Công việc khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh đã giúp các cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam trở nên những người bạn thân thiết.
Khi hỏi một số cựu chiến binh Mỹ vì sao trở lại Việt Nam giúp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, tôi đều nhận được câu trả lời rằng: Đối với những gia đình có người thân chết trong cuộc chiến, dù là người Việt Nam hay người Mỹ, nỗi đau mất mát là như nhau.
Vượt qua mặc cảm chiến tranh, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam tích cực hỗ trợ các đơn vị chức năng tìm kiếm các mộ tập thể liệt sĩ. 5 năm qua, các cựu chiến binh Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam các địa điểm của khoảng 8.000 hài cốt liệt sĩ, một phần ba trong số đó được đánh dấu theo tọa độ.
Đại tá Mai Xuân Chiến, nguyên Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, người đã viết thư đề nghị cựu chiến binh Bob Connor tìm giúp mộ liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa nói rằng, từ khi kết nối được với các nhân chứng là cựu chiến binh Mỹ, công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đạt hiệu quả rất tốt. Khi tôi hỏi Bob March, người đã giúp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định tìm thấy mộ tập thể 60 liệt sĩ ở đồi Xuân Sơn, rằng vì sao ông quay lại giúp những người từng ở “bên kia chiến tuyến”, ông trả lời: “Tại sao tôi lại cố gắng giúp đỡ cựu thù của mình ư? Điều đó thật đơn giản. Họ không còn là kẻ thù của tôi nữa. Và về nhiều mặt, họ là bạn của tôi! Chỉ những cựu chiến binh mới hiểu hết điều này! Ngoài ra, khi tôi còn là một người lính, tôi có sự tôn trọng đối với bộ đội Việt Nam! Họ là những người chiến đấu tốt và rất dũng cảm! Họ là những đối thủ xứng tầm! Tôi và những cựu chiến binh khác mà tôi biết đều cảm thấy như vậy”.
Khi Steve Edmunds, người đã giúp các cựu chiến binh Trung đoàn 209 tìm được 134 hài cốt liệt sĩ, gặp lại “cựu thù” Phạm Văn Chúc tại Hà Nội, họ đã nắm chặt tay nhau, nói rằng, trước đây chúng ta là kẻ thù, bây giờ là bạn bè. Steve Edmunds nói: “Một trong những điều chúng tôi cảm nhận được là kẻ thù của chúng tôi không khác gì chúng tôi. Tất cả những gì họ muốn là hạnh phúc, gia đình, sức khỏe tốt và tận hưởng cuộc sống”.
Còn Spencer Matteson, người đã cung cấp thông tin về ngôi mộ tập thể liệt sĩ tại đồi Xuân Sơn nói rằng, điều ông ám ảnh nhất trong suốt hơn 50 năm qua là những cái chết đau đớn trong cuộc chiến. “Mỗi lần tôi nhìn thấy cái chết trong chiến tranh, tôi luôn nghĩ - đó có thể là tôi nằm đó trên mặt đất. Sự bạo lực tột độ mà vũ khí của chúng tôi có thể gây ra cho cơ thể con người-tôi rất khó để loại bỏ những hình ảnh đó ra khỏi tâm trí”. “Tôi xin lỗi tất cả những gia đình Mỹ và Việt Nam đã mất người thân trong một cuộc chiến mà lẽ ra có thể tránh được”-Spencer Matteson nói.
Việc quay lại Việt Nam cũng giúp các cựu chiến binh Mỹ tìm lại được sự bình yên trong trái tim mình. Sau 25 năm “chìm trong rượu và ma túy” để quên đi quá khứ kinh hoàng, Spencer Matteson vẫn rất khó khăn để hòa nhập cuộc sống. “Tôi nảy sinh mong muốn được quay trở lại Việt Nam và xem liệu tôi có thể làm được gì để giúp đỡ người dân Việt Nam. Năm 2014, tôi đã trở lại Việt Nam và dành hai tháng rưỡi để đi du lịch khắp đất nước. Tôi đã gặp những cựu chiến binh Mỹ khác và được giới thiệu đến Quảng Trị, tham gia Dự án Renew, quyên góp tiền để giúp họ vô hiệu hóa bom mìn chưa nổ”.
Hiện vẫn còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập. Công cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ sẽ ngày càng khó khăn hơn khi các địa điểm từng là chiến trường đã thay đổi. Nhiều cựu chiến binh Mỹ còn bày tỏ sự lo ngại khi nhiều người trong số họ, những người từng chứng kiến hoặc trực tiếp chôn cất thi thể bộ đội Việt Nam đang ở rất gần chặng cuối cuộc đời. Trong khi vị trí nhiều ngôi mộ tập thể trong chiến tranh không được ghi chép lại, việc tìm kiếm thông tin qua hồ sơ, giấy tờ cũ không thể thay thế cho hồi ức của các nhân chứng. Và vì thế, nỗi đau đáu của họ luôn thường trực.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm như chúng tôi đã làm trước đây. Chúng tôi mong muốn Chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ áp dụng các phương tiện khoa học để xác định vị trí các ngôi mộ. Những người lính của cả hai bên đều đã quá già để nhớ những chi tiết. Chúng tôi có thể chỉ có khoảng 5 năm để tìm kiếm tất cả những người lính mất tích từ cả hai quốc gia. Nếu chúng ta biết khu vực của ngôi mộ, với sự hỗ trợ của công cụ khoa học đáng tin cậy, thì ngôi mộ có thể được tìm thấy trong vòng 1-2 ngày. Nếu không, các ngôi mộ có thể vẫn không được tìm thấy.”- Bob Connor nói.
Nhiều năm đi tìm đồng đội, ông Hồ Đại Đồng, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh tìm đồng đội Sư đoàn 1 cho biết, để tìm hài cốt liệt sĩ hiệu quả, ngoài các thông tin, tư liệu trong hồ sơ lưu trữ, tư liệu do Mỹ giải mật, thì việc hỗ trợ thông tin và trực tiếp tham gia tìm kiếm của các cựu chiến binh Mỹ có vai trò rất quan trọng. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cũng sẽ thuận lợi, có hiệu quả hơn nếu các đơn vị chức năng thực hiện việc số hóa thông tin quy tập hài cốt liệt sĩ và thông tin liệt sĩ trên bản đồ vệ tinh.
Công cuộc phối hợp tìm mộ liệt sĩ đã đem đến tình bạn thân thiết cho các cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ, những người từng ở hai bên chiến tuyến. Trên tất cả đó là sự kết nối của lòng nhân bản, trách nhiệm, lương tâm con người, sự đồng cảm và thấu hiểu, là mong muốn sự hòa giải giữa hai dân tộc, cùng hướng về một tương lai tốt đẹp.