Tại diễn đàn, ngoài chính tham luận đến từ các nhà khoa học, quản lý, chủ doanh nghiệp, chuyên gia lao động, kinh tế, còn có nhiều ý kiến tâm huyết đến từ chính những người lao động, cán bộ công đoàn, nhằm thúc đẩy tăng năng suất lao động đến từ chính kinh nghiệm thực tiễn lao động và công tác của mình.
Không ngừng học hỏi để năng suất lao động hôm nay phải hơn hôm qua
18 tuổi, chị Phùng Thị Hạnh, công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội - Tổng Công ty May 10 bước chân vào nghề may và gắn bó đến bây giờ.
Công nhân Phùng Thị Hạnh. |
Là công nhân mới, chưa từng qua trường lớp đào tạo, chị Hạnh bày tỏ rất ngưỡng mộ các cô chú anh chị đi trước, luôn tự nhủ, nhất định phải làm được như thế và hơn thế.
Bởi vậy, chị luôn ý thức quan sát và học hỏi mỗi ngày, lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ: Làm thế nào để tăng năng suất và để tay nghề ngày càng tiến bộ hơn.
Chị Hạnh chia sẻ, bước đầu, chị học hỏi từ đồng nghiệp. Tranh thủ giờ nghỉ ca, học từ các cô chú có thâm niên, dây chuyền nào có người giỏi, công đoạn nào có người làm tốt hơn là học. Dần dà, chị học các anh chị quản lý cách bố trí, sắp xếp hàng hóa hợp lý, thuận tiện, đúc rút ra kinh nghiệm, loại bỏ những thao tác thừa, giúp đẩy nhanh năng suất.
Từ những ngày đầu chỉ may được 200-300 sản phẩm, sau 5 tháng, chị Hạnh đã hoàn thành được 700-800 sản phẩm/ngày.
Không hài lòng với những gì đạt được, chị Hạnh tiếp tục học cách kiểm soát thời gian với mục tiêu năng suất giờ sau phải tăng hơn giờ trước. Hơn một năm sau, chị đã là người dẫn đầu về năng suất tại đơn vị với 1.400 sản phẩm/ngày, đạt 150% so với đồng nghiệp cùng công đoạn.
Không chỉ làm chủ công đoạn của mình, chị Hạnh còn đam mê học thêm những công đoạn khác để tay nghề của mình được nâng cao hơn và trở thành thợ điều động, có thể làm được bất kỳ vị trí nào trong công đoạn sản xuất.
Với quá trình học tập và rèn luyện không ngừng nghỉ, đến nay chị Hạnh luôn là công nhân đạt năng suất và thu nhập cao hàng đầu của Xí nghiệp, với 15 triệu đồng/tháng.
Từ thực tế công việc của một người lao động trực tiếp, chị Hạnh cho rằng, năng suất lao động nước ta còn có thể nâng cao nhiều hơn nữa, nếu từng doanh nghiệp, từng người lao động luôn nỗ lực hàng ngày.
Chính bởi sở hữu nhiều "vốn quý" như chị Phùng Thị Hạnh mà Tổng Công ty May 10 đã trở thành một doanh nghiệp mạnh của ngành Dệt may Việt Nam.
Thế nhưng, ở một góc độ ngược lại, đoàn viên công đoàn cơ sở Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh), anh Mai Thiên Ân lại cho biết, nhiều lao động không tuân thủ nội quy, giờ giấc, tác phong làm việc như đi trễ, về sớm... gây đình trệ công việc.
Trưởng phòng Sản xuất, Công ty TNHH Intel Products, Thành phố Hồ Chí Minh Mai Thiên Ân. |
Anh Ân cho rằng: Từ thực tế sản xuất, kinh doanh ở tất cả doanh nghiệp trên thế giới đã chứng minh việc rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động cho người lao động là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều người lao động chưa thực sự quan tâm và đặt việc rèn luyện, nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp lên hàng đầu như: không tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động gây ra các chấn thương, thậm chí tử vong.
Không tuân thủ nội quy, giờ giấc, tác phong làm việc như đi trễ, về sớm, nghỉ giải lao không đúng thời gian quy định, có mặt ở cơ quan đúng giờ để điểm danh rồi ăn sáng, uống trà gây đình trệ công việc; xin nghỉ phép không có lý do chính đáng; phối hợp trong công việc kém; làm việc nhóm không hiệu quả.
Không tuân thủ quy trình sản xuất dẫn đến sản phẩm lỗi ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu doanh nghiệp và lòng tin của đối tác, anh Mai Thiên Ân nhận định.
Cũng như bao công dân Việt Nam, anh Mai Thiên Ân mong muốn nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, trong đó nâng cao năng suất lao động là động lực chính.
Do vậy, tại Diễn đàn, đoàn viên Mai Thiên Ân đề xuất, kiến nghị có thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho người lao động từ từ sớm để trở thành “thói quen, nếp nghĩ, nếp làm” khi còn ngồi trên ghế nhà trường, xem xét định hướng ở các cấp bậc phù hợp.
Thí dụ, học cơ bản từ cấp trung học phổ thông cho đối tượng lao động phổ thông, học nâng cao cho các cấp bậc trung cấp, cao đẳng, đại học và xem xét nội dung học phù hợp với ngành nghề họ đang theo học, vì mỗi nghề nghiệp khác nhau cũng cần có tác phong công nghiệp khác nhau.
