Cần Thơ huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội

NDO - Ngày 5/8, Thành ủy Cần Thơ tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố đến nay, Cần Thơ đã hoàn thành đạt và vượt 7/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.

Thành phố đã triển khai lập Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bám sát nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển thành phố Cần Thơ.

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 5,91%/năm (kế hoạch tăng bình quân 7,5-8,0%/năm). Quy mô nền kinh tế tăng từ 91.590 tỷ đồng năm 2021 lên 107.781 tỷ đồng năm 2022 và ước đến cuối năm 2023 đạt 118.872 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người ước đến cuối năm 2023 đạt 94,52 triệu đồng, đạt 65,2% Nghị quyết (kế hoạch đến năm 2025 là 145 triệu đồng).

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện, đạt được một số thành tựu đáng kể. Cần Thơ đã tích cực phối hợp các bộ, ngành Trung ương đầu tư phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn cả về quy mô, ngành nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đáp ứng khá tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Lĩnh vực văn hóa không ngừng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn kết chặt chẽ với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thành phố giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của xã hội; chú trọng giải quyết việc làm, giảm nghèo; thực hiện đúng, đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn vời bảo đảm an ninh quốc phòng...

Tuy nhiên, sự phát triển của thành phố Cần Thơ tuy có khởi sắc nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Vai trò trung tâm và động lực phát triển của thành phố Cần Thơ đối với phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa rõ nét, đóng góp trong GRDP của toàn vùng còn thấp, chiếm tỷ trọng hơn 9%.

Cơ cấu lại các ngành kinh tế có chuyển dịch đúng hướng nhưng sự chuyển dịch về năng suất, chất lượng, nhất là khu vực công nghiệp và dịch vụ, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Năng lực sản xuất một số ngành, sản phẩm quan trọng tăng chậm, các ngành có hàm lượng công nghệ cao có tỷ trọng nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao…

Cần Thơ huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1

Khởi công xây dựng đường vành đai phía tây thành phố Cần Thơ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết, để thực hiện đạt và vượt 20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 14 đề ra, Thành ủy Cần Thơ đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đến năm 2025.

Trọng tâm là tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của thành phố Cần Thơ nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh tống hợp của các tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời gian tới.

Cần Thơ chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, trên cơ sở phát huy ở mức cao nhất các tiềm nǎng, lợi thế của thành phố và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nối vùng và liên vùng, là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng và là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nối vùng, liên vận quốc tế.

Thành phố Cần Thơ tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long.