HAM LỢI NHUẬN TỪ CHƠI GAME BỊ CHIẾM ĐOẠT 5,6 TỶ ĐỒNG
Một người phụ nữ ở Thanh Hóa bị các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội dẫn dụ chơi game có thưởng. Khi số tiền nạp lên tới 5,6 tỷ đồng thì nhóm lừa đảo 'bốc hơi' không để lại dấu vết.
Theo đó, thông qua mạng xã hội Facebook, chị M nhận được lời kết bạn từ đối tượng có tên tài khoản Quốc Bảo. Ngày 1/6, Bảo gửi chị M link web https://www.aaf2.com/Public.lo... của trang game SANDS, nhờ chị M đăng nhập để chơi cho vui. Người đàn ông trên mạng giới thiệu là nhân viên IT tại Hà Nội nắm được lỗi của hệ thống game, cứ lúc 15-15 giờ 30 phút và 20-20 giờ 30 phút hàng ngày, người chơi cứ nạp tiền vào chơi sẽ thắng lớn.
Dù có nghi ngờ nhưng chị M vẫn bị đánh vào lòng tham có lời nhanh chóng nên đã lập tài khoản chơi thử. Khi chị M nạp 50 triệu đồng lần đầu vào tài khoản 00007936097 có tên CT TNHH CONG NGHE NANG HFM thì ngay lập tức thu được gần 53 triệu đồng.
Thấy cơ hội kiếm tiền dễ, chị M liên tục nạp tiền vào tài khoản của đối tượng mà không biết rằng đã rơi vào bẫy. Khi thấy chị M tin tưởng tuyệt đối, đối tượng lừa đảo thông báo tài khoản của chị M bị sập nên không thể rút tiền ra được. Số tiền mà chị M đã nộp vào lên tới 5,6 tỷ đồng.
Từ vụ việc này, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân tuyệt đối không tin tưởng những đối tượng chưa từng gặp mặt mà chỉ làm quen qua mạng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Không chuyển tiền cho người khác khi không biết rõ thực tế chủ tài khoản đó là ai, ở đâu.
Thường xuyên kiểm tra, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền truy cập riêng tư trên các trang, tài khoản mạng dùng. Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho các đối tượng người lạ khi chưa biết rõ về nhân thân, lai lịch, đại diện pháp nhân của đơn vị nào. Không truy cập vào các trang, đường link, tệp dữ liệu từ các địa chỉ không xác định có nguồn chính thống.
Nếu nghi ngờ hay đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trường hợp trên, hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc cơ quan điều tra để được hỗ trợ và xử lý theo pháp luật.
Cảnh báo thủ đoạn mạo danh nhân viên, công an để lừa đảo tài chính
CHIÊU TRÒ GIẢ MẠO VĂN BẢN TĂNG LƯƠNG HƯU, CẬP NHẬT VssID 4.0
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát cảnh báo việc giả mạo văn bản yêu cầu cập nhật mới ứng dụng VssID 4.0 nhằm đánh cắp thông tin, tài khoản cá nhân, gây thiệt hại tài chính của người dân, ảnh hưởng đến uy tín ngành bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, ngày 19/7/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận được thông tin từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương về việc có một văn bản giả mạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam với số ký hiệu 2133/Bảo hiểm xã hội-CSYT ngày 1/7/2024 được gửi đến 1 trường tiểu học thuộc tỉnh Bình Dương qua email.
Trong văn bản này có nội dung: “Điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP và triển khai bảo hiểm số VssID 4.0. Đồng thời hủy sổ bảo hiểm, thẻ y tế và chuyển đổi số đồng loạt sang ứng dụng VssID 4.0 bằng căn cước công dân gắn chíp.
Theo đó, văn bản giả mạo còn yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện cập nhật mới ứng dụng VssID 4.0 theo đúng quy định của Bộ Lao động. Người dân cần nhanh chóng cập nhật mới ứng dụng VssID 4.0 theo sự hướng dẫn của cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh bằng thiết bị di động cá nhân để bảo đảm được nhận đầy đủ thông tin và đầy đủ các quyền lợi của bảo hiểm xã hội về sau.