Có quy chế tài chính cho phép công đoàn cơ sở có đủ nguồn lực trong việc đầu tư hoặc chi tiêu cho các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, khen thưởng về tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Honda Việt Nam Phan Tuấn Anh. |
Cùng hiến kế, Chủ tịch Công đoàn Công ty Honda Việt Nam, thuộc Công đoàn Công thương Việt Nam Phan Tuấn Anh cho rằng: môi trường làm việc an toàn, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, phát triển văn hóa doanh nghiệp sẽ thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Tại diễn đàn, Chủ tịch Công đoàn đề xuất tới tổ chức công đoàn, Chính phủ cần có các quy định, chế tài cụ thể về việc xử lý người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ các quy định dân chủ tại doanh nghiệp.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng cường tổ chức các diễn đàn, hội nghị, chuyên đề chuyên sâu để các công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động tham gia chia sẻ những khó khăn và trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, xây dựng quy chế dân chủ và văn hóa doanh nghiệp.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên nhiều hơn nữa
Là cán bộ công đoàn trực tiếp tại doanh nghiệp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) Đặng Tuấn Tú cho rằng, năng suất lao động là yếu tố quyết định sự phát triển của một doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năng suất lao động cao, người lao động sẽ có thu nhập cao và đời sống không ngừng được cải thiện ngoài việc bảo vệ quyền lợi người lao động, công đoàn cần tăng cường tuyên truyền giáo dục.
Cũng theo Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam, tổ chức công đoàn cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để chuyển tải đến chủ doanh nghiệp.
Lấy thí dụ từ thực tiễn hoạt động công đoàn của doanh nghiệp, ông Đặng Tuấn Tú cho biết, chính việc quan tâm lắng nghe ý kiến đóng góp cũng như tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, công đoàn đã góp phần nâng cao năng suất của người lao động trong công ty. Năm 2012, mỗi công nhân một ngày chỉ sản xuất được 2,85 đôi giày, thì sang năm 2024, mỗi ngày mỗi công sản xuất được 3,44 đôi giày.
Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam Đặng Tuấn Tú. |
Qua diễn đàn, ông Đặng Tuấn Tú cũng kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội tiếp tục ủng hộ việc trích nộp kinh phí 2% từ doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động chăm lo cho người lao động và giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và 40 giờ/ tuần cho phù hợp và theo kịp các nước cùng khu vực, tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi dài hơn để tái tạo sức khỏe và chăm sóc hạnh phúc gia đình.
Lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là động lực quan trọng thúc đẩy năng suất lao động
Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu, Viện phó Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan cho biết, mọi người lao động đi làm đều quan tâm tới tiền lương, nhất là người có thu nhập thấp. Thực tế đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ và tỷ lệ thuận giữa tiền lương, thưởng và phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng và toàn tâm trong công việc.
Theo đó, lương cùng với thưởng và phúc lợi thỏa đáng là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao năng suất lao động.
Theo Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, khi người lao động còn đang phải vướng bận kiếm bữa cơm hằng ngày cho gia đình thì sẽ không thể dành thời gian, tâm trí và sức lực cho việc học tập, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho bản thân. Chưa nói tới người có lương thấp sẽ không có nguồn lực để đầu tư cho học tập của bản thân và con cái.
Người lao động không có kỹ năng thì mong muốn đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại với mục đích tăng năng suất lao động cũng trở nên vô nghĩa, chuyên gia Phạm Thị Thu Lan khẳng định.
Viện phó Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan. |
Bà Lan cũng cho rằng, việc thúc đẩy học tập cho người lao động cũng là một việc làm quan trọng, tuy nhiên, để công nhân học tập cũng cần có động lực. Người lao động khi còn đang phải vướng bận kiếm bữa cơm hằng ngày cho gia đình thì học tập cho bản thân không phải là sự ưu tiên.
Người lao động không thể dành thời gian, tâm trí và sức lực cho việc học tập, chưa nói tới người có tiền lương thấp sẽ không có nguồn lực để đầu tư cho học tập cho bản thân và con cái. Thiếu học tập nâng cao trình độ, Việt Nam sẽ không thể nâng cấp chuỗi giá trị, theo kịp xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế toàn cầu.
Từ những lý do nêu trên, Viện phó Viện Công nhân và Công đoàn Phạm Thị Thu Lan đưa ra một số đề xuất đóng góp cho tăng năng suất từ yếu tố lao động trong giai đoạn tới như: cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng để người lao động không chỉ bảo đảm trang trải chi phí cơ bản cần thiết cho bản thân và gia đình mà còn cần một khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai;
Tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, mục tiêu đến năm 2030 đạt 60% như kế hoạch đề ra, đáp ứng mong mỏi của người lao động; thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập, thu hẹp khoảng cách lương và thu nhập giữa nam và nữ.
Quan tâm thúc đẩy chính sách phúc lợi nhà ở, trường học, bệnh viện; nhất là việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội đi kèm với cơ sở hạ tầng để người lao động thu nhập thấp đạt được ước mơ sở hữu căn nhà riêng của mình trong những năm tới.