Nhiều công trình xây dựng, tòa nhà, biệt thự trị giá hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng mọc trái phép trên đất do Nhà nước quản lý, hoặc được cấp phép nhưng xây dựng vượt quy định gần trụ sở cơ quan nhà nước vẫn không được nhắc nhở, xử lý ngay từ đầu. Vì thế, việc khắc phục hậu quả hết sức khó khăn và phức tạp.
Có dấu hiệu buông lỏng
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, dù đã hơn 100 ngày kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc, công trình tòa nhà 12 tầng ở xã Dương Tơ vẫn ngang nhiên tồn tại. Trước đó, cuối tháng 5/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc ra quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả đối với công trình này.
Cụ thể, buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ công trình xây dựng tòa nhà 12 tầng không đúng quy hoạch được duyệt với diện tích 2.746m2; đồng thời khôi phục lại hiện trạng ban đầu diện tích đất 473m2 do tự ý chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn. Thời gian thực hiện 90 ngày, kể từ ngày nhận quyết định.
Như Báo Nhân Dân đã thông tin, công trình tòa nhà 12 tầng ở xã Dương Tơ được xây dựng sáu tầng từ trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh, nhà đầu tư lại tiếp tục xây thêm sáu tầng, đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện và buộc dừng thi công thì công trình đã xây được 12 tầng, mặc dù chỉ được cấp phép sáu tầng.
Điều đáng nói là công trình xây dựng cách trụ sở Ủy ban nhân dân xã Dương Tơ chỉ khoảng 1 km. Tháng 8/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc ban hành quyết định xử phạt 61,5 triệu đồng đối với chủ đầu tư. Sau đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc khẩn trương xử lý dứt điểm; đồng thời giao trách nhiệm cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc giải quyết theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang nếu để kéo dài làm phát sinh hậu quả phức tạp. Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc, đến nay chủ đầu tư đã chấp nhận nộp phạt tiền nhưng chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Cũng tại xã Dương Tơ, trong khu 79 căn biệt thự xây dựng trái phép, gần một năm sau ngày phát hiện sai phạm, ngành chức năng ra các quyết định cưỡng chế, đến nay mới chỉ có 16 căn biệt thự được tháo dỡ, cùng với 5 căn do chủ đầu tư tự nguyện tháo dỡ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu biệt thự được xây dựng khang trang trên diện tích rộng gần 19 ha do Nhà nước quản lý, mỗi căn có diện tích dao động từ 400m2 đến 1.000m2, trị giá (gồm đất, chi phí xây dựng, vật dụng trong nhà) khoảng 5 đến 6 tỷ đồng. “Nhiều căn biệt thự xây dựng trái phép đồ sộ và kéo dài như vậy nên đáng lẽ cán bộ địa chính-xây dựng, lãnh đạo xã và thành phố Phú Quốc phải sớm phát hiện, ngăn chặn. Việc khắc phục giờ đây rất khó, tốn kém chi phí”, ông L.P.A, một người dân ở xã Dương Tơ nói.
Trong khi đó, tại xã Hàm Ninh, thành phố Phú Quốc, người dân bức xúc về việc nhiều căn bungalow mọc lên trong Khu bảo tồn biển ở ấp Cây Sao. Thời gian qua, mặc dù chính quyền địa phương đã cưỡng chế tháo dỡ 14 căn bungalow (tính từ ngày 31/10/2022 đến 20/3/2023), thế nhưng hiện vẫn còn 9 căn chưa được tháo dỡ và nơi đây vẫn tiếp nhận khách đến nghỉ dưỡng dài ngày.
Trước đây, khu vực ấp Cây Sao có hơn sáu cơ sở xây công trình bungalow trên biển, mỗi cơ sở xây dựng từ 6 đến 10 căn. Theo lý giải của chính quyền địa phương, đây là công trình thuộc diện cưỡng chế, tuy nhiên chủ những căn bungalow này đã kiện ra tòa với lý do chủ thể vi phạm mà chính quyền đã lập biên bản trước đó không đúng. Để cưỡng chế được, chính quyền thành phố Phú Quốc phải đợi bản án cuối cùng của tòa mới xử lý dứt điểm các công trình vi phạm.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành ký Thông báo Kết luận số 125/TB-UBND, ngày 11/4/2023, về việc thanh tra trách nhiệm việc quản lý, xử lý các vi phạm về đất đai, đất rừng, trật tự xây dựng tại thành phố Phú Quốc.
Từ năm 2018 tới nay, công tác này có biểu hiện buông lỏng, sai phạm nghiêm trọng. Kết luận chỉ ra, ủy ban nhân dân ở tám xã, phường của thành phố chưa kịp thời cập nhật, chỉnh lý thông tin biến động thửa đất, chủ sử dụng, mục đích sử dụng đất thực hiện trên hồ sơ địa chính bản giấy. Riêng Ủy ban nhân dân xã Cửa Cạn có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong xét duyệt nguồn gốc đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 10 hồ sơ xin cấp.
Ủy ban nhân dân các xã, phường An Thới, Cửa Cạn, Gành Dầu, Hàm Ninh, Dương Đông, Dương Tơ thực hiện trách nhiệm quản lý đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn quản lý chưa chặt chẽ, để xảy ra 744 trường hợp chiếm đất, xây dựng nhà ở trái pháp luật, nhưng không có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, trong đó có những khu vực vi phạm phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng…
Ngoài ra, Kết luận thanh tra còn chỉ ra, Vườn quốc gia Phú Quốc không chủ động phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, đo đạc xác định diện tích thực tế đang quản lý để kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp và từ năm 2001 đến 2021, Vườn quốc gia Phú Quốc để xảy ra tình trạng 1.092,73 ha người dân đang sử dụng nhưng không xác định được quá trình sử dụng, diện tích, thời điểm sử dụng đất của từng hộ dân.
Khắc phục hậu quả sai phạm
Liên quan việc để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện về quản lý, sử dụng đất đai, mới đây Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang đã xem xét, quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách các ông: Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc; Trần Chiến Thắng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và ông Trương Thành Tấn, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố.
Để khắc phục các sai phạm nêu trong Kết luận số 125/TB-UBND, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật 10 hồ sơ xét duyệt nguồn gốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tại xã Cửa Cạn, ba vụ việc sai phạm nghiêm trọng trong quản lý nhà nước về đất đai để bao chiếm, xây dựng nhà trái phép trên đất Nhà nước quản lý, xây dựng trái phép trên đất rừng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Tại cuộc họp báo thực hiện cưỡng chế 14 căn biệt thự trong khu 79 căn biệt thự xây dựng trái phép ngày 18/9/2023, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn tất thủ tục để cưỡng chế các căn còn lại, quyết tâm thực hiện nghiêm, lập lại kỷ cương trong công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn Phú Quốc.
Quan điểm của tỉnh là cưỡng chế tất cả 79 biệt thự xây dựng không phép, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Tỉnh khuyến khích người bị hại tố giác cá nhân, tổ chức đã lừa gạt mua phải đất công dự án xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp để chính quyền thực hiện thu hồi tiền và tài sản trả lại cho người bị hại.
Liên quan vụ việc 79 căn biệt thự không phép, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố ba bị can: Nguyễn Đạt Nghĩa, Ngô Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Văn Giàu về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đã xác định được ba bị hại. Hiện vụ án đã kết thúc điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang truy tố các bị can nêu trên.