Trước thông tin trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định: Văn bản với nội dung nêu trên là giả mạo nhằm thông tin về ứng dụng VssID 4.0 mà đối tượng lừa đảo đã lập trên app nhằm đánh cắp thông tin cá nhân. Tiếp đó, là đánh cắp tài khoản cá nhân, gây thiệt hại về tài chính của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của ngành bảo hiểm xã hội.
Để kịp thời ngăn chặn hành vi có dấu hiệu lừa đảo và xử lý thông tin mạo danh, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước chiêu trò lừa đảo trên, nâng cao nhận thức về các hình thức lừa đảo mới nhất và cách phòng tránh.
Nếu nhận được bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến Bảo hiểm xã hội, hãy liên hệ trực tiếp với cơ quan Bảo hiểm xã hội qua số điện thoại và địa chỉ email chính thức để xác minh thông tin. Tránh nhấp vào liên kết hoặc gọi theo số điện thoại được cung cấp trong các thông báo nghi ngờ.
Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng qua email, tin nhắn, hoặc điện thoại trừ khi bạn đã xác minh chắc chắn đó là nguồn tin đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân khẩn trương và kịp thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị, người lao động trên địa bàn quản lý biết thông tin, hình thức giả mạo văn bản để nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng bảo hiểm xã hội số VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Xuất hiện tin nhắn mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội để nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
CẢNH BÁO HÀNH VI GIẢ MẠO WEBSITE TỔNG CỤC THUẾ
Tổng cục Thuế vừa phát đi cảnh báo việc phát hiện có một website giả mạo.
Website này có tên miền https://tracuutthvt.com/ (có đuôi:.com), lấy giao diện, biểu tượng logo của Tổng cục Thuế và thông tin tín nhiệm mạng NCSC (National Cyber Security Center) của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia khiến người nộp thuế nhầm lẫn.
Tổng cục Thuế khẳng định, website nói trên không nằm trong hệ thống quản lý website của Tổng cục Thuế. Đây là hành vi giả mạo, gây ảnh hưởng tới người nộp thuế.
Tổng cục Thuế đã kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Tổng cục Thuế chỉ có một tên miền duy nhất là: gdt.gov.vn và tên website của Tổng cục Thuế là: https://tracuunnt.gdt.gov.vn.
Đối tượng lừa đảo sử dụng các thủ đoạn tinh vi như giả mạo cơ quan thuế và tự xưng là cán bộ của cơ quan thuế, để hăm dọa, yêu cầu cung cấp thông tin, gửi hình ảnh căn cước công dân để được hỗ trợ hướng dẫn làm thủ tục giảm thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế và phục vụ công tác kiểm tra, hoặc hướng dẫn gửi đường link cài đặt ứng dụng giả mạo để chiếm quyền điều khiển điện thoại và thực hiện hành vi đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng của người nộp thuế.
Đối tượng lừa đảo còn làm giả trang web có giao diện gần giống trang web của cơ quan, doanh nghiệp từ hình ảnh đến nội dung để người dùng nhầm tưởng là trang web của đơn vị cung cấp; giả mạo tin nhắn SMS brand name của Tổng cục Thuế…
Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần trang bị cho bản thân những kỹ năng nhận biết và phòng tránh lừa đảo mạo danh, lừa đảo giả mạo website.
Khi nhận được những đường link lạ, người dùng cần kiểm tra địa chỉ URL, bảo đảm rằng địa chỉ URL của trang web là chính xác và sử dụng giao thức https.
