Lúa đông xuân đầu vụ, nông dân Hậu Giang chịu “thiệt kép”

NDO -

Hiện nay, nông dân Hậu Giang đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, nhưng trong những ngày qua do ảnh hưởng thời tiết làm cho lúa bị đổ ngã, dẫn đến năng suất giảm, phát sinh chi phí tăng, trong khi giá thu mua của thương lái giảm so với cùng kỳ.

Nông dân chịu “thiệt kép” khi lúa bị đổ ngã.
Nông dân chịu “thiệt kép” khi lúa bị đổ ngã.

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xuất hiện vài cơn mưa trái mùa nặng hạt, đồng thời sương mù dày đặc vào sáng sớm, cộng với gió to làm cho không ít diện tích lúa đông xuân đang trong giai đoạn thu hoạch bị đổ ngã. Các địa phương có lúa thu hoạch bị đổ ngã gồm: huyện Châu Thành A, huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh, huyện Phụng Hiệp và huyện Long Mỹ. Do có nhiều diện tích lúa trong giai đoạn thu hoạch bị đổ ngã nên tiến độ cắt lúa trong những ngày qua tương đối chậm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Bền, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy vừa thu hoạch 5 công lúa giống IR 50404, cho biết: “Do toàn bộ diện tích lúa bị sập nằm sát mặt đất nên việc thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn. Máy cắt không thể thu hoạch hết như khi lúa đứng nên năng suất bị giảm đáng kể. Nhiều hộ xung quanh cũng có lúa bị sập nhưng chỉ ở mức loang lổ nên vừa cắt xong năng suất cũng đạt 1,1 tấn/công (một công 1.300m2), tăng 50 kg so với cùng kỳ. Riêng trà lúa của tôi bị sập hoàn toàn nên năng suất chỉ khoảng 1 tấn/công. Phải chi không có những cơn mưa trái mùa này thì bà con đâu chịu thiệt thế này!”

Lúa đông xuân đầu vụ, nông dân Hậu Giang chịu “thiệt kép” -0
Giá thuê máy cắt lúa tăng vì lúa bị đổ ngã 

Ngoài việc lúa bị đổ ngã làm cho năng suất giảm, theo ông Bền, tiền thuê máy cắt lúa cũng tăng lên. Tùy theo mức độ lúa bị đổ ngã mà giá thuê máy cắt hiện đang dao động từ 320.000-350.000 đồng/công, trong khi lúa đứng thì mức giá thuê máy cắt chỉ có 280.000 đồng/công.

Một chủ máy cắt đang thu hoạch lúa cho bà con nông dân ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ rằng: “Nếu trong điều kiện lúa đứng bình thường thì mỗi ngày máy cắt của tôi có thể thu hoạch khoảng 50 công đất. Tuy nhiên, do lúa bị sập khá nhiều, có ruộng sập hoàn toàn, trong khi nền đất trên ruộng bị mềm do mấy cơn mưa trái mùa, nên khi thu hoạch máy cắt thường xuyên bị lún. Vì thế, trong những ngày qua, bình quân mỗi ngày, chiếc máy cắt của tôi chỉ thu hoạch được 20-25 công lúa. Ngoài ra, giá xăng dầu trong thời gian gần đây cũng tăng mạnh, nên buộc lòng máy cắt phải tăng giá thuê”.

Không riêng gì những diện tích lúa đang trong giai đoạn thu hoạch bị đổ ngã, mà theo ghi nhận thực tế thì nhiều diện tích lúa mới đỏ đuôi hoặc còn trên dưới 10 ngày nữa mới cắt cũng bị đổ ngã khá nhiều, có ruộng gần như lúa đã sập hoàn toàn, chủ yếu là giống lúa Đài Thơm 8. Nhiều hộ dân ở phường III, thành phố Vị Thanh cũng đang lo lắng và mong sớm đến ngày cắt lúa để hạn chế thiệt hại vì lúa bị đổ ngã khá nhiều.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, đến nay nông dân trên địa bàn đã thu hoạch được hơn hơn 4.000 ha trong tổng số hơn 76.600 ha lúa Đông xuân đã xuống giống. Qua thống kê chưa đầy đủ, có hơn 200 ha lúa bị đổ ngã, với tỷ lệ từ 20-70% trên cùng diện tích, trong đó có những mảnh ruộng lúa bị sập hoàn toàn. Cũng có những diện tích do lúa bị đổ ngã khá lâu kết hợp với sương mù và mưa trái mùa nên hiện hạt lúa đã bắt đầu nảy mầm.

Về giá thu mua lúa của thương lái cũng đang ở mức thấp so với cùng kỳ từ 500-700 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa IR 50404 đang dao động từ 5.400-5.500 đồng/kg, giống lúa Đài Thơm 8 và OM 5451 được thương lái thu mua ở mức 5.700-5.800 đồng/kg; riêng giống lúa RVT ở mức tương đương so với cùng kỳ là 7.000-7.100 đồng/kg. Trong khi đó, theo bà con nông dân, chi phí đầu tư trong vụ lúa đông xuân năm nay đều tăng ở mỗi khâu, đặc biệt là giá phân bón tăng mạnh. Do đầu tư ở mức cao nên bình quân mỗi công lúa bà con bỏ ra chi phí khoảng 3 triệu đồng/công, trong khi cùng kỳ thì mức chỉ dao động từ 2-2,5 triệu đồng/công.

Ông Nguyễn Văn Xuân, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, than rằng: Mới thu hoạch đầu vụ mà bà con phải chịu “thiệt kép”, nào là giá lúa thấp hơn so với cùng kỳ, rồi năng suất giảm do lúa đổ ngã vì thời tiết, làm cho chi phí đầu vào tăng cao, nên lợi nhuận khó đạt mức 3 triệu đồng/công như vụ đông xuân năm trước, mà chỉ đạt khoảng 2 triệu đồng/công.

Đây cũng là một áp lực không nhỏ cho người nông dân khi chuẩn bị tái sản xuất vụ lúa hè thu trong điều kiện các chi phí đầu vào đang ở mức cao, nhất là giá phân bón. Điều mong mỏi của bà con nông dân lúc này là làm sao kiềm giảm được giá vật tư nông nghiệp và có giải pháp tăng giá thu mua lúa từ doanh nghiệp, nhằm giúp bà con an tâm sản xuất.

Đối với những diện tích lúa đang bị đổ ngã hiện nay, nhất là tại các vùng chưa đến ngày cắt lúa thì ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con cố gắng giữ mặt ruộng khô ráo để vừa hạn chế hạt lúa lên mộng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho máy cắt khi vào thu hoạch, hạn chế bị lầy lún, giảm thiểu tối đa thất thoát khi thu hoạch.