Chặng đường mới của tân Thủ tướng Israel

Chính phủ mới của ông Benjamin Netanyahu đã tuyên thệ nhậm chức, sau khi Quốc hội Israel bỏ phiếu thông qua, đánh dấu sự trở lại của chính trị gia lão luyện và sự ra đời của chính phủ cực hữu nhất trong lịch sử Israel. Với định hướng ưu tiên chính sách thời gian tới, chính phủ mới ở Israel tập trung vào ba nhiệm vụ lớn liên quan phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia, khôi phục an ninh trong nước và quản trị nhà nước của Israel.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: Reuters)

Với 63 phiếu thuận và 54 phiếu chống trong tổng số 120 nghị sĩ, Quốc hội Israel đã phê chuẩn chính phủ mới do ông Netanyahu đứng đầu. Đây là chính phủ thứ 6 do Thủ tướng Netanyahu dẫn dắt và là chính phủ liên minh cánh hữu nhất trong lịch sử nước này.

Chính phủ thứ 37 của Israel có 30 bộ trưởng và ba thứ trưởng. Một số chức vụ quan trọng trong chính phủ mới là Bộ trưởng Ngoại giao Eli Cohen, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant…

Một số chức vụ luân phiên điều chỉnh trong hai năm, bao gồm Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Nội vụ sẽ đổi chỗ cho nhau; và sau một năm, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Năng lượng sẽ đổi chỗ cho nhau và hai năm sau đó sẽ đổi ngược lại.

Để trở lại dẫn dắt chính phủ, nhà lãnh đạo kỳ cựu Netanyahu đã trải qua quá trình đàm phán đầy khó khăn. Ông đã xúc tiến các cuộc đàm phán với các đảng cực hữu và đảng Chính thống giáo Ultra-Orthodox.

Quốc hội Israel đã thông qua hai đạo luật mở đường cho sự trở lại cương vị thủ tướng của ông Netanyahu, tiếp đó đảng Likud của Thủ tướng Israel đắc cử đã chính thức ký thỏa thuận liên minh với đảng Tôn giáo chính thống Do thái Torah Thống nhất (UTJ), mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Chính phủ liên minh cực hữu của ông Netanyahu được thành lập chỉ vài giờ trước khi hết thời hạn chót cho việc hình thành chính phủ. Thỏa thuận liên minh chính phủ bao gồm đảng Likud dẫn đầu và hai đảng cực hữu là Jewish Power và đảng Religious Zionist.

Thủ tướng Netanyahu đã công bố định hướng ưu tiên chính sách thời gian tới, gồm ba nhiệm vụ lớn: Chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran; phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia-tập trung vào vấn đề kết nối các khu vực ngoại vi vào trung tâm đất nước; khôi phục an ninh trong nước và quản trị nhà nước của Israel.

Để có thể tiến tới thành lập một chính phủ liên minh, Quốc hội Israel cũng đã thông qua ba đạo luật gây tranh cãi, được các đối tác liên minh của ông Netanyahu coi là điều kiện tiên quyết cho thành lập chính phủ.

Theo các đạo luật mới, những người bị truy tố nhưng không phải ngồi tù giam sẽ được đảm nhiệm ghế bộ trưởng trong chính phủ Israel. Luật mới giúp ông Arye Deri, một đồng minh chủ chốt từ đảng Siêu chính thống giáo Shas của ông Netanyahu, có thể tham gia nội các, bất chấp việc nhân vật này đang hưởng án treo do tội danh gian lận thuế.

Một đạo luật khác cho phép một bộ có đồng thời hai bộ trưởng, cụ thể là ông Bezalel Smotrich, Chủ tịch đảng cực hữu Religious Zionism, giữ chức một vị trí cao trong Bộ Quốc phòng Israel, phụ trách các vấn đề dân sự ở khu Bờ tây-bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant.

Bên cạnh đó, Quốc hội Israel cũng đã bỏ phiếu thông qua việc mở rộng quyền lực của Bộ trưởng An ninh Quốc gia - do chính trị gia cực hữu Itamar Ben Gvir đảm nhiệm.

Thủ tướng Netanyahu đã phải trải qua chặng đường không dễ dàng, với những thỏa hiệp khó khăn, để có thể thành lập chính phủ mới. Nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ mới ở Israel là phải thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, củng cố quan hệ với các đồng minh chủ chốt.

Tuy nhiên, chương trình nghị sự của chính phủ mới tại Israel dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Netanyahu gây quan ngại từ phía Chính quyền Palestine (PA), trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên lâm vào bế tắc từ nhiều năm nay.

Người phát ngôn của Tổng thống Palestine đã lưu ý rằng, những định hướng chính sách của chính phủ mới tại Israel, trong đó ưu tiên hàng đầu việc mở rộng các khu định cư cho người Do thái tại Bờ tây, vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, có thể làm gia tăng trở ngại đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, gây ảnh hưởng tới tình hình khu vực.