Chấn chỉnh công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe trên phạm vi toàn quốc

NDO - Những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được Bộ Giao thông vận tải phân cấp tương đối triệt để cho địa phương; đồng thời thực hiện mạnh mẽ xã hội hóa các cơ sở, đào tạo sát hạch lái xe, cơ bản đáp ứng nhu cầu học và sát hạch lái xe của xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông quý I/2023.
Quang cảnh Hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông quý I/2023.

Bộ cũng thường xuyên, liên tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác này gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý.

Giám sát chặt các cơ sở đào tạo, sát hạch

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II mới đây, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải Lâm Văn Hoàng cho biết, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được phân cấp tương đối triệt để cho địa phương, đồng thời đã thực hiện mạnh mẽ xã hội hóa các cơ sở, đào tạo sát hạch lái xe, cơ bản, đáp ứng nhu cầu học và sát hạch lái xe của xã hội.

Thông qua thanh tra, kiểm tra định kỳ và chuyên đề, cũng như nắm bắt thông tin từ dư luận xã hội, Bộ Giao thông vận tải luôn xác định đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe là lĩnh vực có phạm vi, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tác động đến nhiều đối tượng, với nhiều diễn biến phức tạp trong thực tiễn.

Tuy nhiên, ở một số nơi, có lúc đã xảy ra hiện tượng buông lỏng quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực.

Đến nay, các đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại 40/63 Sở Giao thông vận tải, bước đầu nhận thấy có hiện tượng sai sót, hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện của Sở Giao thông vận tải, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực như: Việc khai thác dữ liệu DAT để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế.

Bộ đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải các địa phương thực hiện quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đúng quy định, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục khuyết điểm, sai sót, ngăn ngừa hiện tượng sai phạm.

Ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra, triển khai kiểm tra toàn diện, tổng thể công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của các Sở Giao thông vận tải trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, quán triệt quá trình kiểm tra phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, nghiêm túc, làm đến đâu xử lý dứt điểm sai phạm (nếu có) đến đó; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Giao thông vận tải về kết quả thanh tra, kiểm tra.

Chấn chỉnh công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe trên phạm vi toàn quốc ảnh 1

Một cơ sở đào tạo lái xe ô-tô bằng B1-B2.

Cụ thể, trong quản lý công tác đào tạo, một số Sở Giao thông vận tải để cơ sở đào tạo gửi báo cáo tiếp nhận danh sách học viên một số khóa học qua phần mềm chậm hơn nhiều ngày so với quy định.

Một số địa phương còn hạn chế trong khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống dữ liệu DAT, nên chưa kịp thời phát hiện, xử lý đối với cơ sở đào tạo không thực hiện đúng nội dung, chương trình, kế hoạch, tiến độ đào tạo, tổ chức thi kết thúc khóa học cho học viên khi chưa đủ điều kiện, chưa phát hiện, xử lý đối với các phiên học có dấu hiệu bất thường về dữ liệu DAT của cơ sở đào tạo.

Chấn chỉnh công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe trên phạm vi toàn quốc ảnh 2

Đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe là lĩnh vực có phạm vi, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tác động đến nhiều đối tượng, với nhiều diễn biến phức tạp trong thực tiễn.

Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, trong công tác sát hạch, một số Sở duyệt danh sách học viên dự sát hạch khi chưa có đầy đủ dữ liệu trích xuất qua thiết bị DAT.

Theo quy định, phải có báo cáo kết quả thực hành lái xe trên đường qua thiết bị DAT; đủ số km thực hành lái xe trên đường, có dữ liệu học thực hành lái xe ban đêm, lái xe với xe số tự động của học viên, để xem xét trước khi thực hiện sát hạch.

Qua hình ảnh lưu trữ, tại một số kỳ sát hạch, trong Phòng sát hạch lý thuyết lái xe mô-tô hạng A1 có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau khi làm bài và sát hạch viên trao đổi, hỗ trợ thí sinh.

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều Sở Giao thông vận tải chưa xây dựng, trình UBND cấp tỉnh ban hành quy định về đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1, A4 cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết tiếng Việt.

"Một số Sở Giao thông vận tải chưa quyết liệt, sâu sát trong quản lý; chưa kiểm tra, giám sát đào tạo hoặc có kiểm tra, giám sát nhưng mang tính hình thức, không đúng thực tế, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gian lận, tiêu cực của cơ sở đào tạo", Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải Lâm Văn Hoàng cho biết.

Đối với những hạn chế, sai phạm được phát hiện này, các đoàn kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố phải có biện pháp xử lý, chấn chỉnh ngay.

Kiểm điểm, xử lý tập thể, cá nhân vi phạm

Mặc dù chưa kết thúc kế hoạch kiểm tra, nhưng để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, sai sót và phòng, chống tiêu cực nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe, ngay trong ngày 10/4, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục có công văn số 3448/BGTVT-TTr gửi Sở Giao thông vận tải các địa phương, yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.

