Cảnh giác với chương trình giảm giá, khuyến mại ảo

Nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nhất là vào dịp cuối năm, đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm giá rẻ, tuy nhiên, không ít doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh đã lợi dụng cơ hội này để tiêu thụ hàng hàng kém chất lượng. Thực tế này đòi hỏi lực lượng chức năng cần làm tốt công tác giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động khuyến mại, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hệ thống bán lẻ tổ chức chương trình giảm giá để thu hút khách hàng dịp cuối năm. (Ảnh Hoài Nam)
Nhiều hệ thống bán lẻ tổ chức chương trình giảm giá để thu hút khách hàng dịp cuối năm. (Ảnh Hoài Nam)

Cuối năm là thời điểm các cửa hàng, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh… đua nhau giảm giá sâu để kích cầu, đồng thời giải quyết lượng hàng tồn đọng trong năm. Trọng tâm mùa giảm giá có thể kể tới ngày Black Friday, khuyến mãi dịp Noel, Tết Dương lịch..., người dân mua sắm với giá ưu đãi. Nhiều phương thức được tung ra nhằm thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Những banner “Sale 50-70% tất cả mặt hàng”, “Mua 1 tặng 1, mua 2 trả tiền 1”, “Khuyến mại khủng cuối năm giảm 30-50% giá trị mặt hàng” xuất hiện ở khắp các cửa hàng điện tử, đồ gia dụng cho đến thực phẩm, thời trang... cũng như trên các website quảng cáo. Chưa cần biết hàng hóa đó xuất xứ từ đâu, giá cả thị trường như thế nào, chỉ cần được dán mác “Sale off”, “giảm giá” là các cửa hàng truyền thống đến online đã thu hút được rất nhiều khách hàng.

Tuy nhiên, khi tiếp cận các chương trình giảm giá, khuyến mại, nhiều người tiêu dùng khá bất ngờ vì dù đã khuyến mại, giảm giá nhưng nhiều sản phẩm vẫn đắt hơn hoặc ngang bằng sản phẩm cùng loại tại các cửa hàng khác. Trong khi đó, nắm bắt được tâm lý chung của người tiêu dùng là mong đợi dịp khuyến mại cuối năm để “săn” đồ giảm giá, nhiều cửa hàng lợi dụng dịp này để xả hàng tồn kho, hàng lỗi mốt, thậm chí hàng giả, hàng nhái, khiến không ít người tiêu dùng ôm “trái đắng”.

Anh Nguyễn Quang, ở phố Lạch Tray (Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết, khi một siêu thị trên đường Lê Hồng Phong quảng cáo giảm giá 45% cho máy giặt, anh vội đến mua thì được nhân viên trả lời: “Cửa hàng chưa bao giờ có khuyến mại như thế…”. Anh Quang chìa tờ quảng cáo ra, lại nhận được câu: “Đấy là tờ rơi của cả hệ thống, chắc là áp dụng ở nơi khác chú ạ”. Tiếp tục đi một vòng các trung tâm khác trong hệ thống, mới thấy những mặt hàng được rao khuyến mại “khủng” thì hoặc đã hết, hoặc là hàng lỗi.

Phần lớn các chương trình khuyến mại ở các siêu thị uy tín đều hướng đến khách hàng, với những lợi ích rất rõ. Nhưng bên cạnh đó một số siêu thị còn có biểu hiện trà trộn hàng tiêu chuẩn bán lẫn với hàng tồn kho, nếu khách hàng không để ý, trót mua phải loại này, không những giá vẫn “ngất ngưởng” mà còn bị mất cả cơ chế bảo hành, vì là hàng thanh lý. Trong khi đó, hầu hết trên các tuyến đường của thành phố, không khó nhận thấy những nội dung quảng bá giảm giá khuyến mại khủng, có nơi giảm tới 70% cho một sản phẩm, những nội dung này được treo có khi kéo dài hàng năm. Mặc dù trong điều kiện tiêu thụ khó khăn, việc áp dụng nhiều phương thức khuyến mại là điều dễ hiểu; nhưng rõ ràng, sự thiếu minh bạch sẽ đem lại tâm lý khó chịu, hơn nữa vi phạm quy định của pháp luật về thương mại.

Cùng chia sẻ về các chương trình khuyến mại dịp cuối năm, anh Trần Văn, ở phường Hàng Bông (Hà Nội) cho hay, hưởng ứng chương trình khuyến mại, kích cầu mua sắm cuối năm, rất nhiều cửa hàng từ thời trang, đến điện máy, đồ gia dụng, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu.

Tuy nhiên, một chiêu các cửa hàng thường áp dụng là đẩy giá lên cao rồi gắn mác giảm giá để câu khách. Trong khi đó, người mua thường bị cuốn vào chiêu quảng cáo: Số lượng có hạn, sale sập sàn... mà quên đi giá trị thực và chất lượng sản phẩm. Nhiều cửa hàng treo băng-rôn, áp-phích bắt mắt, dòng chữ “sale off 70%”, “giá chỉ từ 99 nghìn đồng”… nhưng khi vào trong mới biết hàng khuyến mại chỉ có rất ít, thậm chí là những sản phẩm tồn kho, lỗi mốt, lẻ size, thậm chí chất lượng kém. Thực tế, trên đây vẫn là những chiêu trò khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng đã diễn ra trong nhiều năm qua tại hầu hết các tỉnh, thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Theo Nghị định số 81/2018/NĐ-CP, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Chương trình triển khai kế hoạch khuyến mại tập trung năm 2025 và các chương trình khuyến mại thường niên được xem là giải pháp để kích thích sức mua là động thái hết sức tích cực nhằm kích cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, để các chương trình này đi vào thực chất, các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm, tăng cường hơn nữa kiểm tra, kiểm soát để đem lại niềm tin cho người tiêu dùng. Quan trọng hơn là làm lành mạnh môi trường cạnh tranh, nhất là tại các mô hình thương mại hiện đại. Người tiêu dùng trước khi mua hàng, dù trực tiếp hay trực tuyến cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình khuyến mại, thông tin doanh nghiệp, thông tin sản phẩm để tự bảo vệ quyền lợi của mình.