Tuy nhiên, với tỷ lệ vận tải hành khách công cộng của Hà Nội hiện nay mới chỉ đạt gần 20%, thì rất khó có thể hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 30 đến 35% vào năm 2025, theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”.
Mạng lưới vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đang khai thác, vận hành một tuyến đường sắt đô thị (tuyến Cát Linh-Hà Đông) và 154 tuyến xe buýt. Trong bức tranh vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội, ngoài tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, hai tuyến City tour và tuyến xe buýt đi sân bay Nội Bài, một số tuyến xe buýt điện có lượng khách ổn định, doanh số tốt, thì các tuyến xe buýt thường đang gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) - đơn vị chủ lực về xe buýt của thành phố, cho biết, năm 2023, doanh nghiệp đã vận hành hơn 3,8 triệu lượt xe buýt, đạt 98,5% kế hoạch đấu thầu - đặt hàng, vận chuyển hơn 227,6 triệu lượt hành khách, tăng 35% so với năm 2022, sản lượng khách vận chuyển ước đạt 58% sản lượng toàn mạng, nhưng nhu cầu và thói quen đi lại của người dân có nhiều thay đổi, một bộ phận lớn người dân sử dụng phương tiện công cộng trước giai đoạn xảy ra dịch Covid-19 có xu hướng chuyển sang các phương tiện cá nhân, dẫn đến sản lượng hành khách đi xe buýt phục hồi chậm so với thời điểm trước.
Các đơn vị hoạt động buýt đang phải đối diện tình trạng thiếu hụt lao động do không ít lao động dịch chuyển sang các doanh nghiệp khác; tình trạng ùn tắc giao thông vào khung giờ cao điểm, tổ chức giao thông để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật và phân luồng khi có các sự kiện lớn đã ảnh hưởng đến công tác vận hành tuyến. Để tiết giảm ngân sách trợ giá của thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải vừa kiến nghị thành phố dừng hoạt động sáu tuyến xe buýt có mức trợ giá cao và kém về sản lượng, doanh thu từ ngày 1/4/2024.
Để thu hút nhiều người dân sử dụng xe buýt nói riêng, các loại hình vận tải hành khách công cộng nói chung, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xe buýt cần có sự thay đổi phù hợp, huy động các nguồn vốn thực hiện lộ trình chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng dầu diesel sang năng lượng xanh. Ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, thì thành phố cần ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động xe buýt, nhất là cơ chế hỗ trợ lãi suất cho vay đầu tư phương tiện, xây dựng kết cấu hạ tầng cho xe buýt.
Chính quyền các thành phố triển khai quyết liệt hơn trong việc lập lại trật tự đô thị, bảo đảm vỉa hè dành cho người đi bộ, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với xe buýt, tổ chức các làn đường riêng cho xe buýt tại các tuyến đường có chiều rộng từ 7m trở lên. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường sắt đô thị, trước mắt là hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường sắt Nhổn-ga Hà Nội đoạn trên cao.