụng động cơ đốt trong.

Trước mối lo ngại của người tiêu dùng về việc giá xe điện cao hơn so các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, AFP dẫn lời một quan chức EU cho rằng, giá xe điện dự kiến ​​sẽ giảm trong những năm tới. Theo đó, dự kiến sau năm 2027, tổng chi phí sở hữu xe điện, bao gồm cả chi phí nhiên liệu ​​sẽ giảm xuống mức thấp hơn giá hiện tại của xe chạy bằng động cơ đốt trong.

Trước Đức, Ireland, Thụy Điển, Slovenia và Hà Lan cũng đã đưa ra mốc năm 2030 cho việc cấm bán xe chạy bằng xăng và dầu diesel. Đan Mạch và Anh cũng cam kết áp dụng lệnh cấm tương tự vào năm 2035. 

Lộ trình rõ ràng về việc chấm dứt sản xuất hầu hết các loại ô-tô sử dụng động cơ đốt trong ở Đức cũng được đánh giá sẽ phát tín hiệu đến các nước như Czech, Slovakia, Hungary, nơi đặt các nhà máy của các “ông lớn” trong ngành sản xuất xe hơi như Volkswagen, BMW và Daimler, rằng “cuộc chiến” về cơ bản đã kết thúc, ngày loại bỏ hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035 đã dần rõ ràng. Na Uy dự kiến sẽ là quốc gia châu Âu đầu tiên cấm bán ô-tô sử dụng động cơ đốt trong, bắt đầu từ năm 2025. Trong năm ngoái, doanh số bán xe ô-tô điện ở Na Uy đã vượt qua xe chạy bằng xăng, diesel. Quốc gia Bắc Âu này hiện đứng đầu thế giới về thị phần ô-tô sử dụng điện.

Doanh nghiệp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi

Đề xuất cấm bán xe hơi sử dụng động cơ đốt trong tại châu Âu thời gian qua đã gây ra nhiều tranh cãi, nổi bật là mối lo ngại về nguy cơ mất việc làm do quá trình điện khí hóa, kéo theo thiệt hại về kinh tế phát sinh từ việc cấm động cơ đốt trong. Thêm vào đó là băn khoăn về giá cả của xe không phát thải và lo lắng về phạm vi hoạt động của phương tiện do thiếu các trạm sạc công cộng.

Khi tranh cãi vẫn chưa đến hồi kết, các thương hiệu xe hơi dù muốn hay không đều đang có những bước đi mạnh mẽ hướng tới điện khí hóa toàn diện, con đường bắt buộc để các thương hiệu không mất đi thị phần cũng như tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực, đồng thời bảo đảm tuân thủ các quy định. Tại Đức, ngành công nghiệp ô-tô nước này bày tỏ ủng hộ việc sử dụng nhiên liệu tổng hợp, còn gọi là nhiên liệu điện tử, để thay thế xăng và dầu diesel. 

Hồi đầu tháng, Toyota - nhà sản xuất ô-tô lớn nhất thế giới, cũng bất ngờ tuyên bố sẵn sàng ngừng bán ô-tô sử dụng động cơ đốt trong ở châu Âu vào năm 2035. Mục tiêu này được đánh giá là rất quyết liệt nếu tính đến tỷ trọng mục tiêu ở mốc năm 2025 mới chỉ là 10%. Đồng thời, ban lãnh đạo của Toyota cũng bày tỏ hy vọng các nhà chức trách châu Âu sẽ nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng sạc và chuyển đổi ngành năng lượng để chuyển sang sử dụng các nguồn tái tạo. Cùng với cam kết trên, Toyota công bố những khoản đầu tư đáng kể cũng như thời điểm tung ra thị trường các mẫu xe điện và xe chạy bằng khí hydro của hãng.

Đối thủ cạnh tranh của Toyota trên thị trường toàn cầu là Volkswagen cũng đã đặt ra các mục tiêu rất tích cực cho việc chuyển đổi sang xe điện. Theo đó, hãng thông báo sẽ ngừng bán ô-tô động cơ đốt trong vào năm 2035 tại châu Âu. Tập đoàn Ford Motor của Mỹ dự kiến ​​sẽ chuyển hoàn toàn sang xe điện vào năm 2030. Một số nhà sản xuất khác cũng thông báo đã sẵn sàng thực hiện việc chuyển đổi vào hạn chót mà EC đề xuất hoặc thậm chí sớm hơn. 

Hãng Audi của Đức đưa ra tuyên bố tham vọng hơn, theo đó khẳng định tất cả các mẫu xe được ra mắt sau năm 2026 của hãng sẽ là xe điện. Tuy nhiên, công ty sẽ tiếp tục sản xuất các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong hiện có đến đầu những năm 2030. Trong khi đó, Volvo cam kết sẽ cân bằng giữa lượng xe điện và xe động cơ đốt trong vào năm 2025 trước khi tiến đến việc chỉ sản xuất xe điện từ sau năm 2030. Ford cam kết 100% doanh số của hãng tại thị trường châu Âu là xe điện vào năm 2025, còn trên thị trường toàn cầu là từ 40-50%. Nissan thì khẳng định, từ đầu những năm 2030, tất cả ô-tô mới của hãng bán tại Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu sẽ là xe điện.

Hơn 100 năm qua, động cơ đốt trong vẫn luôn chiếm ưu thế và xuất hiện trong mọi dòng xe, từ xe gia đình cho tới các mẫu xe siêu sang, thậm chí cả xe đua Công thức 1 hàng đầu. Động cơ đốt trong từ lâu đã trở thành biểu tượng gắn liền với rất nhiều thương hiệu xe. Song, việc các phương tiện sử dụng động cơ điện được phát triển ngày một rộng rãi cũng đồng nghĩa thời gian tồn tại của các loại xe sử dụng động cơ đốt trong đang đếm ngược, trước mắt có thể là tại châu Âu.