Ngày trước, công cụ cấy lúa phổ biến là nọc cấy, làm bằng gỗ, có một đầu nhọn để chọc lỗ xuống bùn rồi cho cây lúa non vào lỗ. Hoặc nhà nông dùng ngón tay nhấn mạnh xuống mặt ruộng tạo thành cái lỗ, sau đó cắm (vùi) phần gốc mạ non vào lỗ. Mạ non được vùi vào đất bùn của ruộng, đứng vững và bén rễ, sinh trưởng, phát triển cho đến khi thu hoạch.
Cách làm truyền thống nêu trên vẫn còn duy trì tại một số vùng chuyên canh lúa tại Cà Mau. Tuy nhiên, tại vùng lúa-tôm (trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm), nhà nông không làm thế mà dùng tay để ném (đồng nghĩa với quăng, chọi, thảy…) mạ non xuống mặt đất ruộng, khoảng cách trung bình khoảng 20 cm/cây.
Theo nông dân, phương pháp ném lúa vừa nhàn, vừa nhanh, ít bị mỏi lưng và không cần tốn công làm sạch chân mạ. Sau khi nhổ mạ, không nên mang ra ruộng ném liền mà phải giâm mạ từ hai đến ba đêm dưới ruộng cho mạ ra rễ trắng. Mạ ném xuống ruộng còn nguyên cục sình bám ở rễ nên ít chịu ảnh hưởng bởi chân đất mặn, sinh trưởng và phát triển nhanh hơn.
Vùng lúa-tôm Cà Mau khoảng 40.000 ha, trong đó có khoảng 50% diện tích sử dụng phương pháp ném lúa nêu trên, phổ biến là vùng lúa-tôm huyện Thới Bình. Tại vùng chuyên canh này, ném mạ theo cách làm mới của nhà nông chỉ cần rửa mặn 2 lần, thay vì phải rửa mặn 4 lần nếu cấy mạ theo cách cũ. Với phương pháp gieo trồng mới này, nông dân cho biết năng suất trung bình tăng thêm khoảng 1 tấn/ha.
"Ngày trước, một nhà nông trong vùng khom lưng cấy lúa nhiều lần, bị mỏi quá nên cầm mạ non ném đại xuống ruộng. Tuy có phần lười biếng nhưng ruộng lúa ấy tốt hơn những ruộng chung quanh. Thấy vậy, nhà nông trong vùng làm theo hơn chục năm qua" - ông Nguyễn Văn Tươi, nông dân vùng lúa-tôm xã Trí Lực, huyện Thới Bình cho biết.
Phương pháp ném mạ ở vùng lúa-tôm nhanh, gọn hơn cấy mạ kiểu truyền thống, năng suất tăng thêm khoảng 1 tấn/ha. |
Phương pháp ném mạ ở vùng lúa-tôm nhanh, gọn hơn cấy mạ kiểu truyền thống, năng suất tăng thêm khoảng 1 tấn/ha. |
Vùng chuyên canh lúa-tôm tỉnh Cà Mau khoảng 40.000 ha thì khoảng 50% thực hiện phương pháp ném mạ trong mùa vụ gieo trồng. |