Cần sớm đưa phương pháp tìm mộ liệt sĩ 4.0 vào sử dụng

Nhiều năm trực tiếp đi tìm hài cốt đồng đội, Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 209-Sư đoàn 1 đã đúc kết được một phương pháp tìm hài cốt liệt sĩ bằng cách ứng dụng khoa học-công nghệ (gọi tắt là phương pháp 4.0), rất cần được các cơ quan chức năng xem xét, áp dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Cựu chiến binh Mỹ thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sa Thầy, Kon Tum. Ảnh: Đức Bình
Cựu chiến binh Mỹ thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sa Thầy, Kon Tum. Ảnh: Đức Bình

Trong 12 năm (2009-2021), với 34 chuyến trở lại chiến trường, Ban Liên lạc cựu chiến binh tìm đồng đội Trung đoàn 209 phối hợp các đơn vị quân đội đã tìm kiếm, quy tập được 118 hài cốt liệt sĩ.

Trưởng ban Liên lạc Hồ Ðại Ðồng cho biết: Ngay từ năm đầu tiên đi tìm đồng đội, các cựu chiến binh đã tìm kiếm và sử dụng thông tin trong các báo cáo chiến trường của quân đội Mỹ, dùng bản đồ quân sự, bản đồ vệ tinh, địa bàn, thiết bị định vị GPS, kết hợp trí nhớ để tìm nơi đồng đội hy sinh, chôn cất. Tuy nhiên, khi dùng thiết bị định vị GPS để tìm tọa độ bản đồ quân sự trên thực địa, họ chỉ có thể đến được một khu vực rộng từ 1km2 đến 2km2 có chứa tọa độ đó. Do vậy, nhiều lần dù đến được khu vực xảy ra trận đánh, nhưng không tìm được chính xác vị trí chôn cất các thi thể liệt sĩ.

Sau bốn năm tự mày mò nghiên cứu, ngày 20/11/2017, trong chuyến tìm đồng đội tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, các cựu chiến binh Trung đoàn 209 cùng Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm, nguyên Phó Cục trưởng Tác chiến-Bộ Tổng tham mưu đã sử dụng phương pháp phóng to, rồi chia nhỏ bản đồ quân sự Mỹ, sau đó chọn tọa độ chuẩn trên bản đồ quân sự và tìm vị trí đó trên Google Earth, rồi đi đến đúng tọa độ đó trên thực địa. Hiệu số giữa hai lưới tại tọa độ chuẩn chính là sai số cần tìm.

Ngay hôm đó, các cựu chiến binh Trung đoàn 209 cùng các chiến sĩ Ðại đội Bộ binh 187, Ban Chỉ huy quân sự huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum (C187) đã điều chỉnh kế hoạch tìm kiếm. Họ không đi tìm hài cốt liệt sĩ ở dãy núi Chư Tan An nữa mà lên núi Chư Tan Kra, đến tọa độ YA 939.919. Tại vị trí này, báo cáo chiến trường của chỉ huy căn cứ Mỹ FSB14 (M2) ghi: "Ngày 24/3/1968, Ðại đội C và D - Tiểu đoàn 3/8 giao chiến với quân Bắc Việt (NVA) đến 18 giờ. Có 18 NVA chết". Ðây là khu vực họ đã tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong nhiều năm nhưng chưa có kết quả, do đến không đúng vị trí. Ba ngày sau, họ quy tập được 15 hài cốt liệt sĩ và rất nhiều di vật liệt sĩ trong các căn hầm thuộc tọa độ này.

"Cách làm này của chúng tôi là thủ công nhưng chính xác và điều quan trọng là không phụ thuộc các phần mềm chuyển đổi tọa độ. Mặt khác, việc có thể sử dụng điện thoại di động thông minh có sẵn khả năng định vị GPS để đi đến được các điểm tọa độ, mà không cần phải có thiết bị định vị GPS chuyên dụng, giúp chúng ta dễ dàng sử dụng hơn trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ", ông Hồ Ðại Ðồng cho biết.

Năm 2018, kỹ sư Lâm Hồng Tiên, ở Hà Nội, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tổng hợp các báo cáo của quân đội Mỹ về các trận đánh và các tài liệu thu được phía Mỹ, chuyển cho ông Ðồng hàng chục nghìn dữ liệu đã được giải mật của quân đội Mỹ và các tọa độ của hơn 10 nghìn liệt sĩ nằm rải rác ở: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, khu vực Tây Nguyên và miền Ðông Nam Bộ, cùng trích lục liệt sĩ của các trung đoàn thuộc Sư đoàn 1.

