Cần làm rõ trách nhiệm trong vụ chìm tàu, sà lan

NDO - Ngay sau khi xảy ra vụ chìm tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883, trong khi ngành chức năng chưa biết chính thức số lượng thuyền viên trên tàu hành trình từ cảng Kỳ Hà, ra huyện đảo Lý Sơn thì doanh nghiệp thuê phương tiện vận tải cũng không biết vì sao có nhiều người đi trên tàu của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng tìm kiếm thuyền viên mất tích
Lực lượng chức năng tìm kiếm thuyền viên mất tích

thể có thêm 4 người đã lên tàu kéo LA-06695

Theo hồ sơ lưu trữ tại các cơ quan chức năng, khoảng 10h30 ngày 23.4, đại diện Công ty TNHH Lý Tuấn, đơn vị thuê tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883, đến Trạm kiểm soát biên phòng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam làm thủ tục xuất bến cho 5 thuyền viên và phương tiện vận chuyển đá đi huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, thủ tục gồm giấy tờ tuỳ thân của ông Võ Tấn Khương, Võ Văn Nhiều, Bùi Minh Trí (quê huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi); ông Phạm Văn Hiệp, Đặng Minh Phương (tỉnh Long An) và một số thủ tục khác theo quy định.

Trung tá Đỗ Xuân Trinh - Phó Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi hoàn tất thủ tục, cán bộ Trạm kiểm soát biên phòng Kỳ Hà đến phương tiện kiểm tra thực tế, đối chiếu, kiểm đếm người và xác nhận đủ điều kiện xuất bến.

Đại diện Công ty Lý Tuấn tiếp tục thực hiện các thủ tục tại Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam và nhận Giấy phép rời cảng Kỳ Hà lúc 12h ngày 23/4/2024.

Ngay sau khi vụ chìm tàu khiến 9 thuyền viên tử vong, mất tích, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Nam và Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam đã rà soát, kiểm tra vụ việc.

Theo thông tin ban đầu, sau khi tàu và sà lan rời bến tại cảng Kỳ Hà và ra đến cửa biển thì tàu kéo LA-06695 cập vào đầu kéo Mỹ An 25, thuộc Công ty TNHH Thương mại vận tải Mỹ An (có địa chỉ tại phường Tân Phong, quận 7, TP Hồ Chí Minh).

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, người trông coi đầu kéo Mỹ An 25, khoảng 11h có 4 người xuống đầu kéo Mỹ An 25 xin ngồi nhờ. Khi tàu LA-06695 kéo sà lan LA-06883 đến đón 4 người lên tàu và tiếp tục đi hướng biển.

“Khả năng 4 người này chờ sẵn trên đầu kéo Mỹ An 25, vì họ đã có tính toán từ trước. 4 người này lên tàu để làm việc hay là hành khách thì chúng tôi chưa xác định được. Tuy nhiên, qua các thông tin chắp nối lại, chúng tôi nhận định trên tàu kéo LA-06695 có 9 người”, Trung tá Đỗ Xuân Trinh nhận định.

Ông Lê Xuân Hùng, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng Hải Quảng Nam cho biết, đại diện Công ty Lý Tuấn đã làm các thủ tục cho tàu và sà lan rời bến để đi đảo Lý Sơn. Đơn vị đã kiểm tra số người, bằng cấp, chứng chỉ của các thuyền viên và xác nhận đủ điều kiện rời cảng. “Nhiệm vụ của Cảng vụ là kiểm tra số người, bằng cấp có đúng không, đảm bảo điều kiện rời cảng hay không. Để cẩn thận, người trực ban chúng tôi còn yêu cầu đại điện Công ty Lý Tuấn điện thoại video để nhìn thuyền viên, quay xung quanh tàu để xác nhận có trên tàu”.

“Tôi không biết họ là ai”

Cuối tháng 2/2024, Công ty TNHH Lý Tuấn có trụ sở tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thuê tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883 của Công ty TNHH MTV Minh Linh, có trụ sở tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Thuê phương tiện trong thời gian 6 tháng, với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, Công ty TNHH Lý Tuấn vận chuyển vật liệu xây dựng ra huyện đảo Lý Sơn để thi công đê chắn sóng, cảng Bến Đình.

Cần làm rõ trách nhiệm trong vụ chìm tàu, sà lan ảnh 1

Hợp đồng thuê thiết bị tàu kéo, sà lan giữa hai doanh nghiệp

Để vận chuyển đá ra đảo Lý Sơn, công ty ký hợp đồng dịch vụ với Đội khai thác dịch vụ cảng thuộc Đoàn 516, KTQP tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Doanh nghiệp này thuê kho bãi để lưu trữ đất, đá hộc; đồng thời, sử dụng bến nghiêng của Đoàn 516 để xuất hàng vật liệu xây dựng xuống sà lan.

