Tăng cường đầu tư hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO - Chiều 10/6, Bộ Xây dựng phối hợp Ủy ban nhân thành phố Cần Thơ tổ chức Diễn đàn triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng-phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu tham luận tại Diễn đàn đầu tư hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long
Đại biểu tham luận tại Diễn đàn đầu tư hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tham dự diễn đàn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đông đảo nhà khoa học, chuyên gia đến từ các hiệp hội, viện nghiên cứu, nhà đầu tư quan tâm đến vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Những năm gần đây, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng đồng bằng sông Cửu Long được quan tâm, đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực.

Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật vùng vẫn chưa đạt được yêu cầu phát triển như mong muốn, nhìn chung vẫn còn là một điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn vùng.

Tỷ lệ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng theo quy hoạch còn thấp; tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của vùng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán diễn ra ngày một thường xuyên, kéo theo tình trạng nhiễm mặn, sụt lún nền đất... gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến đến cuộc sống người dân.

Tại diễn đàn, các đại biểu, nhà nghiên cứu, chuyên gia trình bày nhiều tham luận phân tích, nhận định chuyên sâu, đa chiều, đánh giá khách quan về toàn cảnh bức tranh phát triển hạ tầng kỹ thuật và kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều tham luận nêu lên thực trạng, những thách thức cũng như cơ hội của khu vực này để góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế vùng và kết nối giữa khu vực với toàn bộ các tỉnh, thành phố phía nam.

Các đại biểu cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long gánh sứ mệnh là vựa lúa an ninh lương thực quốc gia, nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng và thấp hơn so với các vùng khác trên cả nước.

Quốc hội, Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho hạ tầng vùng này cao hơn hoặc bằng so với các vùng khác. Trọng tâm là đầu tư kết nối hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường thủy, hàng không, đường sắt để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.

Ngoài đầu tư cho hạ tầng từ ngân sách, Chính phủ, các địa phương cần có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư đủ mạnh vào hạ tầng thiết yếu vùng; quan tâm đầu tư hạ tầng xã hội như giáo dục, dạy nghề, văn hóa, du lịch,… là thế mạnh của vùng để kinh tế vùng phát triển nhanh trong thời gian tới.