Chiều 20/5, anh Võ Văn Q, sinh năm 2003, quê ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), là công nhân một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng) đã mất tích sau khi xuống tắm ở sông Giá, đoạn giáp ranh giữa xã Minh Tân và thị trấn Minh Đức.
Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ số 5 của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an Hải Phòng) đã điều xe cứu nạn, cứu hộ dưới nước, 1 xuồng hơi cùng 8 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường để tiến hành tìm kiếm nạn nhân.
Công an Hải Phòng tổ chức cứu nạn, cứu hộ các vụ đuối nước. |
Đến 21 giờ 22 phút cùng ngày đã tìm thấy thi thể nạn nhân, bàn giao cho Công an huyện Thủy Nguyên tiến hành khám nghiệm, điều tra theo quy định.
Một ngày trước đó, chiều 19/5, trên sông Đa Độ, đoạn qua thôn Phủ Niệm 3, xã Thái Sơn (huyện An Lão) cũng đã xảy ra 1 vụ đuối nước, nạn nhân là em T.P.N., 14 tuổi, trú tại xã Mỹ Đức (huyện An Lão).
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ trên sông (Công an Hải Phòng) triển khai tìm kiếm, mãi đến rạng sáng 20/5 mới tìm thấy thi thể cháu bé.
Trước đó, chiều 26/4, trên sông Cấm, đoạn gần chân cầu Bính (Hải Phòng), em Nguyễn Đ.M.,14 tuổi, học sinh Trường trung học cơ sở An Đà (quận Ngô Quyền) cũng đã thiệt mạng do đuối nước khi cùng 3 bạn khác rủ nhau đi tắm tại khu vực này.
Theo Công an thành phố Hải Phòng, trước tình hình thời tiết nắng nóng trong dịp hè, khi nhu cầu bơi lội của trẻ em tăng cao thì nguy cơ đuối nước luôn rình rập và đe dọa sự an toàn của trẻ em.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hải Phòng) khuyến cáo người dân cần trang bị các thiết bị an toàn khi tham gia các hoạt động trên sông, nước.
Đồng thời, khi gặp khó khăn hoặc phát hiện có người gặp nạn cần báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời qua số điện thoại 114.
Trang bị kiến thức, kỹ năng bơi cho trẻ em là biện pháp hàng đầu bảo đảm an toàn cho trẻ trong môi trường nước. |
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Phạm Thị Tô Trang, trên địa bàn Hải Phòng có 125km bờ biển, cùng 5 cửa sông lớn đổ ra biển là Bạch Đằng, Cửa Cấm, Lạch Tray, Văn Úc và sông Thái Bình, diện tích sông, hồ, ao, ngòi rất lớn… Tại các địa điểm này, nguy cơ đuối nước, nhất là trẻ em trong dịp hè rất dễ xảy ra.
Do vậy, việc trang bị các kỹ năng và huấn luyện bơi cứu đuối, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là việc quan trọng, cần được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm vì sự an toàn của trẻ em.
Hằng năm, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Thể thao dưới nước thành phố tổ chức giải Bơi thiếu niên, nhi đồng và Bơi cứu đuối phòng, chống tại nạn, thương tích cho trẻ em.
Giải không chỉ nhằm cổ vũ, động viên các em học sinh, thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn thành phố tích cực tham gia tập luyện môn bơi, lặn để nâng cao sức khỏe, mà còn là dịp để trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn cho trẻ em trong môi trường nước, phòng, chống tai nạn đuối nước trong sinh hoạt và do bão, lũ gây ra.
[Video] Đừng để "đuối nước" ám ảnh mùa hè của con trẻ
Với tầm quan trọng như vậy, phong trào rèn luyện kỹ năng bơi lội, chống đuối nước cần được các cấp, các ngành, các địa phương, gia đình quan tâm và nhân rộng hơn nữa.
Theo các chuyên gia về bộ môn thể thao dưới nước, đuối nước rất dễ xảy ra đối với trẻ em trong mùa nắng nóng khi các em chưa được trang bị kiến thức cơ bản giúp trẻ an toàn trong môi trường nước.
Thậm chí kể cả các em được trang bị kiến thức cơ bản nhưng chưa hình thành thói quen tuân thủ nghiêm các quy định, nguyên tắc, thì nguy cơ đuối nước vẫn dễ xảy ra khi tiếp xúc hoặc chơi đùa trong môi trường nước.
Trẻ em cần được hướng dẫn và tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc, kỹ năng cơ bản trong môi trường nước. |
Những nguyên tắc, kỹ năng cơ bản giúp trẻ an toàn trong môi trường nước cần được các gia đình, nhà trường và những người lớn tuổi hướng dẫn các em tuân thủ nghiêm ngặt là: không xuống dưới nước nếu chưa biết bơi; cẩn thận khi vui chơi tại các khu vực biển, ao, hồ, sông, suối; không bơi lội khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi…
Tuy nhiên, phần lớn trẻ chưa được trang bị kiến thức này hoặc chưa hình thành thói quen tuân thủ nghiêm các quy định, nguyên tắc nên dễ gặp sự cố khi tiếp xúc hoặc chơi đùa trong môi trường nước.
Cùng với đó, các trường học, cơ sở giáo dục, các địa phương, tổ chức đoàn thể và các gia đình có trẻ nhỏ cần quan tâm, chú trọng đến việc phổ cập bơi đối với học sinh, trẻ em…
Mặt khác, thành phố Hải Phòng cũng có chủ trương yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn thể quan tâm dành quỹ đất, đầu tư xây dựng bể bơi; vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, bảo đảm thực hiện các quy định về chuyên môn, vệ sinh, an toàn…
Thành đoàn Hải Phòng cũng triển khai chương trình “Giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho thiếu nhi thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2030”, với việc ban hành tài liệu hướng dẫn trẻ em về phòng, chống tai nạn đuối nước phù hợp với tâm lý, độ tuổi của trẻ em.
Thành đoàn Hải Phòng còn triển khai cắm biển cảnh báo nguy hiểm, làm hàng rào tại những nơi nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước; phối hợp các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn phòng, chống tai nạn đuối nước cho cán bộ phụ trách thiếu nhi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội.
Thành đoàn Hải Phòng cũng tham mưu với thành phố trang bị mới các bể bơi di động nhằm phục vụ cho công tác phổ cập bơi cho trẻ em và tổ chức các hoạt động phát triển kỹ năng an toàn, tự bảo vệ và kỹ năng thoát hiểm khi gặp tình huống khẩn cấp bằng các mô hình trại hè kỹ năng, lớp trải nghiệm thực tế, tổ chức các giải bơi.