Cần Thơ phát triển vành đai xanh

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lộ Vòng Cung được biết đến là “tuyến lửa”, nơi địch thiết lập đồn bót dày đặc trên toàn tuyến lộ làm vành đai bảo vệ cơ quan đầu não của chúng. Sau 49 năm giải phóng, “vành đai lửa” ngày nào trở thành vành đai xanh của thành phố Cần Thơ với vườn cây trái ngút ngàn, hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm nét đặc trưng của vùng sông nước, miệt vườn.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ khánh thành cầu Vàm Xáng bắc qua sông Cần Thơ trên địa bàn huyện Phong Điền, công trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Lễ khánh thành cầu Vàm Xáng bắc qua sông Cần Thơ trên địa bàn huyện Phong Điền, công trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Lộ Vòng Cung dài hơn 30 km (nay là Đường tỉnh 923), chạy dọc theo sông Cần Thơ như hình cánh cung nên gọi là lộ Vòng Cung. Điểm đầu từ chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng) và điểm cuối kết nối với Quốc lộ 91 trên địa bàn quận Ô Môn, trải dài qua bốn quận, huyện của thành phố Cần Thơ; trong đó, phần lớn lộ Vòng Cung bao trọn địa bàn huyện Phong Điền.

Nằm ven sông Cần Thơ, được bồi đắp từ phù sa sông Hậu cho nên đất đai trên tuyến này rất màu mỡ, thích hợp phát triển kinh tế vườn với nhiều loại trái cây đặc sản. Huyện Phong Điền cũng chỉ cách trung tâm thành phố Cần Thơ hơn 10km, thuận tiện cho giao thông đường thủy và đường bộ, vì vậy rất thuận lợi để phát triển kinh tế vườn kết hợp với phát triển du lịch.

Sau năm 1975, từ vùng đất bị tàn phá bởi chiến tranh, cày xới bởi bom đạn, phát huy truyền thống hào hùng, tiềm năng đất đai, người dân sống ven lộ Vòng Cung tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, đầu tư cải tạo đất, làm thủy lợi, trồng các loại cây ăn trái giá trị kinh tế cao. Từ đó, cuộc sống người dân dần thay đổi, nhiều người khấm khá nhờ làm kinh tế vườn gắn với phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Tấn Quang, chủ vườn trái cây Giáo Dương ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền chia sẻ, vườn trái cây của gia đình được truyền qua nhiều đời, chủ yếu trồng măng cụt, dâu, vú sữa, cam… hằng năm cho thu nhập khá. Sau đó, vườn mở cửa đón khách vào tham quan, thưởng thức trái cây theo mùa để tăng thêm thu nhập. Phần lớn nhà vườn ở Phong Điền đều có cuộc sống ổn định, khá giả nhờ đất đai màu mỡ, gần trung tâm thành phố Cần Thơ cho nên việc tiêu thụ trái cây cũng như thu hút khách du lịch dễ dàng.

Hơn hai năm qua, nhiều nhà vườn ở huyện Phong Điền có thu nhập rất cao nhờ trồng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu. Trong 8.500 ha cây ăn trái đặc sản các loại của Phong Điền, có hơn 3.500 ha sầu riêng, tập trung ở hai xã Tân Thới, Giai Xuân và thị trấn Phong Điền; trong đó, hơn 2.000 ha đang cho trái với sản lượng hằng năm hơn 30.000 tấn, giá trị đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thới 1, cho biết: Xã Tân Thới được quy hoạch phát triển chuyên canh sầu riêng với diện tích hiện đã hơn 1.000 ha. Riêng gần 30 ha sầu riêng của hợp tác xã trồng theo tiêu chuẩn VietGap, được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Giá bán sầu riêng tại vườn trung bình hơn 70.000 đồng/kg, mỗi héc-ta sầu riêng cho thu nhập hơn 700 triệu đồng, nông dân thu lãi hơn 400 triệu đồng/ha/năm. Đây là mức lợi nhuận rất cao so với các loại cây trồng khác. Hợp tác xã không chạy theo số lượng mà cam kết giữ vững chất lượng, giữ gìn thương hiệu sầu riêng Phong Điền vì sự phát triển bền vững.

Kinh tế phát triển, thu nhập, đời sống người dân tăng cao tạo thuận lợi cho việc đầu tư phát triển kinh tế, xã hội. Người dân đồng thuận, chung sức, đồng lòng đóng góp tiền, ngày công xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện Phong Điền có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiến đến xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét với ngút ngàn vườn cây trái trải dài theo tuyến lộ Vòng Cung xen lẫn là những khu, điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Có được thành quả ấy là nhờ Phong Điền đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi cho vùng chuyên canh sản xuất hoa, kiểng, cây ăn trái gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện tập trung phát triển kinh tế hợp tác, tăng tính liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là trái cây đặc sản, phát triển các sản phẩm OCOP để thu hút du khách, tăng thu nhập cho người dân.

Tuy vậy, trên bước đường đi tới, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị sinh thái gắn với phát triển du lịch. Hiện, thành phố Cần Thơ đang đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai phía tây dài gần 20 km với vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 917, Đường tỉnh 918, Đường tỉnh 923… với tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng để kết nối các quận, huyện trên tuyến lộ Vòng Cung, mở ra không gian phát triển mới cho vùng đất này.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu khẳng định, huyện Phong Điền nói riêng và toàn tuyến lộ Vòng Cung nói chung có vị trí rất đặc biệt trong lịch sử cũng như phát triển của thành phố hôm nay. Để phát huy thế mạnh, tiềm năng vùng đất này, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 27/12/2016 về xây dựng huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái mang nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước.

Trên cơ sở đó, thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ phát triển vườn cây ăn trái đặc sản kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Cùng với đó, tập trung đầu tư, tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử quanh lộ Vòng Cung như: Căn cứ Vườn Mận, Trạm tập kết chuyển quân, Khu di tích chiến thắng ông Hào… nhằm giáo dục truyền thống, thu hút du khách để “vành đai lửa” năm xưa trở thành vành đai xanh của thành phố.