Hậu Giang: Mô hình canh tác lúa thông minh đạt lợi nhuận gần 52-65 triệu đồng/ha

Ngày 13/3, tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2023-2024 và triển khai kế hoạch thực hiện “Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” tại tỉnh Hậu Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); các nhà khoa học, công ty, doanh nghiệp kinh doanh thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất lúa và hơn 200 nông dân, hợp tác xã sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh.

Tại hội thảo, các công ty, nhà khoa học, ngành chuyên môn đã đánh giá kết quả đạt được của mô hình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2023-2024; cùng trao đổi với bà con nông dân về các khía cạnh kinh tế, kỹ thuật cũng như chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm canh tác trong mô hình này để bà con nông dân tiếp cận tốt hơn với những kỹ thuật mới.

Đánh giá kết quả mô hình cho thấy giá thành sản xuất giảm, phát thải thấp, tăng tín chỉ cacbon, lợi nhuận đạt từ gần 52-65 triệu đồng/ha, tăng gần 1,5-4,6 triệu đồng/ha so ruộng ngoài mô hình.

Theo ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, diện tích lúa gieo trồng hằng năm của tỉnh hơn 177 nghìn ha, sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn. Riêng vụ lúa đông xuân, tỉnh có khoảng hơn 74 nghìn ha với sản lượng gần 600 nghìn tấn.

Thông qua công tác tuyên truyền và triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án đã giúp nông dân thay đổi đáng kể từ tư duy đến tập quán canh tác. Tỷ lệ gieo sạ giống xác nhận và lúa chất lượng cao đạt hơn 90%; ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", quản lý dịch bệnh tổng hợp IPM, MRL, canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP,…

Hậu Giang: Mô hình canh tác lúa thông minh đạt lợi nhuận gần 52-65 triệu đồng/ha ảnh 1

Trình diễn máy gặt tuốt liên hợp kết hợp băm rơm rạ.

Nhiều nông dân, hợp tác xã đã ứng dụng cơ giới hóa và các công nghệ thông minh vào sản xuất lúa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Hậu Giang thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có giá thành sản xuất lúa thấp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (giá thành sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 là 3.441 đồng/kg, thấp thứ 2 trong vùng).

Dịp này, ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng đã triển khai định hướng kế hoạch của tỉnh thực hiện “Đề án phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Các cơ quan quản lý, nhà khoa học, các địa phương, bà con nông dân và các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến góp ý, hiến kế giải pháp thực hiện hiệu quả và cùng tham gia với ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang nhằm thực hiện đạt các mục tiêu của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Hậu Giang đạt 28.000 ha.

Đến năm 2030, tỉnh sẽ hình thành 46.000 ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo.

Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Trước đó, các đại biểu đã đến tham quan thực tế mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vụ đông xuân 2023-2024 tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy.

Đồng thời, xem trình diễn máy gặt tuốt liên hợp, máy gặt tuốt liên hợp kết hợp băm rơm rạ, máy bón phân, máy cày vùi để tăng pH và xử lý rơm rạ, máy cuộn rơm.