Bộ cũng yêu cầu các Sở Giao thông vận tải thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin dư luận xã hội, chủ động nhận diện các nội dung tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Bộ cũng yêu cầu các Sở Giao thông vận tải thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin dư luận xã hội, chủ động nhận diện các nội dung tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Sở Giao thông vận tải thực hiện quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo đúng quy định, trong đó tập trung tổ chức thực hiện nghiêm việc theo dõi, kiểm tra, khai thác và sử dụng dữ liệu DAT, dữ liệu quản lý DAT (phòng ngừa hiện tượng nhiều thiết bị DAT trên cùng 1 phương tiện; hoặc cùng một thời điểm, một người có mặt trên 2 phương tiện…).

Bên cạnh đó, các Sở Giao thông vận tải cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo để quản lý chặt chẽ việc tổ chức giảng dạy theo đúng nội dung, chương trình, kế hoạch, tiến độ đào tạo; kiểm tra kết thúc khóa học theo quy định.

“Các Sở Giao thông vận tải cũng được yêu cầu chỉ đạo cơ sở đào tạo quản lý, sử dụng dữ liệu DAT bảo đảm chính xác; kiểm tra các thông tin về giáo viên, xe tập lái trong quá trình tổ chức đào tạo và xét duyệt học viên thi kết thúc khóa học; kịp thời báo cáo Sở Giao thông vận tải khi có thay đổi kế hoạch, tiến độ đào tạo (xe tập lái, giáo viên dạy lái, thời gian đào tạo…).

Các Sở Giao thông vận tải phải chỉ đạo Hội đồng sát hạch, Tổ sát hạch thực hiện nghiêm các quy định pháp luật và hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam về tổ chức kỳ sát hạch lái xe.

Sát hạch viên thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ; bảo đảm thí sinh không mang, sử dụng điện thoại hoặc thiết bị truyền tin trong phòng sát hạch lý thuyết, sử dụng công nghệ cao trong quá trình sát hạch”, ông Lâm Văn Hoàng cho biết.

Chấn chỉnh công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe trên phạm vi toàn quốc ảnh 3

Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải Lâm Văn Hoàng.

“Các cơ sở đào tạo quản lý, sử dụng dữ liệu DAT được yêu cầu bảo đảm chính xác; kiểm tra các thông tin về giáo viên, xe tập lái trong quá trình tổ chức đào tạo và xét duyệt học viên thi kết thúc khóa học; thực hiện nghiêm quy định pháp luật và hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam về tổ chức kỳ sát hạch lái xe; sát hạch viên thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ; bảo đảm thí sinh không mang, sử dụng điện thoại hoặc thiết bị truyền tin trong phòng sát hạch lý thuyết, sử dụng công nghệ cao trong quá trình sát hạch”

Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải Lâm Văn Hoàng

Song song với đó, Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường giám sát đột xuất các kỳ sát hạch lái xe; chủ động phối hợp cơ quan quản lý về giáo dục, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xác minh việc xác nhận đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt để bảo đảm đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A1, A4 đúng đối tượng.

Hiện nay, Thanh tra Bộ đang chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp, phân tích, đã phát hiện có dấu hiệu sai phạm và sẽ chuyển thông tin đến cơ quan Công an để xem xét, xử lý theo quy định.

Để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái tại địa phương, Thanh tra Bộ đã kiến nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, tăng cường chỉ đạo nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, thực hiện các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với phòng chống, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe; chấn chỉnh nghiêm sai sót, vi phạm đã được các Đoàn kiểm tra chỉ ra hoặc qua thông tin phản ánh của báo chí, người dân và doanh nghiệp.

Các Sở Giao thông vận tải đã được kiểm tra, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý tương xứng đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến vi phạm, sai sót trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; khẩn trương khắc phục các sai sót trong công tác quản lý, thực hiện của Sở đã được các Đoàn kiểm tra chỉ ra.

Chấn chỉnh công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe trên phạm vi toàn quốc ảnh 4

Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ.

Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh: “Các đơn vị chức năng cần tổ chức rà soát, kiểm tra để làm rõ các dấu hiệu vi phạm của cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe.

Sở Giao thông vận tải các tỉnh Đắk Lắk, Lai Châu, Lào Cai phải xác minh, làm rõ hiện tượng sát hạch viên hỗ trợ thí sinh trong một số thời điểm tại một số kỳ sát hạch lý thuyết hạng A1.

Sở Giao thông vận tải Bình Định cũng được yêu cầu làm rõ việc cho nhiều thí sinh sát hạch lại thực hành lái xe ô-tô trong một số kỳ sát hạch để xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền. Trường hợp có dấu hiệu tiêu cực phải chủ động chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định”.

Bộ cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện, báo cáo về Bộ trước ngày 30/5 tới đây.

Đến nay, thông qua công tác kiểm tra, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã chuyển thông tin 2 cơ sở đào tạo lái xe nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan công an địa phương để xác minh, làm rõ, xử lý theo đúng thẩm quyền quy định.