Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về các nội dung liên quan đến cải cách tiền lương và các giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động trong thời gian tới.
Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024... Qua nghiên cứu Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu đánh giá thế nào về các báo cáo này?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Đối với báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, tôi có quan tâm đến một số chỉ tiêu.
Thứ nhất là có những chỉ tiêu mà 3 năm liên tiếp chúng ta không đạt được mục tiêu đề ra. Đó là tỷ lệ tăng năng suất lao động bình quân của xã hội trong năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta không đạt mục tiêu.
Thứ hai, về tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP của nước ta vẫn ở mức cao hơn mức trung bình của thế giới nhưng chúng ta cũng có 5 trong số 15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, và đó cũng là những chỉ tiêu rất “xương sống” của nền kinh tế.
Chính vì vậy, thách thức đối với tăng trưởng trong thời gian tới là rất lớn, đặc biệt là trong năm 2024 - năm tăng tốc để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của nhiệm kỳ này.
Quang cảnh một phiên họp của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. (Ảnh: DUY LINH) |
Phóng viên: Theo đại biểu, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Riêng đối với chỉ tiêu năng suất lao động bình quân, dù đã rất nỗ lực để nâng cao năng suất lao động xã hội song chúng ta vẫn chưa đạt mục tiêu như mong muốn.
Trong báo cáo của Chính phủ cũng đã phân tích rất kỹ các nguyên nhân khiến cho năng suất lao động của chúng ta nhiều năm liền không đạt mục tiêu, trong đó có nêu vấn đề sự dịch chuyển cơ cấu lao động của chúng ta cũng chưa được như mong muốn. Phần lớn lao động của Việt Nam là đều nằm ở khu vực phi chính thức và khu khu vực nông nghiệp, đều là những khu vực có năng suất lao động thấp.
Thứ hai, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào trong sản xuất cũng còn hạn chế. Tỷ trọng công nghiệp chế tạo, chế biến trong nền kinh tế cũng thấp. Đó là những nguyên nhân khiến cho năng suất lao động của chúng ta chưa cao.
Thêm nữa, việc chúng ta thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo tôi vẫn chưa đạt yêu cầu.
Tìm giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động Việt Nam
Ngoài ra, tôi thấy còn một điểm cũng khá liên quan, đó là trong những tháng đầu năm 2024, nhiều vụ tai nạn lao động liên tiếp xảy ra, thậm chí có những vụ tai nạn lao động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tựu trung lại, có hai nhóm nguyên nhân chính: Thứ nhất là do sự bất cẩn của bản thân người lao động, trong quá trình lao động không tuân thủ một cách nghiêm túc và chặt chẽ các quy trình, quy định về an toàn; và thứ hai là do môi trường lao động cũng như máy móc còn kém chất lượng, khiến cho tai nạn lao động xảy ra.
Điều này cũng phản ánh một phần môi trường lao động và kỹ năng, trình độ lao động của người lao động Việt Nam vẫn hạn chế và đó cũng là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lao động.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng nhắc lại tồn tại mà chúng ta đã đề cập trong năm 2022 và cả năm 2023, đó là có một bộ phận cán bộ, công chức còn ngại khó, ngại khổ, còn có tình trạng né tránh trong công việc. Tình trạng này hiện vẫn chưa được cải thiện và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho năng suất lao động của chúng ta cũng chưa được cải thiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga trả lời phỏng vấn các cơ quan thông tấn, báo chí bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Phóng viên: Liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã chỉ rõ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như: “Tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến trì trệ, kém hiệu quả trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở một số cơ quan, tổ chức mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục”. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào và đâu là giải pháp cốt lõi cho vấn đề này?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Như tôi đã nói ở trên, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức không quyết liệt trong công việc chắc chắn sẽ dẫn đến độ trễ và độ ỳ nhất định. Nó cũng ảnh hưởng đến năng suất lao động, đặc biệt là trong khu vực công. Đây cũng là điều mà chúng ta cần phải quyết liệt trong thời gian tới.
Nếu như chúng ta chỉ tập trung vào 1-2 giải pháp thôi thì cũng chưa toàn diện. Trong báo cáo của Chính phủ tôi thấy đã nêu ra nhiều giải pháp rất toàn diện. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh để chúng ta thực sự có được sự chuyển biến thì phải thực hiện tốt và thực hiện nghiêm các quy định đã có.
Hiện hệ thống pháp luật và các quy định của chúng ta đã khá toàn diện và đầy đủ. Tuy nhiên khâu thực hiện nhiều khi vẫn còn chưa được nghiêm. Thí dụ như vẫn còn tình trạng nể nang trong đánh giá công chức, viên chức, dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên ngại khó, ngại khổ hay né tránh trong công việc vẫn kéo dài.
