Cân nhắc kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng 2%

NDO - Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc kéo dài thêm thời gian thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, nhằm bảo đảm có thể hấp thụ, đưa chính sách vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tốt nhất.
0:00 / 0:00
0:00

Tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng

Chiều 1/6, tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) tán thành việc cần thiết tiếp tục có những giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức.

Cân nhắc kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng 2% ảnh 1

Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc việc thực hiện chính sách không liên tục, bị ngắt quãng 6 tháng, nay đề xuất tiếp tục cho triển khai chỉ thực hiện trong 6 tháng cuối năm, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Theo đại biểu, quãng thời gian như vậy là quá ngắn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi.

Đại biểu đề nghị cân nhắc cần kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024.

“Chính sách ban hành cũng cần có một khoảng thời gian đủ để bảo đảm có thể hấp thụ, đưa chính sách đi vào cuộc sống, để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại, bảo đảm cho việc lập dự toán, cân đối thu, chi năm sau, bảo đảm sự ổn định, chủ động trong việc thực hiện, cũng như có đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất”, đại biểu Trần Chí Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách khác để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm tạo ra những chính sách bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và toàn diện hơn, không chỉ hoạt động dịch vụ tiêu dùng mà ngay cả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là tháo gỡ những khó khăn từ chi phí đầu vào trong sản xuất cho đến việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho đầu ra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng bày tỏ nhất trí việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết 43. Theo đại biểu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong bối cảnh nhiều thách thức chung của nền kinh tế.

Cân nhắc kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng 2% ảnh 2

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp lớn phải bán bớt tài sản, bên mua lại là người nước ngoài, đại biểu cho rằng tình trạng này rất đáng lo ngại, nhất là khi các doanh nghiệp cần giữ, hỗ trợ để phát triển nền kinh tế. Đại biểu cho rằng, cần có chính sách nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn.

Đánh giá cao việc thực hiện các giải pháp về thuế trong thời gian qua, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết, việc linh hoạt thực hiện chính sách thuế đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tán thành việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT, tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, phương án của Chính phủ kéo dài đến hết ngày 31/12/2023 là quá ngắn.

Cân nhắc kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng 2% ảnh 3

Các đại biểu tham dự phiên họp của Quốc hội chiều 1/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Nêu rõ khó khăn, thách thức trong thời gian tới khá lớn, đại biểu cho rằng để sự hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trong thực tế, cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến năm 2024.

Đồng thời, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, cần kịp thời hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế GTGT một cách nhanh chóng, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần nghiên cứu các chính sách vượt tiền lệ như yêu cầu lãi suất cho vay giảm xuống dưới 9%, thay đổi các điều kiện cho vay thông thoáng, khả thi và hợp lý để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cân nhắc mở rộng đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng

Cân nhắc kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng 2% ảnh 4

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT, nhằm giúp doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống trong khi kinh tế gặp nhiều thách thức.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị rà soát, cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị áp dụng mức thuế 8% đối với mặt hàng ô-tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô-tô trong nước, từ đó bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực này.

Theo đại biểu, việc áp dụng thuế GTGT 8% mặc dù gây hụt thu ngân sách 2% so với hiện hành nhưng ô-tô là mặt hàng chịu thuế cao, cùng với nhiều loại thuế cũng được áp dụng cho ngành hàng này. Vì vậy, nếu kích cầu từ việc giảm này, tổng mức thuế thu được từ chiếc xe sẽ vượt mức 2% giảm thuế GTGT.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc giảm thuế, phí trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô-tô cho thấy sự tác động tích cực và mạnh mẽ của các chính sách ưu đãi đến việc kích cầu và phát triển ngành này.

Do đó, đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT, áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô-tô, bao gồm cả đối với các dòng xe ô-tô dưới 24 chỗ để kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp ô-tô tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tạo đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp ô-tô, qua đó tiếp tục đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như phát triển nền kinh tế.