Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò vừa cho ra mắt trưng bày chuyên đề “Bàng ơi...!”.
Bàng là loài cây quen thuộc, có mặt ở hầu khắp các con phố, đường làng khắp mọi miền Tổ quốc, cây bàng gắn bó với bao người dân Việt Nam. Song, với rất nhiều chiến sĩ cách mạng, cây bàng không chỉ là loài cây thân thuộc, mà còn là bầu bạn, cây bàng cung cấp thuốc chữa bệnh, cung cấp các vật dụng hằng ngày, cây bàng gắn bó, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh chiến đấu trong gian khổ.
Trưng bày được chia làm 2 phần: “Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò” và “Bàng ơi...!”.
Trong đó, phần 1 với chủ đề “Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò” giúp công chúng hiểu hơn về những cây bàng tại di tích này, qua đó, bừng sáng tinh thần đấu tranh cách mạng của các chiến sĩ trong lao tù.
Nhà tù Hỏa Lò là nơi thực dân Pháp từng giam cầm nhiều chí sĩ yêu nước, chiến sĩ cách mạng. Trước năm 1930, những tù nhân phải lao dịch ở tòa án, đã xin được trồng một cây bàng để lấy bóng mát. Thấy có lợi, giám ngục cho trồng thêm những cây bàng tại các khu sân trại. Theo thời gian, bàng lớn lên, gắn bó thân thiết và hữu ích với nhiều thế hệ tù chính trị Hỏa Lò.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò hút khách bằng tua du lịch đêm
Qua những hình ảnh, tư liệu, Ban tổ chức đã giới thiệu đến công chúng nhiều câu chuyện đặc biệt về những cây bàng nơi đây. Gốc bàng là nơi đặt hòm thư mật của tù nhân. Gốc cây bàng ở sân trại nữ còn là “sân bay” của những chuyến hàng (đồ tiếp tế, bánh, kẹo, thuốc lào…) từ bên ngoài đáp vào.
Tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi được ra sân, ngồi trao đổi, trò chuyện quanh gốc bàng, tù chính trị đã bàn bạc việc thành lập chi bộ, hình thành các tổ chức quần chúng, đề ra các phương án, kế hoạch đấu tranh trong Nhà tù Hỏa Lò.
Cành bàng rụng xuống, được gọt đã trở thành tẩu thuốc, quản bút, đũa ăn cơm, nhạc cụ.
Tù chính trị còn dùng vỏ bàng để sắc nước uống, chữa bệnh đường ruột rất hiệu quả.
Các phần thông tin giới thiệu về cây bàng được thiết kế ấn tượng, hấp dẫn. |
Lá bàng là nguồn dược liệu quý. Mỗi khi được ra sân, tù chính trị thường tìm cách hái vội những búp bàng non hay lá bàng bánh tẻ, lén giấu trong người, ngậm trong miệng để đem về phòng giam, chia cho bạn tù. Quả bàng được nhặt về, chia cho những người bị đau ốm…
Phần trưng bày “Bàng ơi…!” giới thiệu về những cây bàng ở nhiều địa chỉ đặc biệt khác, trong có những câu chuyện về cây bàng gắn liền với những người Cộng sản tại Nhà tù Côn Đảo, cây bàng vuông ở đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu, trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… và nhiều câu chuyện thú vị khác.
Tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, không chỉ chăm sóc những cây bàng từng gắn bó với các chiến sĩ cách mạng để giới thiệu tới công chúng, những năm gần đây, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo từ cây bàng, mang thông điệp giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, giàu tính nhân văn và chỉ riêng có tại di tích Hỏa Lò như: trà bàng lá nếp, bánh lá bàng, thạch bàng, trà sữa thạch bàng... Với nguồn cảm hứng từ bàng, cán bộ đơn vị còn sáng tạo ra khung ảnh lá bàng in hình cổng chính Nhà tù Hỏa Lò; những lá bàng in thơ do các chiến sĩ cách mạng sáng tác…
Trưng bày “Bàng ơi…!” được thiết kế theo bảng màu chủ đạo với sắc xanh-vàng, lấy cảm hứng từ những gam màu của lá bàng. Pano trưng bày được thiết kế sáng tạo bằng những hình tròn với phần giao thoa tạo thành hình chiếc lá. Điểm nhấn trong trưng bày là những cây bàng được minh họa theo sắc bàng bốn mùa trong năm: mùa xuân mơn mởn, mùa hè xanh mát, mùa thu ngả vàng, mùa đông chuyển đỏ. Trong trưng bày còn có không gian mô tả cây bàng 3D, nơi giới thiệu các sản phẩm lưu niệm về bàng tại Hỏa Lò, tạo nên một điểm nhấn thu hút.
Mang chủ đề về một loài cây quen thuộc, nhưng nội dung trưng bày lại kể những câu chuyện xúc động, giàu ý nghĩa về tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trong chốn lao tù, qua đó, để lại nhiều bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ.
Trưng bày kéo dài tới ngày 31/12/2024.