Chăm sóc sức khỏe người dân vùng bão, lũ

Sau bão Yagi (bão số 3); nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn nhiều tỉnh phía bắc, nhất là các địa phương bị lũ, lụt gây thiệt hại nặng như: Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang… gặp nhiều khó khăn. Bộ Y tế và các bệnh viện đầu ngành đã, đang có những hỗ trợ kịp thời và thiết thực cho các địa phương.
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai tặng quà cho ngành y tế Lào Cai chiều 21/9/2024.
Đoàn công tác của Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai tặng quà cho ngành y tế Lào Cai chiều 21/9/2024.

Sau bão, lũ, Bộ Y tế đã cử nhiều đoàn công tác đến các địa phương để đánh giá thiệt hại, công tác ứng phó và có phương án hỗ trợ phù hợp.

Đến nay, Bộ Y tế xuất cấp về các địa phương 13 tấn hóa chất khử khuẩn môi trường (Chloramin B), 1,2 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs; tiếp tục đề xuất Chính phủ xuất cấp 1,76 triệu viên hóa chất khử khuẩn nước Aquatabs; đề nghị UNICEF hỗ trợ hệ thống trữ nước và bình lọc, xà-phòng, dung dịch sát khuẩn cho hộ gia đình, trường học, trạm y tế của 10 xã thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái…

Hiện nay, các đơn vị chuyên môn đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, cơ sở y tế và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc-tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút; đồng thời lên các phương án phòng chống dịch sau mưa lũ, lưu ý các dịch bệnh sởi, đau mắt đỏ, nước ăn chân, tiêu chảy...

Đến nay, Bộ Y tế xuất cấp về các địa phương 13 tấn hóa chất khử khuẩn môi trường (Chloramin B), 1,2 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs; tiếp tục đề xuất Chính phủ xuất cấp 1,76 triệu viên hóa chất khử khuẩn nước Aquatabs.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ về chuyên môn đối với các địa phương trong vùng chịu ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt, từ việc cứu chữa các nạn nhân đến giúp khôi phục hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế vùng lũ, vùng sâu, vùng xa chịu ảnh hưởng của bão, lũ.

Bộ Y tế cũng phối hợp các địa phương xây dựng phương án phòng chống dịch sau mưa lũ, lưu ý các dịch bệnh sởi, đau mắt đỏ, nước ăn chân, tiêu chảy...; tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, bảo đảm nồng độ clo dư theo quy định.

Để kịp thời hỗ trợ các địa phương trong, sau bão, lũ, các bệnh viện tuyến trung ương có nhiều hình thức hỗ trợ các bệnh viện trong vùng lũ. Theo đó, các bệnh viện duy trì kết nối liên tục 24/24 giờ với các đầu cầu tại các cơ sở y tế trong vùng bị ảnh hưởng bão, lũ, tư vấn khám, chữa, bệnh từ xa cho các nạn nhân bị tai nạn, thương tích; trực tiếp tham gia phân loại, chẩn đoán và điều trị cũng như sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp nặng, vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới.

Nhiều bệnh viện tuyến trên đã thành lập đội ứng phó, đội cấp cứu lưu động ngoại viện để sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới, cơ sở y tế lân cận hoặc các địa điểm có nạn nhân của bão.

Ngay sau lũ, các bệnh viện tuyến đầu cũng đang có những hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở y tế vùng lũ. Đoàn chuyên gia gồm các y, bác sĩ đầu ngành thuộc các chuyên khoa: Chấn thương, Thần kinh, Hồi sức… của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã lên hỗ trợ kịp thời cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai và bệnh viện hai huyện Bảo Yên, Bảo Thắng.

Đội ngũ này đã phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế ba bệnh viện nêu trên giúp phân loại tổn thương, xử lý những ca bệnh khó, đồng thời cấp cứu, hội chẩn, thăm khám và động viên người bệnh. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến dưới trong thời gian tới.

Bệnh viện Bạch Mai cử ba đoàn công tác lên hỗ trợ ngành y tế các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai. Tham gia các đoàn công tác đều là những chuyên gia đầu ngành cùng đầy đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế, trực tiếp khám bệnh miễn phí cho hàng trăm lượt người dân ảnh hưởng bởi bão, lũ.

PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, ngay sau khi có thông tin về những ảnh hưởng của mưa bão, lũ quét, bệnh viện đã nhanh chóng thống nhất các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người dân và cơ sở y tế bị ảnh hưởng của bão, lũ. Sau bão, lũ, các bệnh như đau mắt đỏ, bệnh ngoài da, bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp… cũng như nhiều bệnh dịch khác có nguy cơ xuất hiện, gia tăng... Do đó, ba đoàn y, bác sĩ có kinh nghiệm của bệnh viện đã lên đường đến với các xã khó khăn để trực tiếp khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cho người dân.

Không dừng lại ở đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng quyết định miễn kinh phí đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang với số tiền khoảng 6 tỷ đồng/tỉnh. Lớp đầu tiên về cấp cứu cơ bản cho nhân lực y tế tuyến xã của ba tỉnh sẽ được tổ chức tới đây tại tỉnh Yên Bái. Ngoài mở lớp tại các địa phương,

Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ cử cán bộ y tế về các địa phương, hoặc đón tiếp các thầy thuốc từ ba tỉnh này để đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật. Hình thức đào tạo này sẽ góp phần giúp cán bộ y tế tuyến dưới nâng cao được chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân ngay tại địa phương.

Qua việc ứng phó bão số 3 và lũ lụt sau bão, Bộ Y tế rút ra năm bài học kinh nghiệm: Thứ nhất, vai trò rất quan trọng của ngành y tế theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, trang thiết bị, thuốc men, điều trị); kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong tổ chức các tổ ứng trực với bão lũ, xây dựng các kế hoạch để huy động các nguồn nhân lực tham gia, xây dựng các tổ ứng trực của Trung ương để hỗ trợ địa phương… Thứ hai, phải có các phương án chủ động với mọi tình huống, bao gồm cả tình huống xấu nhất. Thứ ba, đẩy mạnh và nhanh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; triển khai ứng dụng TeleHealth để kịp thời hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới. Thứ tư, điều phối và phối hợp nhịp nhàng giữa các bệnh viện tuyến trung ương và địa phương trong hỗ trợ chuyên môn cũng như tiếp nhận bệnh nhân nặng chuyển lên. Thứ năm, đối với lực lượng y tế, trong thiên tai sẽ là các tình huống xảy ra khác nhau tại các địa phương như ngập úng khu vực đồng bằng, lũ ống, lũ quét, sạt lở ở các địa phương miền núi; tuy nhiên, trong bão, lũ, các bệnh hay gặp vẫn là chấn thương. Vì vậy, việc chuẩn bị từ cơ số thuốc cho đến các dụng cụ phẫu thuật, tiểu phẫu tập trung vào ngoại khoa, cấp cứu là rất quan trọng. Ngoài ra, các cơ sở y tế cũng phải tính đến các tình huống khác nhau để ứng phó kịp thời như: Mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc, phương tiện di chuyển khi nước ngập…