Hiệu quả mang lại của mô hình canh tác lúa thông minh là nhờ áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu gom rơm. Vì thế, mô hình này còn được đánh giá là cánh đồng “không dấu chân người”.
Cánh đồng “không dấu chân người”
Vụ lúa đông xuân 2023-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty cổ phần phân bón Bình Ðiền thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh, tổ chức tại hai xã là Vị Trung và Vị Bình của huyện Vị Thủy, với diện tích khoảng 10 ha. Mô hình này là sự tiếp nối để nhân rộng tiến bộ kỹ thuật về quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Ðồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Hậu Giang”. Ông Ðỗ Thanh Hiền, người có bốn công lúa giống Ðài thơm 8, tham gia mô hình ở xã Vị Bình cho biết: “Thực hiện mô hình này, chi phí đầu vào cái gì cũng giảm từ 20% trở lên. Hơn nữa, nông dân khỏe lắm, không phải “chân lấm tay bùn” như trước, mà tất cả được áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc, thu hoạch và xử lý rơm rạ. Vì thế, đây được gọi là cánh đồng không dấu chân người”.
Theo kết quả đánh giá mô hình, nông dân chỉ gieo sạ với lượng lúa giống 60 kg/ha, thấp hơn 30 kg/ha so với ngoài mô hình; chi phí đầu tư ở hai mô hình từ 19,2-22 triệu đồng/ha, giảm so với ngoài mô hình từ gần 1,5 triệu đồng/ha đến hơn 2,8 triệu đồng/ha. Năng suất lúa tươi tại mô hình ở xã Vị Trung đạt 9,9 tấn/ha; ở xã Vị Bình đạt 8,9 tấn/ha, tăng từ 100-200 kg/ha so với ruộng ngoài mô hình. Lợi nhuận nông dân thu được tại mô hình xã Vị Trung là gần 65 triệu đồng/ha, còn xã Vị Bình đạt gần 52 triệu đồng/ha, tăng gần 1,5 đến 4,6 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình. Ngoài ra, mô hình còn ghi nhận các chỉ số phân tích về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đạt ngưỡng an toàn, bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng cao, nhất là thị trường xuất khẩu.
Theo ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, mô hình này có sự liên kết “bốn nhà”. Người dân được tập huấn, hướng dẫn ứng dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật canh tác, đến khâu đầu ra cũng có doanh nghiệp bao tiêu. Lợi ích của mô hình mang lại ngoài kinh tế còn cho thấy giảm phát thải khí nhà kính. Với giá lúa biến động như thời gian gần đây cho thấy, vai trò của mô hình liên kết hợp tác, từ đầu vào đến đầu ra sẽ hiệu quả hơn so với bà con canh tác nhỏ lẻ.
Mới đây, tại hội thảo tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2023-2024 và triển khai kế hoạch thực hiện Ðề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Hậu Giang, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường đại học Cần Thơ đánh giá: Từ năm 2016 đến nay, qua thực hiện nhiều mô hình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân và hè thu cho thấy, ưu điểm của mô hình là quy trình canh tác “mở theo từng lúc, từng nơi”, luôn cập nhật các tiến bộ khoa học-kỹ thuật và phù hợp vùng sinh thái và thị trường. Mô hình ngoài giúp tăng năng suất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, còn phát thải khí nhà kính thấp. Bởi quy trình canh tác có biện pháp xử lý rơm rạ bằng vi sinh vật, giúp phân hủy trong điều kiện thông thoáng hơn để giảm khí mê-tan. Mặt khác, việc áp dụng biện pháp tưới ngập khô xen kẽ, hoặc khó hơn thì rút nước giữa vụ cũng giúp giảm phát thải khí mê-tan. Bên cạnh đó, việc giảm lượng đạm sử dụng từ 30-50kg/ha, giúp giảm lượng khí N20 bay lên, từ đó, phát thải khí nhà kính cũng thấp. Do đó, từ kết quả đạt được ở các tỉnh, có thể áp dụng quy trình canh tác này vào trong Ðề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long.
Nền tảng để thực hiện Đề án lớn
Theo đồng chí Ngô Minh Long, Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang: Diện tích lúa gieo trồng hằng năm của tỉnh hơn 177.000 ha lúa, sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn; riêng vụ lúa đông xuân, tỉnh có khoảng hơn 74.000 ha với sản lượng gần 600 nghìn tấn. Thông qua công tác tuyên truyền và triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án đã giúp nông dân thay đổi đáng kể, từ tư duy đến tập quán canh tác. Tỷ lệ gieo sạ giống xác nhận và lúa chất lượng cao đạt hơn 90%; ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến như “ba giảm, ba tăng”, “một phải, năm giảm”, quản lý dịch bệnh tổng hợp, IPM, MRL, canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP,... Nhiều nông dân, hợp tác xã đã ứng dụng cơ giới hóa và các công nghệ thông minh trong sản xuất lúa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Giá thành sản xuất lúa của nông dân Hậu Giang thuộc nhóm các tỉnh có giá thành sản xuất lúa thấp nhất vùng Ðồng bằng sông Cửu Long (giá thành sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 là 3.441 đồng/kg, thấp thứ hai trong vùng). Cùng với hiệu quả dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) và mô hình canh tác lúa thông minh sẽ là nền tảng để Hậu Giang tổ chức tham gia thực hiện tốt Ðề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long” tại địa phương.
Theo Kế hoạch thực hiện “Ðề án phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long” tại Hậu Giang, giai đoạn 1 (2024-2025): Tỉnh tập trung vào củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT) là 28.000 ha; giai đoạn 2 (2026-2030): Xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 18.000 ha để đạt 46.000 ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Vùng chuyên canh này sẽ áp dụng các quy trình canh tác bền vững, nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế (các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26).
Ðồng chí Ngô Minh Long cho biết thêm, tỉnh cũng có thực hiện chính sách ưu tiên cho các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ðối với địa phương, được ưu tiên ngân sách thực hiện chính sách hiện hành; ưu tiên cung cấp các nguồn vốn đầu tư thủy lợi, kinh phí duy tu bảo dưỡng; được hưởng các lợi ích từ việc bán tín chỉ các-bon, được ưu tiên tham gia các dự án từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức liên quan đến sản xuất lúa bền vững. Ðối với hộ trồng lúa trong vùng chuyên canh được tham gia đào tạo, tập huấn. Nông dân giỏi được hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật xây dựng các mô hình thí điểm, tham gia chương trình bảo hiểm; được vay vốn ưu đãi từ các chính sách tín dụng và các chương trình tín dụng xanh; sử dụng hợp đồng liên kết vay không cần có thế chấp tối đa 50 triệu đồng/vụ sản xuất; được tham gia các dự án, được hưởng các lợi ích từ việc bán tín chỉ các-bon; được ưu tiên thu hút vào các hình thức kinh tế hợp tác và hỗ trợ để liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của toàn vùng chuyên canh….