Anh Tiên cho biết: Danh sách trích lục liệt sĩ khi tập hợp theo từng đơn vị cấp trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc, sắp xếp theo thời gian hy sinh khi khớp được với báo cáo chiến trường của phía Mỹ giúp ta xác thực nhiều dữ liệu về liệt sĩ như: thời gian, đơn vị, quê quán, tọa độ hy sinh, số người hy sinh, nơi an táng, mộ lẻ, mộ tập thể... Báo cáo chiến trường của Mỹ cập nhật theo thời gian, đơn vị, tọa độ, dữ liệu diễn biến trận đánh, thương vong của hai bên, nơi phát hiện thi thể hoặc mộ, tù hàng binh, tài liệu giấy tờ, ảnh, vũ khí thu được, tin tình báo.

Ngoài ra còn có một số dữ liệu khác có thể sử dụng để phân tích tìm hài cốt liệt sĩ như các thông tin: Tọa độ căn cứ của địch, không ảnh; tọa độ mục tiêu đánh bom pháo các đường mòn, trận địa pháo, kho tàng, nơi đặt điện đài, bệnh viện, nơi phát hiện phương tiện, lực lượng của ta... Sử dụng đồng thời thông tin trích lục liệt sĩ của Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị và báo cáo chiến trường của quân đội Mỹ, chúng ta sẽ chủ động được trong việc vạch kế hoạch và tổ chức tìm kiếm cụ thể, bởi đã biết trước được địa hình, khu vực tìm kiếm có bao nhiêu liệt sĩ, ở những đâu, mộ tập thể hay mộ lẻ, danh sách liệt sĩ có những ai, nếu có thông tin quy tập trước đây tại cùng tọa độ, sẽ biết còn sót bao nhiêu liệt sĩ...

Nhận thấy đây là một vấn đề quan trọng phải bảo đảm sự nghiêm túc và tin cậy, ông Ðồng cùng một số cựu chiến binh Trung đoàn 209 đã tổ chức đi thực tế kiểm chứng. Kết quả cho thấy: Tại Quảng Trị, nhiều tọa độ liệt sĩ đã được quy tập, có 2 tọa độ mộ tập thể liệt sĩ ở Cồn Thiên và Khe Van trước đây đã khai quật sai vị trí; Ở khu vực Tây Nguyên, có sáu tọa độ đã quy tập được liệt sĩ; ở Ðông Nam Bộ, các tọa độ đều có dữ liệu trùng khớp với thực tế.

Từ kết quả nêu trên, ông Ðồng khẳng định: Các thông tin của quân đội Mỹ do anh Lâm Hồng Tiên cung cấp là rất có giá trị. Hàng triệu trang tài liệu được giải mật của quân đội Mỹ thực sự là những tài liệu quý để tìm hài cốt liệt sĩ, trong đó một số tài liệu đã được các cựu chiến binh Trung đoàn 209 khai thác mang lại kết quả cao.

Từ kinh nghiệm thực tế, trong hai năm: 2018, 2019, Ban Liên lạc cựu chiến binh tìm đồng đội Trung đoàn 209-Sư đoàn 1 đã tổ chức và tham gia các cuộc hội thảo về phương pháp tìm mộ liệt sĩ tại: Truyền hình Quốc phòng; VTV4; Ban Liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 1; Sư đoàn 968, Quân khu 4; Quân đoàn 3. Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến có chung nhận xét: Ðây là một phương pháp khoa học có giá trị thực tiễn.

Ngày 25/9/2020, ông Hồ Ðại Ðồng thay mặt Ban Liên lạc cựu chiến binh tìm đồng đội Trung đoàn 209, Sư đoàn 1 đã báo cáo phương pháp tìm liệt sĩ 4.0 với cơ quan Bộ Quốc phòng do Thứ trưởng, Thượng tướng Lê Chiêm chủ trì. Thượng tướng Lê Chiêm nhận xét, đây là phương pháp có tính khoa học và thực tiễn, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp thực hiện. "Như vậy, có thể khẳng định phương pháp tìm liệt sĩ của chúng tôi là khoa học, chính xác, có hiệu quả. Chúng tôi đề nghị các cơ quan, đơn vị quân đội sớm xem xét, ứng dụng vào thực tế để ngày càng có thêm nhiều liệt sĩ được trở về", ông Hồ Ðại Ðồng bày tỏ mong muốn.