Đồng thời, kiểm tra chứng chỉ bảo mật, xác minh tính chính thống của website, chỉ truy cập các dịch vụ và thông tin của Tổng cục Thuế chỉ qua các kênh chính thức được công nhận. Đừng nhấp vào liên kết hoặc email nghi ngờ mà bạn nhận được.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, mã số thuế, hoặc thông tin tài chính trên các trang web không rõ nguồn gốc. bảo đảm rằng phần mềm diệt virus và trình duyệt của bạn được cập nhật thường xuyên. Sử dụng các công cụ bảo mật để cảnh báo và chặn các trang web giả mạo.
Nếu sập bẫy đối tượng hoặc nghi ngờ bản thân gặp phải trường hợp lừa đảo, người dùng cần báo cáo vụ lừa đảo cho cơ quan công an và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.
Tổng cục Thuế thông báo về việc giả mạo ứng dụng ngành Thuế
MẠO DANH CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH "TRẠNG NGUYÊN TIẾNG VIỆT 2024" NHẰM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian qua, đường dây nóng của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) ghi nhận tình trạng một số trường hợp mạo danh CIC và VTV nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Phụ huynh cần cảnh giác với những thông tin trên, tránh trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nắm bắt được tâm lý của phụ huynh mong muốn cho con tham gia chương trình “Trạng nguyên Tiếng Việt” do VTV tổ chức, các đối tượng lừa đảo đã lập nhóm “hỗ trợ” qua kênh chat Messenger của mạng xã hội Facebook, trong đó có các tài khoản mạo danh là điều phối viên của VTV và “bộ phận hỗ trợ giải ngân” của CIC.
Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo này là đưa ra nhiều hình ảnh được thiết kế tinh vi, các thông tin “nửa đúng, nửa sai” gây nhiễu, khiến nhiều bậc phụ huynh dễ dàng tin tưởng.
Khi nạn nhân đã sập bẫy, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán các khoản tiền như phí tham gia chương trình, phí hệ thống, hoặc các chi phí phát sinh khác.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được tiền, các đối tượng liền đưa ra thông báo do phụ huynh nhập “mã lệnh” sai dẫn đến tình trạng tiền bị treo trên hệ thống, và để được giải ngân thì phải thực hiện chuyển khoản đúng cú pháp, dẫn đến việc phụ huynh tiếp tục chuyển tiền nhiều lần với mong muốn lấy lại được số tiền đã mất trước đó.
Theo ghi nhận, một số phụ huynh đã bị lừa, đặc biệt có trường hợp đã chuyển số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Trước thông tin trên, CIC khẳng định, đây là hành vi mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành động trên là trái pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; đến hình ảnh, uy tín của CIC.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân (CMND, CCCD) cho các bên cung cấp dịch vụ, chỉ chia sẻ thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ đáng tin cậy.
Khi thấy cuộc gọi, tin nhắn xưng là đại diện cơ quan, tổ chức mời gọi, yêu cầu, đe dọa, ép buộc thực hiện việc chuyển tiền hoặc các việc khác thì tuyệt đối không vội tin, không làm theo.
Khi sử dụng các sản phẩm/dịch vụ online, kiểm tra rõ các thông tin về sản phẩm dịch vụ và đơn vị cung cấp thông qua website chính thức của đơn vị và các nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Trong trường hợp sập bẫy đối tượng hoặc nghi ngờ bản thân gặp phải trường hợp lừa đảo, người dùng cần báo cáo vụ lừa đảo cho cơ quan công an và các tổ chức bảo vệ người dùng.
VNeID, Shark Tank, GHTK... bị lợi dụng, mạo danh để lừa đảo
CẢNH GIÁC VỚI CÁC HÌNH THỨC LỪA ĐẢO LIÊN QUAN ĐẾN THẾ VẬN HỘI PARIS 2024
Trong giai đoạn Thế vận hội (Olympic) Paris 2024 đang trong giai đoạn chuẩn bị được bắt đầu, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng hình ảnh của sự kiện này để tạo ra các đoạn video quảng cáo, email, tin nhắn có nội dung sai lệch nhằm tiếp cận, dụ dỗ người dân với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, tổ chức kinh doanh đáng tin cậy (BBB) đã đưa ra lời cảnh báo về các hình thức lừa đảo liên quan tới Thế vận hội. Theo các báo cáo được ghi nhận, tỷ lệ các vụ lừa đảo trực tuyến được gia tăng đáng kể mỗi khi sự kiện bước vào giai đoạn khởi tranh.
