Cần lập Quỹ phòng thủ dân sự để tránh “nước đến chân nhảy không kịp”

NDO - Trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự chiều 24/5, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải lập Quỹ phòng thủ dân sự để có sẵn nguồn lực giải quyết vấn đề cấp thiết ban đầu, tránh tình trạng “nước đến chân nhảy không kịp”.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự chiều 24/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự chiều 24/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng 2 phương án về nội dung Quỹ phòng thủ dân sự để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Phương án 1: Giữ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo Luật.

Phương án 2: Quy định “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa”.

Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị sớm, từ xa

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nêu rõ, nguyên tắc phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, nói lên sự cần thiết của việc phải chuẩn bị các nguồn lực. Trong đó, nguồn lực tài chính rất quan trọng giúp ứng phó kịp thời với thảm họa, sự cố xảy ra.

“Chúng ta không thể để nước đến chân nhảy không kịp”, đại biểu nhấn mạnh, đồng thời lưu ý đến công tác quản lý Quỹ để bảo đảm hiệu quả và không để thất thoát.

Cần lập Quỹ phòng thủ dân sự để tránh “nước đến chân nhảy không kịp” ảnh 1

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải lập Quỹ phòng thủ dân sự, đại biểu Châu Chắc (Đoàn An Giang) cho rằng, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, tác động đến nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng trong đời sống xã hội trong phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, hậu quả sự cố thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Những hoạt động phòng thủ dân sự như nêu trên diễn ra với không gian rất rộng, thời gian diễn ra rất nhanh, tính chất, mức độ, cấp độ khác nhau và rất phức tạp, liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của tổ chức, của Nhà nước...

Đại biểu lấy thí dụ về khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn, xử lý chất độc hóa học, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh như trong phòng, chống bão lũ, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian vừa qua. Do đó, đại biểu cho rằng việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ tạo ra nguồn lực lớn, góp phần giúp ngân sách nhà nước khi thiếu hoặc không kịp thời.

Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu khác tham dự phiên họp.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, việc quy định về Quỹ phòng thủ dân sự trong Luật là cơ sở pháp lý cho việc huy động, quản lý, sử dụng kịp thời nguồn kinh phí nhằm khắc phục ngay khi thảm họa sự cố xảy ra, tránh tình trạng phải chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ trong trường hợp cấp bách như phương án 2.

Trong khi đó, theo đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang), phòng thủ dân sự phải chủ động từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra chiến tranh thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

“Trường hợp xảy ra sự cố, thảm họa không có nguồn lực mà phải chờ thời gian huy động sẽ khiến việc ứng phó, khắc phục hậu quả không kịp thời, hiệu quả không cao, trong khi các sự cố thảm họa chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh là khó dự báo”, đại biểu nhấn mạnh.

Chủ động nguồn lực để ứng phó kịp, xử lý tốt, giải quyết nhanh các sự cố xảy đến

Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung Quỹ phòng thủ dân sự, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, phương án đề xuất thành lập ngay Quỹ trước khi xảy ra các vụ việc, sự cố như đề xuất của Chính phủ nhận được sự thống nhất, đồng thuận của nhiều đại biểu.

Nêu những dẫn chứng cụ thể trong những tình huống cấp bách khi đối phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu không có lực lượng, nguồn lực dự trữ đặc biệt về vốn, sẽ không thể ứng phó kịp, xử lý tốt, giải quyết nhanh các sự cố xảy đến.

Cần lập Quỹ phòng thủ dân sự để tránh “nước đến chân nhảy không kịp” ảnh 2
Đại tướng Phan Văn Giang tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Theo Đại tướng Phan Văn Giang, khi dịch Covid-19 xảy ra, việc thành lập một bệnh viện dã chiến 300 giường là cực kỳ khó. Có những trang thiết bị phải mua hàng chục tỉ mà không mua được.

“Lúc này thì chúng tôi không phải mua cái gì mà chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng tư thế và thành lập đến cả 1.000 giường. Chúng tôi thành lập một lúc tới gần 16 bệnh viện cỡ từ 500-1.500 giường ở tất cả các tỉnh, kể cả miền trung, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, miền tây và miền bắc gồm các tỉnh Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa để ứng phó sự cố là rất quan trọng, đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ trong vấn đề Quỹ phòng thủ dân sự.

Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết sẽ có cách thức phù hợp để không làm phát sinh biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu quả, đúng mục đích của Quỹ.

Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng cần có các tiêu chí cụ thể để các cấp, các ngành căn cứ vào đó có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa trong ứng phó với các thảm họa, sự cố.