Nội dung vụ án nêu, chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn có ngành nghề kinh doanh chính là xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu khí; bao tiêu sản phẩm lọc dầu của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Từ thời điểm được bổ nhiệm làm Giám đốc chi nhánh doanh nghiệp này (tháng 8/2017), ông Phan Kiến Anh có quyền đàm phán, thỏa thuận, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của chi nhánh lọc dầu Nghi Sơn với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, xem xét, phê duyệt phân loại nhóm khách hàng để áp dụng chính sách bán hàng.
Bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ do liên quan vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil
Từ năm 2018, Công ty Xuyên Việt Oil bắt đầu ký hợp đồng mua bán xăng dầu với Chi nhánh lọc dầu Nghi Sơn. Từ tháng 1 đến tháng 6/2023, ông Phan Kiến Anh đã ký 7 quyết định phân nhóm cho Công ty Xuyên Việt Oil, trong đó, có 4/7 kỳ là nhóm I để hưởng ưu đãi.
Trong giai đoạn thị trường khan hiếm và được áp dụng chính sách ưu đãi (tháng 11/2019 đến tháng 9/2022), bà Mai Thị Hồng Hạnh, giám đốc Xuyên Việt Oil đã đưa hối lộ cho ông Phan Kiến Anh tổng số tiền là 3,2 tỷ đồng (6 lần đưa).
Đối với các lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, Công ty Xuyên Việt Oil cũng thực hiện hành vi hối lộ đối với ông Đặng Công Khôi, cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính hàng chục nghìn USD để bỏ qua và không xử lý việc Công ty Xuyên Việt Oil chiếm dụng, sử dụng trái phép số tiền Quỹ Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải trích nộp theo quy định. Hành động này đã trực tiếp gây thất thoát tài sản nhà nước.
Ngoài ra, bà Mai Thị Hồng Hạnh cũng thực hiện việc 5 lần đưa hối lộ cho ông Lê Duy Minh, cựu Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh số tiền 4,8 tỷ đồng để được giúp đỡ, tạo điều kiện trong việc chậm ban hành các quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế, không công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong phiên xét hỏi, bà Mai Thị Hồng Hạnh, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil đã bước đầu thừa nhận hành vi sai phạm.