Nếu như chúng ta đã nhận diện được vấn đề thì cần mạnh dạn trong khâu đánh giá và khâu xử lý. Bởi vì tất cả những quy định chúng ta đều đã có, và vấn đề là chúng ta có áp dụng đúng hay không? Tôi cho rằng nếu chúng ta thực hiện nghiêm các quy định, đặc biệt là đối với đánh giá đảng viên, đánh giá công chức hàng năm cần có sự thay đổi để thực hiện tốt quy định về khen thưởng, kỷ luật, qua đó góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm chậm khắc phục
Phóng viên: Quay trở lại vấn đề năng suất lao động, theo bà, chúng ta cần phải làm gì để khắc phục tình trạng chỉ tiêu năng suất lao động đặt ra mà 3 năm liền đều không đạt?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Các giải pháp cho vấn đề này cũng đã được nêu rõ ra trong báo cáo Chính phủ. Nhưng theo tôi, muốn tăng năng suất lao động thì sự nỗ lực của chúng ta không phải chỉ ngày một ngày hai là có thể nhìn thấy một cách rõ rệt.
Thứ nhất, chúng ta vẫn phải tập trung vào việc đầu tư cho môi trường lao động không chỉ về yếu tố an toàn mà còn cần mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật để cải thiện năng suất lao động.
Thứ hai, cần nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động của người lao động, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, một giải pháp quan trọng là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động trong bối cảnh chúng ta hiện nay vẫn đang tập trung quá nhiều vào khu vực có năng suất lao động thấp.
Chúng ta vẫn xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế và bộ phận lao động nằm trong khu vực nông nghiệp lại có năng suất lao động thấp. Vậy thì trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, chúng ta không thể chuyển dịch quá nhanh, và giải pháp là cần đầu tư áp dụng khoa học công nghệ cho sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp nâng cao năng suất lao động ở khu vực nông nghiệp, góp phần để trụ đỡ này vững chắc hơn.
Phóng viên: Một điểm nhấn quan trọng trong năm 2024 là sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ ngày 1/7 tới đây. Theo đại biểu, cần phải quan tâm đến vấn đề nào để việc cải cách tiền lương sắp tới thực sự khả thi và hiệu quả?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Vấn đề cải cách tiền lương đã được dư luận rất quan tâm. Cái mới của cải cách tiền lương chính là việc thay đổi cách tính lương cho người lao động khu vực công. Trước đây, cách tính lương truyền thống dựa trên ngạch, bậc nhưng bây giờ thì trả lương theo vị trí việc làm.
Với cách tính lương mới này, tiền lương của người lao động nói chung được tăng lên đáng kể và tạo được sự công bằng hơn. Thí dụ cùng một vị trí việc làm, cùng một trình độ, cùng một năng lực thì lương nhận được là như nhau, bất kể tuổi tác hay đã vào công chức, viên chức lâu hay chưa. Điều đó tạo được sự động viên cho người lao động. Ngoài ra, những quy định liên quan đến quỹ khen thưởng trong cách tính lương mới này tôi thấy cũng rất công bằng, hợp lý.
Bảo đảm quyền lợi người lao động trước và sau cải cách tiền lương
Tuy nhiên, nếu như chúng ta muốn nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ cải cách tiền lương thì vẫn cần phải lưu ý thêm một số vấn đề.
Thứ nhất, cải cách tiền lương phải đi đôi với việc tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp lại bộ máy làm sao cho tinh gọn thực sự. Bởi vì với một bộ máy tinh gọn, làm việc hiệu quả thì chúng ta mới có nguồn lực để tiếp tục cải cách tiền lương, còn nếu cứ duy trì một bộ máy cồng kềnh và có những bộ phận làm việc không hiệu quả thì chúng ta khó có nguồn lực để cải cách tiền lương trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ hai, cải cách tiền lương cũng phải đi đôi với việc đổi mới cách đánh giá, gồm cả khen thưởng và đánh giá hàng năm để tạo căn cứ cho việc thực hiện quỹ khen thưởng. Nếu như cải cách tiền lương, cách tính lương đã tương đối công bằng nhưng cách đánh giá chưa tương xứng thì tôi thấy rằng cũng chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Thứ ba, cải cách tiền lương phải đi đôi với việc nâng cao năng suất lao động. Hiện nay, Chính phủ đã tiết kiệm được một khoản ngân sách để dành cho cải cách tiền lương, nhưng đó là khoản ngân sách chúng ta đã tiết kiệm trong thời gian qua. Trong thời gian tới, vẫn cần rất nhiều nguồn lực để cải cách tiền lương. Nếu không nâng cao năng suất lao động thì chúng ta rất khó khăn trong cái việc tạo nguồn lực để tiếp tục thực hiện chính sách tiền lương mới này.