Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò: Điểm du lịch khám phá thú vị dịp 2/9
NDO - Đã 77 năm trôi qua, nhưng năm nào cũng vậy cứ đến ngày 2/9, dường như người dân đất Việt ở bất cứ nơi đâu cũng nhân lên gấp bội niềm tự hào về Tổ quốc thân yêu. Để hiểu rõ hơn truyền thống lịch sử giữ nước qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những ngày này, rất nhiều gia đình, các bạn trẻ cả nước cùng du khách từ mọi miền đất khác nhau đã chọn Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò là điểm đến tham quan trong dịp nghỉ lễ.
Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò tại số 1 phố Hỏa Lò (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) do thực dân Pháp xây dựng năm 1896, có quy mô lớn và kiên cố vào loại bậc nhất ở Đông Dương lấy tên là “Nhà tù Trung ương”, từng là nơi thực dân Pháp giam cầm hàng vạn chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam
Năm 1997, Nhà tù Hỏa Lò được công nhận là di tích lịch sử, trở thành “Địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của Thủ đô; nơi thu hút đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập.
Hòa bình lập lại, "phần lõi" của Nhà tù Hỏa Lò được bảo tồn, tôn tạo thành di tích lịch sử văn hóa. Trên diện tích hơn 2,3 nghìn mét vuông, Di tích Nhà tù Hỏa Lò hiện trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật quý, giới thiệu về quá trình hình thành nhà tù, về cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng bị bắt giam tại đây
Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò thu hút đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan vào những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9
Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò trong những ngày nghỉ lễ được các bạn trẻ Thủ đô đặc biệt quan tâm đến tham quan và nghiên cứu.
Khi du khách tham quan tại các địa điểm trên sẽ được cấp chiếc máy thuyết minh kèm theo bản chỉ dẫn các di tích, hiện vật trên từng mã số. Du khách muốn tìm hiểu lịch sử về hiện vật hay di tích nào thì bấm vào mã số, máy sẽ tự động thuyết minh. Thiết bị này được nối vào tai nghe tạo thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa, con người, mảnh đất, hiện vật… và những câu chuyện liên quan.
Mô hình toàn cảnh Nhà tù Hỏa Lò giúp người xem hình dung rõ nét về kết cấu nhà tù.
Không gian tĩnh lặng, trầm mặc, vắng vẻ tại Nhà tù Hỏa Lò cũng là lựa chọn khá thú vị so với du lịch tại những điểm đông người.
Nơi đây trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh tư liệu quý.
Hình ảnh nhiều nhà lãnh đạo yêu nước và cách mạng Việt Nam bị thực dân Pháp giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò, tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng… và năm đồng chí Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ gồm: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười.
Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày tại Nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội (giai đoạn 1930-1954).
Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò cũng thu hút nhiều du khách nước ngoài.
Du khách quốc tế đặc biệt quan tâm về các tư liệu, hình ảnh của những người phi công Mỹ bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò giai đoạn từ năm 1964 đến năm 1973.
Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp trang bị hết sức tối tân với các công cụ dùng cho các hình phạt nặng nề và hiểm độc nhất với tù nhân, đặc biệt các tù nhân là những chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam; áp dụng một chế độ nhà tù hà khắc, dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn, khiến nhiều nhà cách mạng đã phải hy sinh, nhưng ý chí cách mạng và tinh thần yêu nước không hề khuất phục.
Mô hình tái hiện hình ảnh các chiến sỹ cách mạng trong lao tù tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Không gian trưng bày "Cung trầm tháng 7" kể lại những câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ cách mạng yêu nước khi bị địch bắt giam trong ngục Hỏa Lò.
Nhiều người trẻ tới tham quan di tích để hiểu hơn về ý chí cách mạng của các thế hệ cha anh và tinh thần đoàn kết của dân tộc.
Ngày nay, địa danh này đã trở thành điểm tham quan mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp vào những thập niên cuối của thế kỷ 19, cũng như ý nghĩa văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt.
Các bạn trẻ có thể đứng trên "Chòi canh" của Nhà tù để nhìn ra phố Lý Thường Kiệt - Hỏa Lò.
Trong khuôn viên di tích, còn có đài tưởng niệm để khắc tạc hình ảnh lao tù khổ ải và tưởng nhớ các chiến sĩ, nhà cách mạng đã hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò. Đây cũng là nơi người dân thường đến dâng hương bày tỏ lòng biết ơn với những người đã chiến đấu và hy vinh vì sự nghiệp của dân tộc.