Các nước EU đang gặp khó khăn để tìm một kế hoạch chung với giá năng lượng cao, bất chấp các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng tiến hành nhiều cuộc họp khẩn trong những tháng gần đây.
Một nhóm gồm Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Hy Lạp và Romania ra tuyên bố chung kêu gọi các quy định EU bảo vệ người tiêu dùng trước các biến động về giá năng lượng, ví dụ bằng cách yêu cầu các nhà cung cấp điện đưa ra ít nhất một hợp đồng dựa trên các nguồn điện mua một năm.
Các nước này cũng kêu gọi cùng mua khí đốt trong các nước EU để thiết lập dự trữ chiến lược và nghiên cứu xác định cải cách thị trường điện của khối. Trong khi đó, nhóm các nước Đan Mạch, Hà Lan và 6 nước khác ra tuyên bố chung ngày 1/12 phản đối các cải cách thị trường năng lượng của EU. Các nước này cho rằng quy định về giá trần hoặc chuyển sang một hệ thống khác ấn định giá điện quốc gia có thể cản trở mua bán điện giữa các nước và làm suy giảm động lực tăng thêm năng lượng tái tạo.
Nhiều nước EU đã sử dụng các biện pháp riêng tạm thời để bảo vệ người tiêu dùng trước giá cao, gồm cắt giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho các hộ gia đình.
Ủy ban châu Âu cho biết sẽ nghiên cứu lợi ích của các lựa chọn dài hạn như cùng mua khí đốt.
Các bộ trưởng EU ngày 2/12 cũng sẽ đánh giá tiến bộ trong đàm phán nhằm đặt ra các mục tiêu mạnh mẽ hơn để cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo trong thập niên này.
Giá năng lượng châu Âu tăng lên mức cao kỷ lục trong mùa Thu khi nguồn cung khí đốt khan hiếm và nhu cầu cao khi các nền kinh tế đang phục hồi từ đại dịch Covid-19. Mặc dù giá khí đốt đã quay đầu giảm từ mức kỷ lục trong tháng 10 nhưng vẫn còn tương đối cao.