Theo bà Phạm Thị Minh Lý, Giám đốc Công ty TNHH Lý Tuấn, công ty thuê tàu, sà lan cùng 3 thủy thủ từ Công ty Minh Linh; đồng thời, thuê thêm hai thủy thủ để đảm bảo đúng số người, thành phần vận hành phương tiện theo quy định. Sau 4 chuyến vận chuyển đá hộc ra khu vực thi công đê chắn sóng, đến chuyến thứ 5 thì gặp nạn khiến 9 người chết, mất tích.

“Tôi không biết họ là ai, không liên quan đến tôi. Danh sách người tôi thuê thì giờ không thấy, còn 4 người tìm được tôi không biết. Tôi thuê nhân công làm ăn theo chuyến. Tôi vẫn lo hậu sự cho họ nhưng là làm từ thiện thôi, chứ tôi không biết ai. Việc có thêm người trên tàu là do kiểm soát của đơn vị, cơ quan chức năng”, bà Phạm Thị Minh Lý, Giám đốc Công ty TNHH Lý Tuấn khẳng định.

Ông Nguyễn Tài Thịnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lý Tuấn cho biết, ông là người đại diện cho công ty đến Trạm kiểm soát biên phòng Kỳ Hà làm thủ tục xuất bến cho 5 thuyền viên và phương tiện. “Tôi chỉ làm xong thủ tục rồi quay về, hoàn toàn không biết trên tàu có thêm 4 người ngoài danh sách đăng ký. Khi vụ chìm tàu xảy ra tôi mới biết có thêm người”, ông Thịnh khẳng định.

Cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm trong vụ chìm tàu, sà lan

Vụ chìm tàu, sà lan nghiêm trọng tại vùng biển huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khiến 9 người tử vong, mất tích. Vấn đề nghiêm trọng hơn nữa là 5 thuyền viên chính thức đi trên tàu hiện vẫn mất tích, 4 thuyền viên đi trên tàu được tìm thấy lại không phải là thành viên của tàu.

Để cho phép phương tiện rời cảng Kỳ Hà vận chuyển vật liệu xây dựng, các cơ quan hữu quan tỉnh Quảng Nam đã thực hiện các thủ tục theo trình tự quy định.

Chủ phương tiện và doanh nghiệp thuê thiết bị cho rằng đơn vị cũng đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, yêu cầu của ngành chức năng. Thế nhưng vẫn có thêm nhiều người lên tàu và thiệt hại rất lớn khi xảy ra tai nạn.

Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, công tác kiểm tra, giám sát tàu thuyền, thiết bị ra vào cảng biển được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân để hạn chế những vi phạm trên biển.

Tuy nhiên, vẫn có những vụ việc đáng tiếc xảy ra. “Các cơ quan làm đúng quy trình, thủ tục theo nhiệm vụ. Qua vụ việc chúng tôi rút kinh nghiệm, đặc biệt trong công tác phối hợp để thực hiện nhiệm vụ trên biển; tập huấn, kiểm tra, kiểm soát người ra, vào trên biển”.

Cần làm rõ trách nhiệm trong vụ chìm tàu, sà lan ảnh 2

Đến nay cơ quan chức năng chưa xác định được bao nhiêu người gặp nạn trên tàu, sà lan

Theo Thông tư 39/2019 /TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa; thì chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân thuê phương tiện phải chịu trách nhiệm về điều kiện hoạt động của phương tiện, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động cho thuyền viên và các chức danh khác làm việc trên phương tiện… Đồng thời, thuyền trưởng là người chỉ huy cao nhất trên phương tiện hoặc đoàn phương tiện; quản lý, đảm bảo an toàn về người, phương tiện và tài sản…

Cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục cho phương tiện hoạt động trên biển theo đúng quy định của pháp luật và kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền, người dân ra vào cảng. Trong khi đó,Công ty TNHH MTV Minh Linh cho Công ty TNHH Lý Tuấn thuê tàu kéo LA-06695 và sà lan LA-06883 và vận hành phương tiện, đưa thiết bị, nhân công phục vụ công trình trên biển.

Đến nay, cơ quan chức năng chưa xác định được bao nhiêu thuyền viên gặp nạn trên tàu, sà lan; doanh nghiệp chủ quản và vận hành phương tiện không biết được số thuyền viên, nhân công trong quá trình vận hành, hoạt động. Vì vậy, cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp trong vụ việc nghiêm trọng này.

Trước đó, Báo Nhân Dân đã đưa tin khoảng 4h ngày 24.4, tàu kéo LA-06695 kéo theo sà lan LA-06883 từ cảng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam đi huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khi cách đảo Lý Sơn khoảng 3 hải lý thì xảy ra sự cố, khiến tàu kéo và sà lan bị chìm, khiến 4 người tử vong và 5 người mất tích.