Nhà thơ Lữ Giang qua đời

Tiếng đàn bầu ngân vang

Nhà thơ Lữ Giang, tên thật là Trần Xuân Kỷ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, sinh ngày 15-3-1928, quê ở xã Công Chính, huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Những năm học trường trung học tư thục ở Thanh Hóa, ông đã được học các nhà thơ Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên. Vốn có năng khiếu văn thơ từ nhỏ, ông đã đi theo con đường thơ từ sớm.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia nhiều cơ quan ở địa phương. Hòa bình lập lại ông làm biên tập lâu năm của báo Chính nghĩa. Vừa làm báo, Lữ Giang vừa say mê viết văn và làm thơ. Ông đã viết được một loạt truyện ký và tiểu thuyết như Hạnh phúc trên thế gian (1978), Ánh sáng và mây mù (1979), Con Đức mẹ (1990) và Dốc sương mù (2003).

Về thơ anh cũng có một tập thơ và trường ca và một số tập thơ in chung với Bằng Sơn và Đào Ngọc Du.

Trong một số truyện, Lữ Giang đã đi sâu vào tâm lý của một số nông dân Công giáo; rất thuần phác, cần cù và yêu nước, cũng dễ bị hoang mang, dao động trước những thủ đoạn lừa bịp, mị dân của một số kẻ phản động đội lốt Công giáo, nhưng khi đã nhận rõ chân lý thì rất tin vào Đảng và Chính quyền, rất tích cực tham gia kháng chiến. Lời văn của Lữ Giang thường là thủ thỉ tâm tình dễ gợi xúc động và thông cảm.

Tiểu thuyết Dốc sương mù gần như là một cuốn tự truyện của ông: bao nhiêu dằn vặt, bao nhiêu trăn trở trước những gian khổ, khó khăn trong kháng chiến, nhưng cuối cùng vẫn tìm ra được niềm tin, được cõi lòng thanh thản trước cuộc sống.

Về thơ, Lữ Giang không in nhiều. Ông chỉ viết khi cảm xúc thật thôi thúc trong lòng. Bài thơ đầu tiên của ông được dư luận chú ý là một bài thơ ngắn Anh thương binh - tôi không nhớ rõ in trong một tập Hoa mùa đầu hay báo Văn nghệ - mà nhà thơ Chế Lan Viên đã khen và khích lệ anh về hai câu:

Giữa hai dấu nạng
In một bàn chân

Đó là một hình ảnh khó quên về người thương binh. Có một bài thơ của Lữ Giang được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc, rồi được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình phát đi nhiều lần đã in sâu vào lòng bạn đọc. Đó là bài Tiếng đàn bầu

Lắng tai nghe đàn bầu
Thánh thót trong đêm thâu
Tiếng đàn bầu của ta
Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm là giọng cha

Tiếng đàn bầu của ta
Nâng tiếng vàng trong sáng
Cung thanh ôi cung trầm
Ơn đời đời có Đảng
Việt Nam - Hồ Chí Minh
Việt Nam - Hồ Chí Minh
.

Lữ Giang còn có bài thơ Qua Cẩm Giàng, nhớ Thạch Lam được in trong tuyển tập "Thơ" của Nhà xuất bản Văn họcTuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ 20 do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Bài thơ có những câu mang cảm xúc bình dị mà đầy nhân hậu:

Mộc mạc đơn sơ một khoảng trời xa
Những cuộc đời, những dáng người thường thấy
Những số phận lưu trên trang giấy
Làm tôi yêu nhớ mãi nơi này.

Lữ Giang cũng còn có bài Lại về sông Thị thấm đẫm tình cảm với một vùng quê nghèo cằn cỗi của Thanh Hóa mà ông mang giữ kỷ niệm cả một đời. Thơ của ông nói chung dung dị, cảm xúc chân thành và hồn nhiên, không ồn ào, không giả tạo.

Đối với bạn bè, Lữ Giang sống chí tình và trân trọng. Rất đông bạn hữu thường đến nhà ông với không khí gia đình cởi mở, bà Lữ Giang là người rất hiếu khách. Nhà ông tuy lợp lá ở tận tầng ba cheo leo, nhưng lúc nào cũng đầy các loài hoa, nhất là phong lan do ông và con ông kiếm về. Bạn bè có thể đến đấy nằm võng nghỉ ngơi với tâm hồn thanh thản.

Hằng năm, cứ đến rằm tháng tám, anh em chúng tôi đến căn nhà trên sân thượng ấy, ăn bánh trung thu thưởng trăng như ngồi trên một boong tàu. Có mặt rất đông: Trần Lê Văn, Hữu Ngọc, Quang Dũng, Yên Thao, Hoài Việt, Vân Long, Ngô Quân Miện và nhiều bạn nữa, Lữ Giang giúp đỡ bạn bè trong những việc mà anh em ta vốn vụng về, như giúp Hồ Dzếnh và Quang Dũng trong những lúc khó khăn gia đình, khi thấy tôi đau ốm, ông tìm thuốc mang đến tận nhà, khi tôi hỏng máy chữ, ông đến đèo máy đi chữa giúp...

Vậy mà ngày mồng ba Tết vừa qua ông đã bị bệnh trọng phải vào viện cấp cứu. Và ông đã vội ra đi để lại nhiều thương tiếc trong lòng bè bạn.