Cơ hội đầu tư với Quy hoạch điện VIII

Quy hoạch điện VIII có tầm nhìn tới năm 2050 là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thập kỷ này. Các lĩnh vực trong ngành điện nói chung và các ngành liên quan sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Vận hành tại Nhà máy điện rác Nam Sơn. Ảnh: NGUYỆT ANH
Vận hành tại Nhà máy điện rác Nam Sơn. Ảnh: NGUYỆT ANH

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta, việc đầu tư chiến lược vào sản xuất điện và cơ sở hạ tầng là rất quan trọng. Vì có cơ sở hạ tầng tốt, với những tổ hợp phát điện có giá cả phải chăng sẽ giúp ổn định mức giá điện sinh hoạt, thương mại và công nghiệp đều ở mức vừa phải. Điều này là cơ sở cho sự tăng trưởng trên diện rộng của ngành chế tạo định hướng xuất khẩu và tạo ra một môi trường đầu tư tổng thể hấp dẫn, hỗ trợ cho thị trường tiêu dùng trong nước phát triển. Để đủ điều kiện gia nhập G20 vào năm 2050 sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư chiến lược, đáng kể liên tục vào sản xuất điện và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ mức tăng trưởng kinh tế ước tính 5-7%/năm trong ba thập kỷ tới.

Quy hoạch điện VIII được phê duyệt đặt mục tiêu sản lượng điện trung bình là 150 GW công suất lắp đặt vào năm 2030 và 500 GW vào năm 2050. Theo báo cáo của Công ty kiểm toán PwC, để thực hiện mục tiêu này sẽ cần tới gần 700 tỷ USD đầu tư trong ba thập kỷ tới cho các nhà máy điện thế hệ mới, cho việc nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện. Các cơ quan chính phủ, các tổ chức phát triển quốc tế, cũng như các nhà đầu tư công và tư phải phối hợp cùng nhau để quá trình tăng trưởng và chuyển đổi này thành công.

Hiện trạng ngành điện

Trong hai thập kỷ qua, điện than, khí và thủy điện đã thúc đẩy tăng trưởng và vẫn chiếm hai phần ba tổng công suất cùng gần 95% sản lượng điện. Hiện tại, Quy hoạch điện VIII đã cập nhật và thúc đẩy thay đổi sản xuất với các cam kết nhằm giảm tổng lượng khí thải carbon với mục tiêu đến năm 2050 sẽ loại bỏ hoàn toàn điện than.

Điện khí sẽ tiếp tục là một phần cốt lõi của hỗn hợp năng lượng, vì khoảng 30 GW dự án LNG dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong thập kỷ tới. Những dự án quan trọng này đang trong các giai đoạn phát triển và có quy trình quản lý khác nhau. Với các dự án LNG đầu tiên đang chờ được thông qua, các nhà đầu tư, chính quyền và tất cả các bên liên quan cần đẩy nhanh các quy trình pháp lý và đàm phán để khai thác hết tiềm năng của chúng. Công suất phụ tải nền mới là vô cùng cần thiết để tránh tình trạng thiếu điện và những khó khăn tài chính bổ sung cho cả bên bao tiêu và nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến năm 2050 điện khí cũng sẽ giảm dần để hạn chế khí thải.

Về thủy điện, đây là nền tảng trong cơ cấu nguồn điện nước ta trong nhiều thập kỷ, với chi phí thấp giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quy hoạch điện VIII dự kiến sẽ giảm dần thủy điện đến năm 2050, chỉ bổ sung thêm 6-7 GW. Do đó, thủy điện được dự đoán sẽ giảm từ 25% tổng công suất lắp đặt hiện nay xuống dưới 10% vào năm 2050.

Loại hình năng lượng tái tạo, điện mặt trời và điện gió đã trải qua tám năm tăng trưởng nhanh, từ công suất lắp đặt gần như bằng 0 vào năm 2014 lên gần 30 GW hiện nay. Trong cùng kỳ, không có quốc gia nào trên thế giới có mức độ bổ sung thêm năng lượng tái tạo như vậy. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến những thách thức mới. Vì lưới điện đã cũ tạo ra các vấn đề về truyền tải và phân phối, bao gồm cả việc phải cắt giảm sản lượng điện gió và mặt trời. Các dự án năng lượng tái tạo ban đầu cũng được bảo đảm hỗ trợ bởi biểu giá điện cao trong chế độ FIT-1 và FIT-2. Điều này tạo ra gánh nặng vì chi phí mua điện cao từ các dự án này. Quy hoạch điện VIII đưa ra kế hoạch tăng đáng kể cả công suất điện mặt trời và gió, bao gồm hơn 60% tổng công suất lắp đặt vào năm 2050.

