Lợi thế về năng lượng xanh

Với sự phát triển của khoa học-công nghệ, năng lượng xanh đang từng bước thay thế các loại năng lượng sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ được xem có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng để chuyển đổi sang năng lượng xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển năng lượng điện gió tại Ninh Thuận. (Ảnh Nguyễn Trung)
Phát triển năng lượng điện gió tại Ninh Thuận. (Ảnh Nguyễn Trung)

ĂNG lượng xanh là nguồn năng lượng được tạo nên từ các nguồn tự nhiên như mặt trời, gió, mưa, thủy triều... Các nguồn năng lượng này có khả năng tái tạo, trong khi nhiên liệu hóa thạch là có hạn và đang bị cạn kiệt dần. Thực tế cho thấy, nhu cầu năng lượng cho phát triển ngày càng tăng cao, cho nên việc nghiên cứu, sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo đang là một nhu cầu, một xu thế tất yếu.

Nghị quyết số 168/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ xác định nhiệm vụ hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi; nghiên cứu và định hướng phát triển khai thác năng lượng hydrogen.

Mới đây, tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ được tổ chức tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá: Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển năng lượng tái tạo.

Nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng và các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng xanh. Các địa phương cần khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (nhất là điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng và điện mặt trời) phù hợp Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ, đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà theo phương thức tự sản, tự tiêu.

Bên cạnh đó, cả vùng cũng như từng địa phương bố trí hợp lý các nguồn điện ở các địa phương trong vùng, bảo đảm cung cấp điện tin cậy, giảm tổn thất kỹ thuật, giảm truyền tải điện đi xa; đồng thời, phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện và nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, chú trọng phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo có quy mô lớn.

Các địa phương có chiến lược thúc đẩy mạnh mẽ việc thăm dò, khai thác các mỏ khí trong vùng, góp phần tạo nguồn nhiên liệu khí tự nhiên phục vụ cho các nhà máy điện khí; chú trọng thu hút đầu tư hình thành, phát triển một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng ở những khu vực có lợi thế nhằm tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, gắn với sản xuất, chế tạo và các dịch vụ phụ trợ; kết hợp các loại hình năng lượng tái tạo để sản xuất hydro, ammoniac xanh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng carbon... để chủ động khai thác tiềm năng sẵn có trong nước, tăng tính độc lập tự chủ, giảm giá thành sản xuất điện năng từ năng lượng tái tạo...

Để thực hiện có hiệu quả các định hướng nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương trong vùng quan tâm, phối hợp Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Đẩy nhanh việc hoàn thành xây dựng các quy hoạch tỉnh, thành phố và quy hoạch phát triển vùng thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm cân đối vùng, miền; rà soát, cập nhật các chủ trương, định hướng của quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia, nhất là quy hoạch điện lực, quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và quy hoạch năng lượng quốc gia để kịp thời tích hợp, hoàn thiện quy hoạch tỉnh, thành phố và quy hoạch phát triển vùng, tạo cơ sở pháp lý triển khai các dự án công nghiệp, năng lượng trên địa bàn, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm; tổ chức không gian phát triển hợp lý và bố trí quỹ đất phù hợp, tạo điều kiện hình thành, phát triển các hệ sinh thái công nghiệp, năng lượng phù hợp tiềm năng, lợi thế của cả vùng cũng như của từng địa phương.

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết xác định: Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch; hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế; có chính sách khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo.

Xuất phát từ các định hướng chiến lược của Đảng về năng lượng xanh, sạch, tại hội nghị nêu trên, các tỉnh trong khu vực xác định nhiệm vụ xây dựng quy hoạch vùng là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Quy hoạch hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trên cả ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, với nền tảng là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Những tỉnh chưa được phê duyệt quy hoạch phát triển tập trung xây dựng quy hoạch phù hợp, chú trọng phát triển kinh tế xanh; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế trên quan điểm sử dụng hiệu quả tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên, nhất là đất, nước, khoáng sản, theo nguyên tắc thị trường. Trong phát triển công nghiệp năng lượng - sản xuất điện hướng tới hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn về điện gió và điện mặt trời; nghiên cứu và định hướng phát triển khai thác năng lượng hydrogen.

Rất đáng mừng là các tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch phát triển như: Thanh Hóa, Quảng Bình, Khánh Hòa… đã chú trọng nội dung phát triển kinh tế xanh, năng lượng xanh.