Cần nâng cao trách nhiệm của chủ thể văn hóa

Mỗi tộc người là một chủ thể của một nền văn hóa, không ai có thể làm tốt hơn họ trong việc gìn giữ di sản mà tổ tiên trao truyền. Bản sắc của mỗi dân tộc là vốn quý, là niềm tự hào, là hình ảnh mà họ khẳng định với cộng đồng về lịch sử sinh tồn và nét tinh hoa của dân tộc mình.
0:00 / 0:00
0:00

Thế nhưng, có một thực tế hiện nay là nhiều cư dân trong các dân tộc thiểu số còn chưa mặn mà với chính những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Một bộ phận lớp trẻ còn tỏ ra tự ti, mặc cảm về những sự “khác biệt” của tộc người họ mà không nhận thức được rằng, chính những cái “khác biệt” ấy là tài sản vô giá mà ông cha họ đã sáng tạo, đắp bồi, sàng lọc và trao truyền cho thế hệ hôm nay và tương lai…

Chúng tôi đã nhiều dịp trao đổi với những người dân tộc thiểu số có uy tín như thầy giáo Ya Loan, Nghệ nhân Ưu tú Ma Bio (người Chu Ru), già làng K’Diệp, già làng Krazan Plin, ông Păng Ting Uốk (người Cơ Ho), cựu chiến binh Ðiểu Thị Lôi, già làng Ðiểu K’Lộc (người Mạ), ông Thào Hoàng Khải (người H'Mông),… và họ đều có chung tâm trạng lo lắng về thực tế nêu trên. Mọi người chia sẻ rằng, khi đồng bào xa rời cồng chiêng, quên kể sử thi, quên lời hát, điệu múa ông bà trao truyền và từ chối trang phục truyền thống,… của dân tộc mình thì các tộc người khác khó “giữ thay” cho họ.

Trong khi đó, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh: Lâm Ðồng, Quảng Nam, Bình Phước, Quảng Ngãi bên cạnh việc “bỏ quên” các giá trị văn hóa của dân tộc mình lại “học đòi” tệ xa hoa như làm sinh nhật mời hàng trăm khách, đám cưới phô trương linh đình cỗ bàn,… rồi gánh nợ nhiều năm. Nhạc sĩ Krazan Dick, người dân tộc Cơ Ho, thẳng thắn nói: “Nếu mỗi tộc người không có niềm tự hào, ý thức tôn trọng những di sản quý báu của cha ông thì khoan hãy trách đến các cộng đồng khác thiếu quan tâm, sẻ chia và đồng cảm với mình!”. Ông Dick cũng thừa nhận: “Ngay trong các dân tộc thiểu số với nhau cũng có hiện tượng phân biệt, kỳ thị”.

Ðiều đó cho thấy, ít nhiều sự ứng xử bất bình đẳng, cách biệt, hiểu biết sai lệch trong văn hóa tộc người cũng có phần xuất phát từ thiếu sót trong nội bộ các dân tộc thiểu số. Vì vậy, trước hết cần xây dựng và củng cố niềm tự hào, tự tôn, khơi gợi năng lực nội sinh trong sự nghiệp bảo tồn văn hóa ngay từ trong cộng đồng, nhất là lớp trẻ…

Các dân tộc thiểu số Việt Nam là chủ nhân của Di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, của hát then cùng vô vàn tri thức văn hóa bản địa có lịch sử sinh tồn, phát triển và sáng tạo lâu đời, vì thế cần làm cho niềm tự hào về cội nguồn, bản lĩnh, bản sắc văn hóa của mỗi tộc người tiếp tục tạo nên những kháng thể đủ sức đẩy lùi hiện tượng tiêu cực mới nảy sinh…