Điện mặt trời đạt mức tăng trưởng nhanh từ năm 2015 đến năm 2021, với tổng cộng gần 20 GW năng lượng mặt trời được lắp đặt. Quy hoạch điện VIII tập trung vào tăng trưởng điện mặt trời áp mái, với mục tiêu tăng nhẹ khoảng 2,6 GW vào năm 2030. Nhưng tổng công suất điện mặt trời sẽ là gần 170 GW vào năm 2050. Kế hoạch cũng nêu mục tiêu rằng một nửa số tòa nhà sẽ được cung cấp năng lượng từ điện mặt trời áp mái.

Điện gió cũng đã tăng gần 10 GW trong tám năm qua. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 30 GW vào năm 2030 và hơn 130 GW vào năm 2050. Quy hoạch điện VIII cũng đề cập việc thành lập hai trung tâm năng lượng tái tạo liên vùng. Các cụm này có thể thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị và cung cấp các dịch vụ liên quan.

Cơ hội với các công nghệ mới

Quy hoạch điện VIII đưa ra các mục tiêu về các công nghệ mới cho thị trường Việt Nam, nhằm cung cấp tầm nhìn cho các nhà đầu tư và nhà phát triển tiềm năng có thể giới thiệu và mở rộng, triển khai các công nghệ này tại Việt Nam.

Pin lưu trữ sẽ có một vai trò quan trọng khi công suất năng lượng tái tạo ngày càng tăng, với mục tiêu 300 MWh vào năm 2030 và 26 GWh vào năm 2050. Quy hoạch đưa ra các mục tiêu này ở cấp độ lưới điện, mặc dù hiện tại các công ty và nhà đầu tư đang lắp đặt các hệ thống “điện tự dùng” với công nghệ không cho phép phân phối điện. Điểm khác biệt chính so với các thị trường điện khác, là việc hạn chế phân phối điện dư thừa từ các hệ thống “điện tự dùng”, điều này làm thay đổi đáng kể chiến lược của các nhà đầu tư tiềm năng.

Quy hoạch mới cũng đề cập các công nghệ khác như điện sinh khối, điện rác và cả nhiên liệu hydro và amoniac để sản xuất nhiệt điện. Điện sinh khối và điện rác dự kiến sẽ có mức tăng trưởng khiêm tốn, do bản chất của nhiên liệu. Hydro và amoniac hứa hẹn sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong quá trình chuyển đổi năng lượng, với việc chuyển đổi cả nhà máy điện than và khí được xác định là một cột mốc quan trọng để giảm lượng khí thải carbon. Vẫn còn phải xem quá trình chuyển đổi nhiên liệu này có thể thực hiện hiệu quả, tiết kiệm và thành công như thế nào, vì cho đến nay nó vẫn còn hạn chế trên toàn cầu.

Cơ hội đầu tư

Có những cơ hội đáng kể cho nhà đầu tư trong tương lai với ngành điện Việt Nam. Từ nay cho đến năm 2030 chúng ta sẽ cần khoảng 135 tỷ USD để thực hiện mục tiêu của Quy hoạch điện VIII; và sau đó cần thêm khoảng 500 tỷ USD nữa cho thời gian từ năm 2030-2050. Thị trường sẽ cần các nhà đầu tư đủ năng lực để hỗ trợ quá trình chuyển đổi và phát triển năng lượng tổng thể. Các dự án lớn được ưu tiên như được liệt kê trong Quy hoạch, bao gồm cả các dự án điện khí tự nhiên hóa lỏng, cũng như các dự án điện than chuyển đổi.

Sự tăng trưởng đáng kể về cả công suất năng lượng mặt trời và gió, cùng với việc lưu trữ năng lượng, cũng mang đến cơ hội đầu tư. Các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong việc phát triển các công nghệ năng lượng thế hệ tiếp theo từ hydro và amoniac có thể tận dụng mục tiêu đạt được 30-40 GW vào năm 2050 của các công nghệ mới này. Các nhà đầu tư tiềm năng cần theo dõi những hướng dẫn thực hiện Quy hoạch điện VIII trong tương lai, Luật Năng lượng tái tạo và các quy định liên quan liên quan đến phát triển điện gió ngoài khơi, hợp đồng mua bán điện trực tiếp PPA và các quy định khác trong quá trình phát triển điện...

Dù được các nhà đầu tư hoan nghênh, nhưng vẫn còn một số thách thức đối với việc thực hiện Quy hoạch điện VIII. Cụ thể là những cân nhắc về quy định, sự phụ thuộc vào hỗ trợ nước ngoài và sự thiếu chi tiết về một số hạng mục của quy hoạch. Về mặt pháp lý, một số quy định liên quan vẫn đang trong dự thảo. Các quy định mới quan trọng cần tham khảo bao gồm Luật Đất đai cập nhật, Luật Năng lượng tái tạo vào năm tới, các quy định liên quan đến điện tự dùng, lưu trữ pin...