Không chỉ là nghề thủ công, làm lò đất còn là một phần quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng ông Táo của người miền Tây. Chiếc lò đất là dụng cụ nấu ăn nhưng cũng là cầu nối giữa thế giới vật chất và tâm linh, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống qua nhiều thế hệ.
![]() |
Lò đất được phơi 3-4 ngày trước khi cho vào nung. |
Lò đất Phú Tân làm bằng loại đất sét được chọn lọc kỹ càng, khai thác từ các khu vực gần sông. Bàn tay khéo léo của người thợ tạo ra những chiếc lò đất với các công đoạn từ nặn đất, tạo hình khuôn cho đến nung trong lửa. Nghề này không chỉ vất vả mà còn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và đam mê.
Mặc dù công nghệ hiện đại và các vật liệu mới đã xuất hiện, nhưng người dân Phú Tân vẫn kiên trì bảo tồn phương thức làm thủ công. Trong khi một số ngành nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thì nghề làm lò đất vẫn đứng vững nhờ sự tâm huyết của người thợ.
![]() |
Công đoạn hoàn thiện chiếc lò đất. |
Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, phong tục cúng ông Táo lại càng trở nên gắn bó với nghề làm lò đất. Người dân miền Tây chuẩn bị mâm cúng với những lễ vật truyền thống như bánh tét, cơm chiên, và đặc biệt là một chiếc lò đất nhỏ, tượng trưng cho việc tiễn ông Táo về trời và cầu mong bình an.
![]() |
Chiếc lò đất là vật dụng không thể thiếu trong lễ cúng ông Táo của người miền Tây. |
Nghề làm lò đất ở Phú Tân đã có hơn một thế kỷ, tuy nhiên hiện nay chỉ còn khoảng 36 hộ gia đình làm. Dù ít ỏi, nhưng những người thợ vẫn kiên trì giữ gìn để nghề không bị mai một theo thời gian.