Hình thức lừa đảo phổ biến phải kể đến là lừa đảo thông qua giả mạo trang web bán vé. Các đối tượng sẽ tiếp cận người dân thông qua quảng cáo, tin nhắn hoặc email mời gọi mua vé thông qua các trang web được đính kèm.
Thông thường, vé tham gia Thế vận hội được phân phối bởi nhiều bên khác nhau, điều này vô tình tạo thuận lợi cho các đối tượng tạo ra các trang web giả mạo.
Bên cạnh đó, vé tham gia cũng có thể được rao bán thông qua các group chợ đen trên mạng xã hội, lợi dụng sự cả tin của người mua, các đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền cọc, sau đó chặn và cắt đứt liên lạc.
Người dân cũng được khuyến cáo đề cao cảnh giác khi nhận được các tin nhắn, email tuyển nhân viên làm việc trong thời gian Thế vận hội diễn ra. Theo BBB, phía ban tổ chức sự kiện cho biết hiện tại họ không có bất cứ nhu cầu hay hoạt động nào liên quan tới việc tuyển thêm nhân viên.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước các tin nhắn, email có chứa đựng các nội dung liên quan tới sự kiện Thế vận hội Paris 2024.
Tuyệt đối không bấm vào các quảng cáo hoặc đường link được đính kèm. Nếu có nhu cầu mua vé và các ấn phẩm liên quan, người dân chỉ nên truy cập vào đường dẫn chính chủ.
CẢNH GIÁC VỚI HÌNH THỨC ĐÓNG PHÍ PHẠT ĐỖ XE NHẰM CHIẾM ĐOẠT THÔNG TIN CÁ NHÂN
Mới đây, người dân Chicago (Mỹ) đã trình báo về việc họ nhận được các tin nhắn với nội dung yêu cầu đóng phí do đỗ xe sai quy định. Những tin nhắn này thường được đính kèm đường dẫn tới trang web giả mạo, yêu cầu người truy cập cung cấp các thông tin cá nhân.
Theo Đài truyền hình Fox Chicago, một người đàn ông đã chia sẻ về trải nghiệm của mình khi nhận được tin nhắn lừa đảo. Ông cho biết số điện thoại của tin nhắn có mã vùng là 343, đây là mã vùng của thành phố Ontario thuộc Canada.
Nội dung tin nhắn chứa đựng một đường dẫn với địa chỉ infraction-park.com, giao diện trang web bao gồm biểu tượng của thành phố Chicago. Khi truy cập, trang web yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin như tên, địa chỉ, mã ZIP, năm sinh và thông tin thẻ tín dụng.
Ông Steve Bernas (thuộc Chicago Better Business Bureau) cho biết thông tin cá nhân là những dữ liệu vô cùng quan trọng để các đối tượng sử dụng nhằm thực hiện nhiều hành vi lừa đảo tinh vi.
Ông cũng khuyến cáo đề cao cảnh giác bởi người dân thường có xu hướng chủ quan đối với các vụ việc lừa đảo không liên quan tới tiền bạc, tài sản.
Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cảnh giác trước các tin nhắn yêu cầu đóng các khoản phí nộp phạt trong bất cứ lĩnh vực nào.
Đối với các khoản phí vi phạm hành chính, người dân chỉ nên đóng phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản, tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc người có thẩm quyền thu tiền phạt theo quy định.
Tuyệt đối không thực hiện chuyển khoản cho các đối tượng lạ. Khi nhận được tin nhắn yêu cầu đóng phạt, người dân nên bình tĩnh xác minh lại với các cơ quan, đơn vị nhà nước có thẩm quyền thông qua số điện thoại hoặc cổng thông tin chính thống.