Tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng chí Trương Thị Ngân đề xuất với Ðảng ủy, chính quyền xã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về tấm gương thực hành tiết kiệm của Bác, sau đó phát động phong trào nuôi lợn tiết kiệm đến các hội viên phụ nữ trong toàn xã. Mỗi gia đình hội viên mua một con lợn nhựa, mỗi tuần bỏ vào lợn từ 2.000 đồng trở lên. Ðến nay, các chi hội tiết kiệm được hơn mười triệu đồng, giúp các gia đình hội viên nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Ngoài ra, đồng chí Ngân cùng với tập thể Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã chỉ đạo các chi hội thành lập các mô hình câu lạc bộ (CLB): "Phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo", Phụ nữ không sinh con thứ ba", "Phòng, chống bạo lực gia đình"... thu hút đông đảo hội viên tham gia. Ðến nay, tỷ lệ tập hợp hội viên phụ nữ ở xã Yên Lạc đạt hơn 80%. Các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội còn tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền xã lựa chọn mô hình trồng cây hương bài và sản xuất hương bài (loại cây dùng để làm hương). Ðến nay, cây hương bài ngày càng phát triển trên đồng đất địa phương, cho thu hoạch hơn 60 triệu đồng/ha. Ngoài ra, đồng chí Ngân còn đi tham quan mô hình đan bẹ chuối xuất khẩu ở Nam Ðịnh và vận động hội viên tham gia học nghề tại trung tâm học tập cộng đồng của xã. Hiện nay, nghề đan bẹ chuối thu hút được hàng trăm chị em tham gia,thu nhập bình quân 1,4 triệu đồng người/tháng.
Không chỉ là cán bộ hội năng nổ, đồng chí Trương Thị Ngân còn dành thời gian chăm lo việc gia đình. Các con của đồng chí luôn chăm ngoan, học giỏi. Nhiều năm liền gia đình đồng chí được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa". Ðồng chí Trương Thị Ngân là một cán bộ hội "giỏi việc nước, đảm việc nhà", xứng đáng là tấm gương cho chị em ở xã Như Lạc noi theo.
HIẾU THUẬN
(Thanh Hóa)
Ðồng chí Bí thư Chi bộ hiểu dân, gần dân
Nhắc đến đồng chí Cao Thị Ðồn, Bí thư Chi bộ tiểu khu 3, thị trấn Ðồng Lê (Tuyên Hóa, Quảng Bình), bà con nơi đây đều bày tỏ tấm lòng quý mến. Tiểu khu có hơn 160 hộ dân, phần lớn các gia đình làm thương mại, dịch vụ. So với ba, bốn năm trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm hẳn. Số hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" ngày càng tăng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được cho biết, nhiều trường hợp trước đây bỏ nhà, lặn lội xuống xuôi kiếm nghề làm thuê. Hiện nay, nhiều gia đình trở về làm ăn tại quê hương và có cuộc sống ổn định. Nhiều hộ còn xây được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt. Không ít hộ phát đạt còn mở rộng lĩnh vực làm ăn, buôn bán. Sở dĩ, đạt được hiệu quả trong làm ăn, phát triển kinh tế ở địa phương, ngoài sự nỗ lực của các hộ dân, còn phải kể tới vai trò của chi bộ, đứng đầu là đồng chí Cao Thị Ðồn. Bác Ðoàn Ngọc Giản, 84 tuổi đời, 60 tuổi Ðảng, ở tiểu khu 3, cho biết: "Cán bộ cơ sở là cánh tay nối dài của Ðảng, cán bộ có gần dân, hiểu dân thì mới có phương pháp để đưa được chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với bà con". Thông qua công việc hằng ngày, bằng sự gặp gỡ, giao tiếp với bà con, tổ chức sinh hoạt chi bộ định kỳ, đồng chí Ðồn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên. Ðồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, trung thực, gương mẫu trong công tác, nói đi đôi với làm. Từ đó, tấm gương của đồng chí có sức lan tỏa nhanh chóng trong toàn thể đảng viên, quần chúng. Ðược biết, không chỉ là Bí thư Chi bộ có uy tín, đồng chí Ðồn còn là người mẹ, người vợ đảm đang trong gia đình. Ðồng chí cũng là hạt nhân tích cực của nhiều phong trào, đoàn thể ở tiểu khu.
Tiếp xúc với đồng chí Bí thư Chi bộ tiểu khu 3 Cao Thị Ðồn, chúng tôi nhận rõ trong ánh mắt đồng chí sự khiêm nhường, phúc hậu, nhưng rất tự tin. Ðồng chí Cao Thị Ðồn tâm sự: Bận nhưng vui, vì thấy mình như trẻ ra, và nhất là được chung sức với mọi người thi đua đạt được những mục tiêu phát triển của địa phương. Niềm tin của bà con, của chi bộ, chính là động lực giúp mình nỗ lực vươn lên, góp phần động viên nhân dân đoàn kết thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới.
GIANG LÂM (Quảng Bình)