Cân nhắc khi điều chỉnh giảm diện tích khu vực nông thôn

Với hơn một nửa số dân sống ở khu vực nông thôn và hơn một nửa diện tích đất đai là đất nông nghiệp, thành phố Hà Nội cần đưa ra những lựa chọn khi xác lập quy hoạch thành phố theo Luật Quy hoạch, cũng như điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Cấu trúc không gian, cảnh quan, hành lang xanh, nông nghiệp-nông thôn là những vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng để khai thác hiệu quả, tạo động lực, điểm tựa cho phát triển kinh tế-xã hội, cũng như phát triển đô thị.
0:00 / 0:00
0:00
Vận hành hệ thống chăm sóc hoa lan hồ điệp tại trang trại Mê Linh F-Farm. (Ảnh Đăng Anh)
Vận hành hệ thống chăm sóc hoa lan hồ điệp tại trang trại Mê Linh F-Farm. (Ảnh Đăng Anh)

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt năm 2011, tính đến năm 2030, tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 159.600 héc-ta. Trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 94.700 héc-ta, bằng khoảng 28,3% diện tích tự nhiên. Như vậy, về cơ cấu phân vùng kiểm soát phát triển toàn thành phố, hành lang xanh, nông thôn chiếm 70% diện tích.

Một trong những yêu cầu lớn đặt ra khi điều chỉnh quy hoạch chung là cân bằng dân số và đất đai giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn. Theo thống kê 10 năm gần đây, dân số Hà Nội tăng trung bình khoảng 100.000 người/năm.

Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã đưa ra tính toán, đến năm 2045 tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn từ 160.000-169.000 héc-ta; trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 130.000-135.000 héc-ta, chiếm khoảng 40% diện tích tự nhiên. Cơ cấu phân vùng kiểm soát phát triển toàn thành phố dự kiến tỷ lệ phát triển đô thị 40%, tỷ lệ hành lang xanh, nông thôn 60%.

Việc quy hoạch tăng thêm 10% cho phát triển đô thị sẽ tác động lớn đến đất đai và không gian nông thôn. Mục đích chủ yếu của diện tích điều chỉnh này là phát triển các khu, cụm công nghiệp. Vấn đề lo ngại là việc thay đổi này tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cấu trúc không gian cảnh quan hành lang xanh, nông nghiệp-nông dân-nông thôn tại nhiều huyện, nhất là khi soi chiếu với định hướng xác định tại Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc.

Ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống. Chú trọng phát triển công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Tiến sĩ Đào Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông thôn đánh giá, Hà Nội với 51% dân cư sống ở vùng nông thôn, 60% diện tích đất đai là đất nông nghiệp, nếu chúng ta muốn tăng năng suất lao động của thành phố, muốn tăng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Hà Nội, muốn tăng thu nhập, cải thiện văn hóa thì phải có chiến lược với nông nghiệp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khi đánh giá về các yêu cầu đối với quy hoạch Thủ đô đã nhấn mạnh, cần sắp xếp, phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong đó, hạ tầng kết nối về giao thông, logistics để phát huy hệ thống đường thủy, đường bộ, hàng không, đường sắt của Hà Nội, kéo gần khoảng cách kết nối giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước, với các cửa khẩu, các khu kinh tế, các cảng biển để tạo sự kết nối. Về kết nối trong nông nghiệp, Hà Nội giữ vai trò là nơi cung cấp giống, nhân công chất lượng cao và nơi tiêu thụ nông sản của cả vùng.

Trong khi khu vực đô thị đang chịu nhiều áp lực, khu vực nông thôn chính là nơi “làm mát”, giảm tải. Phát triển hài hòa đô thị và nông thôn hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn là yêu cầu đặt ra đối với công tác quy hoạch. Tuy nhiên, thành phố cũng xác định nâng cao chất lượng đô thị hóa, nhưng không biến khu vực nông thôn thành đô thị một cách khiên cưỡng khi chưa đủ điều kiện.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, cần xây dựng các khu vực nông thôn theo hướng mô hình làng nông nghiệp đô thị với các tiêu chí tiệm cận với tiêu chí của đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp.

Đánh giá cao về tiềm năng của khu vực nông thôn, Tiến sĩ Đào Kim Sơn lưu ý, nếu Hà Nội mới chỉ phát triển đô thị nông nghiệp, nông nghiệp trải nghiệm thì chưa đủ. Nông nghiệp hàm lượng công nghệ cao mới là lĩnh vực Hà Nội cần chú trọng và có nhiều ưu thế. Quy hoạch cần tập trung cao độ vào sản xuất giống và cung ứng các kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp. Nếu làm được điều này, kết nối với các viện nghiên cứu, trường đại học, đây sẽ trở thành thế mạnh của Hà Nội.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần đánh giá hiện trạng, từ đó xác định “trồng cây gì, nuôi con gì” cho phù hợp với từng vùng để nông nghiệp Thủ đô tiên phong ứng dụng công nghệ cao. Sở đã có 11 báo cáo về quy hoạch các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Hà Nội, đây là cơ sở dữ liệu giá trị để quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp-nông thôn.